04/10/2014 08:17 GMT+7

​Xã hội hóa nhưng cần làm đúng quy định

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TT - Xã hội hóa giáo dục cũng là một giải pháp giúp nhà trường giải quyết khó khăn về tài chính, nhưng cần làm đúng quy định Bộ GD-ĐT đã ban hành.

Nhiều cơ sở giáo dục hiện nay cho rằng xuất phát từ khó khăn về kinh phí để đảm bảo các hoạt động dạy học và giáo dục nên một số nhà trường đã phải trông chờ vào sự hỗ trợ của cha mẹ học sinh và các nguồn xã hội hóa. Và lạm thu sinh ra từ đó. 

Trao đổi về việc này, ông Bùi Hồng Quang, phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính - Bộ GD-ĐT, cho biết: Việc phân bổ kinh phí giáo dục cho các địa phương đang thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Ngân sách cho giáo dục sẽ chi theo đầu dân số trong độ tuổi  trên nguyên tắc đảm bảo tỉ lệ 80% chi cho lương và các khoản có tính chất lương, còn 20% chi hỗ trợ các hoạt động dạy học, giáo dục.

Tuy nhiên, trên thực tế nhiều địa phương đã không đảm bảo tỉ lệ này, nguồn chi cho lương và các khoản có tính chất lương chiếm đến 85%, thậm chí trên 90%. Kinh phí còn lại chi cho các hoạt động khác trong nhà trường không còn nhiều. Việc này dẫn đến các nhà trường chọn giải pháp thuận tiện nhất là vận động phụ huynh đóng góp. 

Tuy nhiên, đây không phải nguyên nhân duy nhất và nguyên nhân chính dẫn đến lạm thu. Nhiều đô thị lớn ngoài việc đảm bảo tỉ lệ  phân bổ kinh phí từ ngân sách  80/20 (Hà Nội  là 75/25), các địa phương này còn hỗ trợ trực tiếp kinh phí chia theo đầu học sinh. Nhưng việc lạm thu tại đây vẫn phổ biến.

“Giải quyết lạm thu cần  kết hợp nhiều giải pháp. Ngoài việc đề nghị các địa phương quan tâm đảm bảo phân bổ ngân sách hợp lý, cần  kết hợp  các chương trình, dự án khác cho giáo dục để tăng cường xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị trường học. Xã hội hóa giáo dục cũng là một giải pháp giúp nhà trường giải quyết khó khăn về tài chính, nhưng cần làm đúng quy định Bộ GD-ĐT đã ban hành” - ông Quang cho biết.

Theo đại diện Bộ GD-ĐT, việc chống lạm thu trong các nhà trường đã được Bộ GD-ĐT thể hiện quan điểm chỉ đạo ở nhiều văn bản quy định, trong nhiệm vụ năm học của các bậc học. Bộ GD-ĐT cũng ban hành hướng dẫn việc nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tiền xã hội hóa trên nguyên tắc tự nguyện, công khai, minh bạch, sử dụng đúng mục đích.

Bộ GD-ĐT ban hành điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh để định hướng hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh, tránh tình trạng hội cha mẹ học sinh biến tướng, là “bàn tay nối dài” cho việc lạm thu.

Cụ thể, Bộ GD-ĐT đã quy định ban đại diện cha mẹ học sinh không được phép quyên góp các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện, các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh: bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên