13/12/2022 21:58 GMT+7

Nhà thơ Trương Anh Tú: Chỉ viết chiều lòng độc giả, sẽ như đom đóm tàn rất nhanh

TRẦN MẶC
TRẦN MẶC

TTO - Tuy sống và làm việc tại Đức nhưng xét về tâm hồn, Trương Anh Tú luôn cảm thấy một món nợ với quê nhà Việt Nam. Đó là lý do anh dùng thơ ca để ghi lại tình yêu và góc nhìn của mình về đất nước mà anh gọi là mẹ.

Nhà thơ Trương Anh Tú: Chỉ viết chiều lòng độc giả, sẽ như đom đóm tàn rất nhanh - Ảnh 1.

Nhà thơ Trương Anh Tú - Ảnh: TRẦN MẶC

Những tâm tư đó được Trương Anh Tú chia sẻ trong buổi trò chuyện chiều 13-12 cùng đông đảo sinh viên Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM.

Văn chương cần tiếng nói thời đại

Trò chuyện với sinh viên về thơ ca trong thời buổi hiện tại, nhà thơ Trương Anh Tú cho rằng thơ không nhất thiết phải là những điều nhức nhối trong xã hội, đó có thể là những điều đơn giản nhưng chất chứa cái đẹp và hơi thở đời sống.

"Việt Nam chúng ta có rất nhiều điều tốt đẹp. Tôi sống ở nước Đức bao nhiêu năm, nhưng tôi thực sự yêu tiếng Việt, yêu dân tộc của mình, yêu những cái đẹp mà nước ngoài không có được. 

Rất may là tôi ở nước ngoài nên có độ lùi để nhìn lại Tổ quốc mình và nhìn những văn hóa của người Đức, châu Âu để so sánh. Tôi học được rằng người Việt Nam rất chăm chỉ và văn minh", nhà thơ Trương Anh Tú chia sẻ.

Nhà thơ Trương Anh Tú: Chỉ viết chiều lòng độc giả, sẽ như đom đóm tàn rất nhanh - Ảnh 2.

Trương Anh Tú giao lưu cùng sinh viên - Ảnh: TRẦN MẶC

Tuy nhiên, nhìn nhận cụ thể hơn về những tác phẩm văn chương trong nước ngày nay, nhà thơ Trương Anh Tú thấy những người viết còn cần thêm nhiều điều để mang đến tác phẩm mà bạn đọc cần. Trong thời đại hội nhập, người viết cũng cần mở thế giới bằng chính trái tim mình, bằng tiếng nói thời đại.

"Tiếng nói thời đại tức là viết và nghĩ về những điều đang sống bằng hơi thở của đời sống. Hãy viết bằng mồ hôi, bằng bàn tay của người lao động. Mở lòng viết những cái mà đời sống đang cần chúng ta, viết để mang đến những tinh thần tốt đẹp cho đời sống", Trương Anh Tú nói.

Với tinh thần này, nhà thơ Trương Anh Tú đã cho ra đời hơn 100 bài thơ được đăng tải trên các báo và tạp chí lớn trong nước. Trong đó, tập thơ Những mùa hoa anh nói đã có mặt tại ít nhất ba thư viện trong các trường đại học tại Mỹ. Tập thơ Hoa ban mai có mặt tại Thư viện Quốc gia Ba Lan và thư viện nhiều trường đại học ở Ba Lan.

Viết để chiều lòng độc giả sẽ như đom đóm chóng tàn

Trong quãng thời gian Trương Anh Tú ở Đài Loan và Hàn Quốc, một số trường học đã dùng thơ của anh để dạy cho sinh viên học tiếng Việt. Việc các sinh viên yêu thích và dịch thơ của Trương Anh Tú sang tiếng mẹ đẻ khiến anh hiểu được khi viết bằng trái tim thì sẽ chạm đến trái tim.

Trong buổi giao lưu, Trương Anh Tú nhiều lần nhấn mạnh về thái độ với việc viết. Anh nói: "Tôi thấy có nhiều bạn trẻ viết thơ theo trào lưu, viết để chiều lòng độc giả. Họ chỉ có thể sống trong thơ thời gian nhiều nhất là 5 năm, 10 năm. Các tác phẩm sẽ biến đi ngay lập tức.

Thơ của Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Trãi vì sao vẫn được đọc lại? Đó là tư tưởng, là những điều giúp thế hệ chúng ta cảm nhận được cái đẹp của cha ông mình. Nếu chỉ viết bằng sự hời hợt để chiều lòng độc giả sẽ như một con đom đóm tàn rất nhanh".

Nhà thơ Trương Anh Tú: Chỉ viết chiều lòng độc giả, sẽ như đom đóm tàn rất nhanh - Ảnh 3.

Nhà thơ Trương Anh Tú ký tặng độc giả - Ảnh; TRẦN MẶC

So với văn xuôi, thơ có phần khó bán, kể cả ở Việt Nam hay nước ngoài. Tuy nhiên, thơ cũng là cầu nối đến nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống. 

"Đối với tôi, là một tác giả quan trọng là viết nên tác phẩm có ý nghĩa của đời sống, phải giúp đời sống và con người đi đến những điều tốt đẹp. Cuối cùng là làm cho xã hội tốt đẹp hơn, nhân văn hơn", nhà thơ Trương Anh Tú lần nữa đề cập đến điều cốt yếu của việc viết.

Nhà thơ Trương Anh Tú sinh năm 1967 tại Hà Nội, hiện sinh sống và làm việc tại Đức. Ông có nhiều tác phẩm được đăng tải trên văn đàn trong nước. Một số tập thơ đã xuất bản: Cảm xúc, Những mùa hoa anh nói, Hoa ban mai...

Nguyễn Phong Việt đã thôi đớn đau với Nguyễn Phong Việt đã thôi đớn đau với 'Chúng ta sống, là vì...?'

TTO - Khi bắt đầu một hành trình khác với những câu văn dài, Nguyễn Phong Việt đã chọn lược bỏ nỗi buồn khỏi câu chữ để tìm đến niềm vui và sự an yên trong cuộc sống, cũng như từ tâm hồn của chính mình.

TRẦN MẶC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên