20/12/2022 11:33 GMT+7

Xã hội đang bị bội thực thơ dở

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

Tại hội thảo tổ chức ngày 19-12 tại tỉnh Hà Nam, một câu chuyện được nhiều đại biểu cùng trăn trở nói tới đó là văn học nghệ thuật bị khán giả quay lưng. Câu chuyện những cuốn thơ dở được xuất bản 'rộn ràng' đã được nêu ra.

Xã hội đang bị bội thực thơ dở - Ảnh 1.

Nhà văn Văn Chinh cho rằng kết luận văn chương gần đây không có thành tựu gì là không xác đáng, mà thực chất là do bạn đọc không đọc chứ không phải không có tác phẩm hay. Trong ảnh: độc giả xem sách tại Đường sách TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Cuộc trò chuyện về thơ đầy chua xót tại hội thảo quốc gia "Nhìn lại 15 năm thực hiện nghị quyết 23 của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới" đã nói lên nhiều điều về thực trạng của văn học nói riêng và nghệ thuật nói chung trong thời gian qua.

"Tặng gì thì tặng xin đừng tặng thơ"

Nhà thơ Hữu Thỉnh - nguyên chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - ghi nhận mặc dù thời gian qua cả trung ương lẫn địa phương đều dành sự quan tâm lớn cho văn nghệ sĩ nhưng chất lượng các tác phẩm văn học nghệ thuật chưa tương xứng với số lượng.

Các tác giả in sách phần lớn là để tặng nhau. Đất nước gần 100 triệu dân nhưng những cuốn tiểu thuyết in 1.000 bản bán lay lắt.

Nhà văn - nhà phê bình Văn Chinh cho rằng kết luận văn chương gần đây không có tác phẩm lớn, không có thành tựu gì, rằng "nhà văn cách mạng tiêu tốn tiền thuế nhiều nhưng không viết được gì đáng giá" là không xác đáng, mà thực chất là do bạn đọc không đọc chứ không phải không có tác phẩm hay.

"Người ta có đọc đâu mà biết không có thành tựu. Các tác giả U50 hiện nay viết ghê gớm lắm", ông Văn Chinh nói.

Nhà thơ Vũ Quần Phương cũng nói tới tình trạng bạn đọc quay lưng với thơ văn, nhưng theo ông là có lý do. Nói riêng về thơ, ông cho rằng bạn đọc ngày nay quá thất vọng vì tràn ngập thơ dở, xã hội "bội thực" các nhà thơ.

Ông nói về "sự kỳ lạ của nền thơ nước ta", đó là số lượng nhà thơ tăng vọt và hàng ngàn câu lạc bộ thơ, thơ in ra tới tấp nhưng chủ yếu để mang đi tặng, đến mức làm ám ảnh bạn đọc.

Người đã từ bỏ nghề bác sĩ để thành nhà thơ cảm thấy "xấu hổ" khi được nghe xã hội hài hước lan truyền câu thơ "Gặp nhau tay bắt mặt mừng/ Tặng gì thì tặng xin đừng tặng thơ".

Hay chuyện có ông nhà thơ treo biển "thơ không bán" để có nhã ý tặng thơ cho bạn đọc, nhưng được bạn đọc hài hước gắn thêm từ "được" vào cuối bảng chữa thành "thơ không bán được".

Ông Phương phải công nhận "người ta không mua thơ là phải". Bởi cơ chế thị trường tôn trọng tự do sáng tạo và biểu đạt, Nhà nước chỉ cấm sách đồi trụy và "phản động" chứ không cấm thơ dở, văn dở.

"Quyền làm thơ dở không dành riêng cho nhà thơ nổi tiếng mà cho mọi người", ông Phương chua chát nói.

Thơ đã vậy, phê bình văn học nghệ thuật thì "không khác gì văn quảng cáo thuốc đông y chữa bách bệnh, làm méo mó cả một nền văn học".

Hội nhà văn thì ngày càng đi theo phong trào thay vì nâng chuẩn chuyên nghiệp của một hội nghề nghiệp.

Hội phong trào từ việc kết nạp hội viên "à uôm" cho tới việc trao giải thưởng của hội, dẫn đến sách được hội trao giải thưởng độc giả cũng không mua sách. "Chúng ta chung sống với sự loạn chuẩn. Hội Nhà văn Việt Nam phải tách dần khỏi phong trào, nâng uy tín giải thưởng của hội", ông Phương nói.

Chúng ta chung sống với sự loạn chuẩn. Hội Nhà văn Việt Nam phải tách dần khỏi phong trào, nâng uy tín giải thưởng của hội.

Nhà thơ Vũ Quần Phương

Tiền và tự do sáng tạo cho văn nghệ sĩ

Nhiều tiếng nói tại hội thảo cùng chung đề xuất tăng mức đầu tư của Nhà nước cho văn nghệ sĩ và đảm bảo môi trường tự do sáng tạo cho người sáng tác.

Nhà thơ Hữu Thỉnh kiến nghị Chính phủ nên cho phép thành lập quỹ hỗ trợ phát triển văn học nghệ thuật trong các hội, để khắc phục tình trạng đầu tư sáng tác dàn trải không hiệu quả. Nhà nước cũng cần tăng cường đặt hàng sáng tác tác phẩm văn học nghệ thuật để đỡ đầu cho những tác phẩm lớn ra đời.

Đồng tình với ông Hữu Thỉnh, ông Nguyễn Thế Kỷ - chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học, nghệ thuật trung ương - trong phát biểu kết luận hội thảo nói:

"Người ta cứ hô hào xóa bỏ bao cấp trong văn học nghệ thuật, nhưng theo tôi, đây chỉ là cách nói "hắt nước theo mưa" thôi. Văn hóa nghệ thuật nói chung, văn học nói riêng thì Nhà nước phải hỗ trợ, phải đặt hàng sáng tác, đầu tư nguồn lực. Không có đồng tiền bát gạo thì không thể phát triển toàn diện được".

Nhà văn Văn Chinh thì kiến nghị chuyện đảm bảo quyền tự do sáng tạo cho văn nghệ sĩ. Ông khẳng định đảm bảo cho văn nghệ sĩ được tự do sáng tạo chính là từ khóa lớn nhất trong nghị quyết 23 của Bộ Chính trị.

"Hãy đảm bảo cho chúng tôi quyền tự do sáng tạo và công bố tác phẩm. Đây là điều kiện tiên quyết cho văn học nghệ thuật phát triển", ông Chinh nói.

Đây cũng chính là tinh thần chủ đạo trong bài phát biểu chỉ đạo hội thảo của Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa.

Đánh giá văn nghệ sĩ tài năng là vốn quý của dân tộc, là nguyên khí của quốc gia, là lực lượng tiên phong gánh vác sứ mệnh vẻ vang, chăm lo, bồi đắp nhân cách, góp phần xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam và hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị cải thiện môi trường sáng tạo, môi trường làm nghề của văn nghệ sĩ, trong đó vấn đề tự do sáng tạo cần phải được thể chế hóa, góp phần giải phóng tư tưởng, phát huy tiềm năng, kích thích năng lực sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ.

Đề xuất thành lập ban chỉ đạo trung ương để chấn hưng văn hóa, văn học nghệ thuật

Nhận thấy từ khi thành lập Ban Chỉ đạo trung ương phòng chống tham nhũng, nhiệm vụ chống tham nhũng cực kỳ khó khăn đã có chuyển biến rất tích cực, PGS.TS Đào Duy Quát kiến nghị trung ương nên thành lập ban chỉ đạo trung ương để chấn hưng nền văn hóa và văn học nghệ thuật.

Ban chỉ đạo này có toàn quyền để chỉ đạo gắn chặt công tác tư tưởng với công tác tổ chức, đi kèm các chính sách để tạo động lực thực sự cho văn hóa, văn học nghệ thuật phát triển.

Nhà thơ Hữu Thỉnh trông đợi sớm có luật, nghị định về văn học để "tạo ra động lực phát triển mới cho văn học nghệ thuật".

Nhà thơ Trương Anh Tú: Chỉ viết chiều lòng độc giả, sẽ như đom đóm tàn rất nhanh Nhà thơ Trương Anh Tú: Chỉ viết chiều lòng độc giả, sẽ như đom đóm tàn rất nhanh

TTO - Tuy sống và làm việc tại Đức nhưng xét về tâm hồn, Trương Anh Tú luôn cảm thấy một món nợ với quê nhà Việt Nam. Đó là lý do anh dùng thơ ca để ghi lại tình yêu và góc nhìn của mình về đất nước mà anh gọi là mẹ.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên