Lần đầu tiên, nạn xâm hại tình dục trẻ em với những câu hỏi nhức nhối được đặt lên bàn điều trần của Quốc hội sau con số đau buốt “cứ 8 giờ có một em bé bị xâm hại”, sau những “chiến dịch” của dư luận, sau những cuộc chiến pháp lý kéo dài, cay đắng của những bà mẹ và sau cả cái chết của một em gái nạn nhân.
Lần đầu tiên, chặng đường cay đắng mà những bà mẹ và các em bé không may trở thành nạn nhân của nạn xâm hại tình dục bị buộc phải đi qua được các nhà làm luật xem xét nghiêm túc, chi tiết.
Chặng đường ấy, từ cơ quan công an đến trung tâm giám định pháp y, từ trạm xá đến bệnh viện phụ sản, mẹ và con phải đi qua rồi đi lại, đi lên rồi đi xuống, lần này rồi lần khác, mà thủ phạm vẫn cứ nhởn nhơ.
Người viết đã từng đồng hành cùng những cặp mẹ con như thế. Đường đi nắng bụi, phẫn uất, đầy nước mắt. Những câu hỏi lặp đi lặp lại, đôi khi sỗ sàng đến nghẹn lời, có lúc xúc phạm đến nghẹt thở. Những yêu cầu về tìm kiếm bằng chứng nghe như để bảo vệ thủ phạm.
Trên con đường ấy, mẹ phải tìm cách cứu chữa vết thương thân thể, tổn thương tâm hồn của con, tìm công bằng cho con trước pháp luật. Rồi mẹ còn phải tránh né những con mắt dòm ngó, những ngón tay chỉ trỏ, những xì xào, nghi ngờ đồn thổi...
Rất nhiều bà mẹ đã bỏ dở, chọn cách im lặng. Tội phạm cứ nhởn nhơ và có khi còn tiếp tục. Và khi một cô bé không chịu được câu trả lời “không có chuyện gì” của cơ quan điều tra mà đã tự tử thì thật là nước đã tràn ly...
Con đường cay đắng ấy, sau phiên điều trần này, liệu sẽ khác xưa? Chúng ta hi vọng và tin rằng phải khác hiện nay.
Chúng ta đã có những thầy cô giáo tình nguyện đến trường tiểu học, lên tận thôn bản Tây nguyên, xuống những huyện xã xa tít sông nước miền Tây để dạy cho các bé biết những “nguyên tắc đồ lót”, “nguyên tắc năm ngón tay”, biết hành vi nào là xấu, là xâm hại, biết “chạy nhanh và kêu to” khi gặp chuyện chẳng lành.
Nhưng những nỗ lực tình nguyện không thể đến được với tất cả các em bé, không thể cảnh giác tất cả những kẻ có khả năng phạm tội theo bản năng có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào. Đã đến lúc tiết học này cần được đưa vào chính khóa và cần được lặp đi lặp lại nhiều lần trong chương trình.
Chúng ta đã có những ngôi nhà để những em bé không may mắn phải chịu tổn thương này tạm lánh khỏi môi trường cũ một đoạn đời, trị liệu tâm lý để lành lại những vết thương sâu kín.
Đã đến lúc câu chuyện trong những ngôi nhà thường rất kín đáo này cần được biết đến nhiều hơn, để nếu có em bé nào đó gặp chuyện không lành thì em vẫn có cơ hội được ôm bằng những vòng tay ấm áp và thông hiểu.
Chúng ta vừa có thêm những khẳng định sửa đổi, bổ sung kịp thời những hạn chế, vướng mắc, chưa đầy đủ trong hệ thống pháp luật để xử lý tội phạm xâm hại tình dục. Con đường cay đắng xưa có hi vọng bớt ướt vì nước mắt uất giận, tổn thương.
Những bà mẹ đau khổ có thêm hi vọng tìm lại công bằng cho con mình, thêm quyết tâm bỏ đi ý định chôn giấu vết thương - đồng nghĩa với dung dưỡng cho tội phạm.
Phiên điều trần kết thúc rồi. Đã đến lúc phải sửa, phải làm, gửi những cảnh báo nghiêm khắc đến hành vi tội phạm. Mau. Nhanh. Ngay. Luôn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận