Có thể hiểu lãnh đạo TP đang xác lập mục tiêu và triết lý phát triển lâu dài cho TP.
Việc xác lập được triết lý phát triển có một ý nghĩa vô cùng quan trọng, nó sẽ giảm thiểu được tư duy “nhiệm kỳ”, nó sẽ xác quyết được những giá trị cơ bản mà cả cơ quan công quyền và người dân mong muốn đạt đến.
Nó được coi như những nguyên tắc cơ bản cho dù người lãnh đạo là ai, vào lúc nào đều phải tôn trọng và thực hiện nó. Mỗi ban lãnh đạo chỉ có thể cụ thể hóa nó, đưa nó vào cuộc sống và hiện thực hóa nó. Chính nhờ có triết lý phát triển mà tinh thần của các văn kiện mới sống lâu dài trong đời sống xã hội.
Dường như tất cả các thành phố trên thế giới đều xác lập triết lý phát triển của mình cho từng giai đoạn hay toàn bộ tiến trình. Từ những năm 1980, các thành phố của châu Á đã xác lập triết lý phát triển của mình.
Chẳng hạn, hội đồng đô thị Metro Manila đã xây dựng chiến lược mang tên “Hướng tới một đô thị nhân văn tầm quốc tế”, Bangkok xây dựng thành phố “Bangkok - thành phố hòa bình, văn minh và nụ cười”, Kuala Lumpur đầy tham vọng với “Thành phố nghệ thuật và nhân văn”, còn Singapore là “Thành phố tiện nghi và văn hóa”, gần đây họ đã bổ sung một cụm từ mới là “Thành phố thông minh và văn hóa”.
Với TP.HCM, việc xác lập mục tiêu “xây dựng TP.HCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình” thật sự là một sự trăn trở về nhận thức.
Cách nay bảy năm, lãnh đạo TP đã giao cho các viện nghiên cứu, trường đại học xây dựng triết lý phát triển một cách “cô đọng nhất” nhưng phải đầy đủ, phản ánh được mong ước của người dân TP.HCM và phải tương đồng với trình độ phát triển của các đô thị trên thế giới, nhưng lại mang được bản sắc của địa phương.
Để đi đến ngày hôm nay, đã có rất nhiều cuộc tranh luận, các hội thảo, rất nhiều mục tiêu được đề cập như “Thành phố anh hùng”, “Thành phố xã hội chủ nghĩa”, “Thành phố xanh”, “Thành phố công bằng”, “Thành phố sống tốt”.
Trong những năm trước đây TP.HCM xác định mục tiêu phát triển là xây dựng “Thành phố văn minh, hiện đại và đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc”, và khóa X đang dự tính sẽ bổ sung hai thành tố mới là “chất lượng sống tốt và nghĩa tình”.
Xét một cách tổng thể thì mục tiêu (hay triết lý) lần này phản ánh tương đối đầy đủ các phần cấu thành của một đô thị hiện đại, tương đồng với trình độ quốc tế: hiện đại là phần tổ chức vật chất của một thành phố (cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cơ sở hạ tầng xã hội, công trình xây dựng, không gian sống); văn minh là lối sống và văn hóa của thị dân được phản ánh ở trình độ khoa học - công nghệ, trật tự - kỷ cương, tinh thần pháp luật; chất lượng sống tốt là các chỉ số mà chúng ta theo đuổi, gồm có: kinh tế (mức sống), môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, các nhu cầu cơ bản (nước sạch, năng lượng, nhà vệ sinh), y tế - giáo dục, văn học - nghệ thuật, và cuối cùng là nghĩa tình cho thấy mối quan hệ của con người (cá nhân, nhóm, cộng đồng) với nhau.
Mong muốn về một TP đáng sống là nguyện vọng chính đáng của tất cả mọi người dân TP, do vậy sẽ có ý nghĩa hơn nếu cuộc thảo luận, góp ý vượt ra khỏi một tổ chức chính trị để thành diễn đàn toàn dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận