24/11/2014 13:54 GMT+7

​Xây dựng chương trình quan trọng hơn

TS HỒ THIỆU HÙNG
TS HỒ THIỆU HÙNG

TT - Dư luận hiện đã thống nhất về quan điểm “Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa”. Do vậy các bộ SGK dù ai viết đều phải bám sát chương trình mới có hi vọng được sử dụng.

Sau khi đề án đổi mới chương trình - sách giáo khoa được trình ra trước Quốc hội, có một xu hướng phổ biến hiện nay là người ta bàn nhiều về vấn đề sách giáo khoa do ai viết, Bộ GD-ĐT có nên viết không, kinh phí đâu, thẩm định bởi ai... mà ít chú ý đến một vấn đề quan trọng hơn nhiều là xây dựng chương trình. Liệu có lệch trọng tâm chăng?

Dư luận hiện đã thống nhất về quan điểm “Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa”. Do vậy các bộ sách giáo khoa dù ai viết đều phải bám sát chương trình mới có hi vọng được sử dụng.

Chương trình mới là pháp lệnh chứ không phải sách giáo khoa. Chương trình là “bản vẽ”, “bản thiết kế kết cấu”. Bản vẽ mà tồi thì bộ sách giáo khoa thể hiện tốt nhất “bản vẽ” cũng chỉ là bộ sách dở.

Để xây dựng một chương trình tốt, cụ thể hóa được các mục tiêu và yêu cầu của công cuộc đổi mới toàn diện và căn bản GD-ĐT, không chỉ cần có đội ngũ chuyên gia giỏi về từng môn học, cấp học mà trước tiên cần một người thật sự có uy tín đứng đầu làm tổng công trình sư.

Ngoài tầm nhìn và năng lực có thể cụ thể hóa các yêu cầu của đề án ra, người này phải có khả năng kết hợp các nhóm chuyên gia từng bộ môn lại với nhau sao cho hệ thống kiến thức được liền mạch, đồng bộ, không có tình trạng vênh nhau như vẫn gặp trong bộ sách giáo khoa hiện hữu trong nhà trường phổ thông.

Nước ta còn thiếu những người được đào tạo để viết chương trình nên việc tham khảo chương trình, đặc biệt là chương trình khoa học tự nhiên phổ thông của các nước có nền giáo dục tiên tiến, là vô cùng cần thiết.

Thậm chí có thể mua chương trình, mua cả sách giáo khoa về một số môn khoa học tự nhiên của nước ngoài nếu thấy tốt, đem về bổ sung chỉnh sửa cho phù hợp với nước ta.

Như vậy vừa kế thừa được tinh hoa của thế giới về khoa học tự nhiên, vừa sẽ tiết kiệm cả thời gian lẫn công sức người viết, tiền bạc của dân, để dồn nguồn lực và phương tiện cho việc soạn sách giáo khoa các môn xã hội.

Chương trình chuẩn phải chỉ rõ không chỉ nội dung, kiến thức và khung thời gian cho từng môn học mà phải nêu ra những yêu cầu cụ thể về kiến thức, năng lực cần đạt được sau mỗi chương để những người viết sách giáo khoa thể hiện trong nội dung sách mình đang viết.

Cần công bố rộng rãi bản dự thảo chương trình lên các phương tiện thông tin đại chúng cho bất cứ ai quan tâm đều có thể tiếp cận được, đồng thời mở một diễn đàn góp ý cho dự thảo chương trình để mọi người đều có thể nói lên ý kiến của mình.

Dự thảo chương trình cần được một hội đồng đa ngành thẩm định thật cẩn thận.

Trong hội đồng này, ngoài những người hoạt động chính trị, khoa học và các chuyên gia giáo dục am hiểu từng cấp bậc học và từng môn học ra, cần có các thành phần khác như các nhà kinh doanh, các nhà sản xuất, các nhà hoạt động xã hội là người VN sống trong và ngoài nước.

Họ chính là người sử dụng nguồn nhân lực do GD-ĐT đưa ra thị trường lao động nên họ có quyền góp ý, thẩm định chương trình.

Sau khi tiếp thu các ý kiến xác đáng, dự thảo chương trình phải được chỉnh sửa và ban hành trong một nghị quyết của Quốc hội để mang tính pháp lệnh cao nhất.

Các khâu tiếp theo mới là viết và thẩm định sách giáo khoa , chuyển hướng và phương thức đào tạo giáo viên, xây dựng cơ sở vật chất...

Việc xây dựng và ban hành một chương trình mang tính pháp lệnh mới là việc cần làm trước tiên và quan trọng nhất chứ không phải là việc viết sách giáo khoa.

Vì vậy rất mong Quốc hội và các cơ quan hữu quan dành sự chú ý trước tiên và chủ yếu cho việc xây dựng chương trình.

TS HỒ THIỆU HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên