Thông tin được nêu từ buổi giám sát HĐND TP.HCM với UBND quận Gò Vấp sáng 19-9 về công tác quản lý nhà nước về lao động và việc làm trên địa bàn quận.
Tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Mỹ Dung - phó giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM - cho biết tình trạng nợ BHXH của doanh nghiệp trên địa bàn còn cao, các tranh chấp về quyền lợi BHXH vẫn chưa được giải quyết hiệu quả.
Về tình trạng trốn đóng BHXH cho người lao động, bà Dung nêu dẫn chứng một doanh nghiệp nước ngoài hoạt động kinh doanh trên địa bàn TP Thủ Đức có 100 người lao động nhưng chủ doanh nghiệp chỉ đóng BHXH cho giám đốc. Đến giai đoạn khó khăn, chủ doanh nghiệp bỏ về nước và nợ lương người lao động 8 tháng. Khi giám đốc trao đổi với BHXH mới ngỡ ngàng 99 người lao động còn lại không ai được đóng BHXH.
“Chính người lao động cũng không bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Vì thế thông qua hệ thống VSSID chúng tôi triển khai giúp người lao động có thể kiểm tra quá trình tham gia BHXH của mình hoặc trốn đóng hoặc đăng ký mức lương thấp hơn thực tế, gây thiệt hại lớn cho người lao động”, bà Dung nói.
Theo bà Dung, dù có rất nhiều doanh nghiệp chậm đóng hoặc nợ BHXH nhưng các biện pháp chế tài đưa ra chưa đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, khi phối hợp với lực lượng công an cũng rất khó xử lý các trường hợp này bởi nhiều doanh nghiệp lách luật bằng cách sử dụng hợp đồng thời vụ.
Do đó cần có giải pháp quyết liệt hơn để hướng dẫn, vận hành doanh nghiệp thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng BHXH. Có giải pháp để bảo vệ quyền lợi của người lao động khi doanh nghiệp nợ BHXH.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ đề nghị quận Gò Vấp tăng cường tổ chức kiểm tra các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm, kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là việc đóng BHXH cho người lao động. Kiểm tra các ngành nghề có nguy cơ cao xảy ra tai nạn lao động trên địa bàn (xây dựng, sản xuất công nghiệp, cơ khí…).
Tập trung gặp gỡ, trao đổi lãnh đạo các doanh nghiệp, tăng cường công tác tuyên truyền về vệ sinh an toàn lao động, nhất là đối với người sử dụng lao động.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận