Đại diện Cơ quan Đa văn hóa sức khỏe phụ nữ (trái) đến tuyên truyền tại các công xưởng, nơi có các nhân viên từ nhiều sắc tộc khác nhau đang làm việc - Ảnh: ANH ĐÀI
Nếu bạn hỏi ở Úc thì tôi sẽ trả lời được ngay, bởi ở Úc cũng không khó để tìm hiểu những thông tin như thế.
Như clip về hiến tạng mà tôi vừa đề cập là do Cơ quan Đa văn hóa sức khỏe phụ nữ của bang Victoria phát hành. Cơ quan này là nơi đại diện cho tiếng nói của phụ nữ di dân và tị nạn. Gọi là "cơ quan phụ nữ", nhưng trên thực tế cơ quan này cũng giúp phổ biến các vấn đề sức khỏe không chỉ riêng cho phụ nữ, mà còn là cho cộng đồng sắc tộc nói chung.
Để giúp cộng đồng di dân có cơ hội hiểu biết thêm về các vấn đề sức khỏe, gia đình, xã hội... cơ quan này sẽ cử những nhân viên nói cùng ngôn ngữ với cộng đồng đó để nói chuyện cùng họ.
Người Việt Nam ở bang Victoria khá đông với nhiều nhóm hay hội đoàn, hoặc của người cao tuổi, hoặc của nhóm các bà mẹ và trẻ em nên hầu như mỗi tuần vài ba bận, cơ quan này lại cử nhân viên nói tiếng Việt đến thuyết trình để mọi người hiểu thêm về những vấn đề cần thiết để bảo vệ sức khỏe như: đột quỵ, phòng ngừa ung thư, vấn đề sinh sản, bình đẳng giới hoặc về vấn nạn cờ bạc...
Cơ quan Đa văn hóa sức khỏe phụ nữ chỉ là một trong số những cơ quan được Chính phủ Úc bảo trợ để tuyên truyền và giúp đỡ cộng đồng di dân. Ở Úc còn có nhiều chương trình, dịch vụ, cơ quan được tài trợ của chính phủ để chắc chắn rằng người nhập cư nhận được những thông tin cần thiết trong trường hợp họ không biết tiếng Anh (ngôn ngữ chính của Úc).
Về truyền thông, điển hình có cơ quan truyền thông sắc tộc "SBS radio", có tới 74 ngôn ngữ được phát thanh.
Như với tiếng Việt, thời lượng phát thanh tuy không nhiều nếu so với các đài của Úc, nhưng cũng đủ để biết được thêm những thông tin cần thiết về các mặt thời sự, kinh tế - chính trị, xã hội, sức khỏe, gia đình, âm nhạc, phim ảnh, thể thao... không chỉ riêng tại Úc mà cả ở Việt Nam.
Tại Úc, quy định trước khi muốn học lái xe thì phải đậu kiến thức về luật giao thông ở Úc. Đừng lo nếu bạn nghĩ sang Úc không biết tiếng Anh thì làm sao thi? Có luôn lựa chọn thi bằng tiếng Việt cho bạn ngay. Và cũng không quá khó để tìm các thông tin song ngữ có tiếng Việt ở những nơi công cộng tại Úc.
Chưa kể nếu "tây" lạc vào khu "ta" thì có khi còn phải "khổ sở" vì làm sao để ráng mà hiểu cho được những bảng hiệu, tên gọi các món ăn, đồ dùng chỉ ghi toàn bằng tiếng Việt.
Ngay cả các trường học có đông học sinh Việt Nam theo học, trong bản tin phát hành mỗi cuối tuần để gửi đến các gia đình thường được dịch sang tiếng Việt để phụ huynh Việt Nam có thể theo dõi tình hình trường lớp của con cái họ.
Chính phủ Úc tạo mọi điều kiện để hỗ trợ người nhập cư bị hạn chế trong việc nghe - nói - đọc - viết tiếng Anh. Điều này giúp chính phủ có thể dễ dàng hơn trong việc truyền tải thông tin đến người dân, cũng như giúp những di dân, nhất là cho những người mới đến Úc được dễ dàng hơn trong việc tiếp cận các điều mới ở Úc.
Nhưng đồng thời cũng vì những điều kiện thuận lợi này, có khi đã khiến nhiều người ỷ lại và không thấy cần thiết cho việc cố gắng học thêm tiếng Anh. Nên cũng không có gì lạ có những người Việt sống ở Úc hơn 30-40 năm vẫn chỉ có thể bập bõm vài câu tiếng Anh chào hỏi đơn giản.
Điều này không chỉ riêng với cộng đồng người Việt nhập cư, mà cả các sắc dân khác cũng gặp hoàn cảnh tương tự.
Hỗ trợ phiên dịch 24/24 giờ
Ngoài dịch vụ thông dịch, phiên dịch trực tiếp đều có sẵn ở hầu hết các bệnh viện hay các cơ quan phúc lợi xã hội, người nhập cư còn có thể yêu cầu đặt hẹn với thông dịch viên khi đến các cơ quan/dịch vụ được chính phủ hỗ trợ mà không cần phải trả thêm một khoản chí phí nào.
Không những thế, còn có dịch vụ hỗ trợ phiên dịch qua điện thoại, như người Việt nếu không nói được tiếng Anh chỉ cần gọi số 131450 từ bất cứ nơi nào trong nước Úc và chỉ cần nói "Vietnamese" là sẽ được nối với thông dịch viên tiếng Việt ngay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận