05/06/2023 20:50 GMT+7

Xây chuỗi kết nối nông sản Việt - Trung, giải quyết ách tắc, thông quan nhanh nhất

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nhận định trên cơ sở chuỗi cung ứng nông sản, các cơ quan chức năng hai nước Việt - Trung sẽ tạo điều kiện hoặc 'vướng gì thì gỡ đó'.

Xây chuỗi kết nối nông sản Việt - Trung, giải quyết ách tắc, thông quan nhanh nhất - Ảnh 1.

Xe container xếp hàng tại khu vực cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) chờ xuất hàng đi Trung Quốc - Ảnh: HÀ QUÂN

Chiều 5-6, ông Trần Thanh Nam - thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - trao đổi với báo chí xoay quanh câu chuyện thúc đẩy thương mại xuất khẩu nông sản Việt Nam.

Thứ trưởng

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn

 TRẦN THANH NAM

Tôi khẳng định nông sản Việt Nam đáp ứng được yêu cầu phía Trung Quốc. Họ cần các sản phẩm nông nghiệp của chúng ta như yến sào, sầu riêng và khẳng định các sản phẩm đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên chuỗi cung ứng chưa được xuyên suốt, còn đứt gãy.

Xuất khẩu nông sản Việt Nam - Trung Quốc bổ trợ cho nhau

* Thứ trưởng đánh giá thế nào về thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc trong thời gian qua, đặc biệt sau đại dịch COVID-19?

Trung Quốc là thị trường rất lớn, sau đại dịch COVID-19 thì dấu hiệu kinh tế phục hồi của Trung Quốc rõ rệt.

Vừa qua, bộ đã có chuyến thăm và làm việc với lãnh đạo hai tỉnh Quảng Tây và Vân Nam, phía họ cam kết xem thị trường Việt Nam là đối tác quan trọng.

Đặc biệt đối với nông sản, chúng ta thấy rõ rằng việc xuất nhập khẩu nông sản giữa hai nước bổ trợ cho nhau nhiều.

Tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc cũng tạo thuận lợi cho chúng ta trong việc xuất nhập khẩu hàng hóa bằng đường bộ. Có đến 70% các sản phẩm nông sản của chúng ta đưa sang Trung Quốc bằng đường bộ. Đây là cửa ngõ để đưa nông sản vào sâu trong nội địa Trung Quốc.

* Kết quả làm việc với hai tỉnh nói trên thế nào, thưa thứ trưởng?

- Với tỉnh Quảng Tây, họ nhấn mạnh Việt Nam là đối tác thương mại nông sản hàng đầu. Họ đồng ý với đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rằng sau đại dịch COVID-19, cần kết nối lại chuỗi cung ứng nông sản.

Đồng thời, đồng ý tổ chức các diễn đàn xúc tiến thương mại thường niên và luân phiên giữa tỉnh Quảng Tây và Việt Nam. 

Phía họ cũng đồng ý với đề xuất nên thành lập hiệp hội doanh nghiệp nông sản để tạo sân chơi giữa doanh nghiệp hai nước, từ đó xây dựng chuỗi cung ứng nông sản.

Chúng tôi cũng làm việc với Cục Hải quan Nam Ninh (tỉnh Quảng Tây) và Cục Hải quan Côn Minh (tỉnh Vân Nam) về vấn đề xem xét, tạo điều kiện để thông thương hàng hóa xuất nhập khẩu ở biên giới. Trong đó bàn vấn đề cần phải quan tâm đầu tư hạ tầng đáp ứng yêu cầu xuất nhập khẩu.

Sau chuyến đi này, chúng tôi sẽ có kiến nghị với Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Phía họ cũng đồng ý để giải quyết vấn đề ách tắc cục bộ ở các cửa khẩu, thống nhất giao cho các đơn vị chức năng làm đầu mối.

Đối với Việt Nam, trước mắt chúng tôi giao cho Cục Bảo vệ thực vật, Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường sẽ là đầu mối liên lạc thường xuyên với các cơ quan chức năng ở cửa khẩu, giải quyết kịp thời các vấn đề ách tắc khi doanh nghiệp cần hỗ trợ.

Nâng cấp "cửa khẩu thông minh"

* Vừa qua, chúng ta đề xuất mở thêm các cửa khẩu giữa Việt Nam và hai tỉnh Vân Nam, Quảng Tây. Phía họ đánh giá như thế nào với đề xuất này?

- Về mở thêm cửa khẩu, phía họ đồng ý tuy nhiên cũng yêu cầu chúng ta cần nâng cấp hạ tầng các cửa khẩu đảm bảo theo đúng yêu cầu về xuất khẩu chính ngạch. Đồng thời đề xuất Việt Nam nên nâng cấp theo hướng cửa khẩu thông minh, sử dụng công nghệ số để kiểm soát cửa khẩu.

Đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chúng tôi đồng ý sắp tới trao đổi với nhau bằng thư điện tử để giải quyết nhanh, theo hướng "hải quan một cửa" ở biên giới. Tôi nghĩ đây là những ý tưởng gợi ý phù hợp trong giai đoạn hiện nay.

Để giải quyết ách tắc, cần phải giải quyết vấn đề một cửa, ứng dụng công nghệ thông minh trong xuất nhập khẩu.

* Để đáp ứng nhu cầu thông thương giữa Việt Nam và các tỉnh Trung Quốc cũng như khắc phục khó khăn, sản xuất hàng hóa nông sản Việt Nam, cần đáp ứng điều kiện gì?

- Vấn đề chính hiện nay là việc hợp tác thương mại giữa doanh nghiệp hai nước còn thiếu tính bền vững, chưa xây dựng được chuỗi liên kết nông sản an toàn, đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Do đó, trước hết là xây dựng vùng trồng đảm bảo, cơ sở đóng gói cũng như vấn đề logistics giữa hai nước để đảm bảo vận chuyển hàng hóa. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải áp dụng thương mại điện tử, công nghệ số, kết nối với các cơ quan chức năng để có sự thống nhất.

Cùng với đó, phối hợp với các doanh nghiệp để thành lập hiệp hội, xây dựng chuỗi kết nối doanh nghiệp của cả hai nước cả về xuất - nhập khẩu. Trên cơ sở những chuỗi cung ứng nông sản này, các cơ quan chức năng hai nước sẽ tạo điều kiện hoặc "vướng gì thì gỡ đó".

* Thông điệp của thứ trưởng gửi đến doanh nghiệp nông sản trong cả nước?

- Thị trường Trung Quốc là thị trường lớn và chú trọng chất lượng, cho nên các quy định phía bạn rất nghiêm ngặt.

Tôi đề nghị các doanh nghiệp cần đảm bảo đúng quy định của lệnh 248, 249 phía Trung Quốc yêu cầu. Nếu đảm bảo đúng thì hàng hóa chúng ta vào thị trường Trung Quốc thuận lợi.

Sầu riêng sánh ngang thanh long vào Trung Quốc, góp phần kiếm thêm 500 triệu USD cho rau quảSầu riêng sánh ngang thanh long vào Trung Quốc, góp phần kiếm thêm 500 triệu USD cho rau quả

Trong lúc nhiều ngành hàng gặp khó khăn, xuất khẩu rau quả 5 tháng đầu năm vẫn tăng hơn nửa tỉ USD so với cùng kỳ năm trước. Trong đó xuất khẩu sầu riêng tăng mạnh, sánh ngang với thanh long tại thị trường Trung Quốc.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên