23/11/2021 13:34 GMT+7

Nhà thơ Hữu Thỉnh: Văn học nghệ thuật còn mắc nợ bạn đọc

THIÊN ĐIỂU thực hiện
THIÊN ĐIỂU thực hiện

TTO - Với cuốn sách Bến văn và những vòng sóng, nhà thơ Hữu Thỉnh là tác giả duy nhất được trao tặng thưởng mức A của Ban Bí thư Trung ương Đảng dành cho tác phẩm lý luận, phê bình văn học nghệ thuật xuất bản năm 2020.

Nhà thơ Hữu Thỉnh: Văn học nghệ thuật còn mắc nợ bạn đọc - Ảnh 1.

Nhà thơ Hữu Thỉnh - Ảnh: T.ĐIỂU

Tuổi Trẻ có cuộc trò chuyện với ông về vấn đề của văn học nghệ thuật hiện nay: quá mờ nhạt trong trọng trách "dựng tình người trong ngày mới", về sự tự đánh giá, nhìn lại văn học nước nhà của một nhà thơ lão thành - một người đứng đầu Hội Nhà văn suốt 20 năm và chủ tịch Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam hàng thập niên.

Tôi góp ý là phải thể chế hóa nhanh chóng hơn các nghị quyết của Đảng về văn hóa văn nghệ. Phải tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ sống được bằng nghề mới có động lực sáng tạo. Xưa chiến tranh ai cũng nghèo cũng khổ như nhau thì khác nhưng nay thì không thể bắt các văn nghệ sĩ nghèo khổ sáng tác tác phẩm để đời được.

Nhà thơ HỮU THỈNH

Một cuốn tiểu thuyết hay in được 1.000 - 2.000 bản là bất thường

* Thưa ông, lâu nay các văn nghệ sĩ, trí thức đã nhiều phen rung chuông về sự xuống cấp của đạo đức xã hội, vậy trách nhiệm của văn học nghệ thuật đến đâu trước hiện tượng này, bởi người ta nói văn học nghệ thuật có chức năng "dựng người"?

- Rõ ràng ai cũng thấy đạo đức xã hội gần đây rất đáng lo âu. Kinh tế - xã hội, con người phát triển nhưng đạo đức xuống cấp, văn hóa không theo kịp.

Nguyên nhân thì có nhiều và không phải do văn chương, nhưng xét về trách nhiệm thì văn học nghệ thuật cũng dự phần. Vì văn chương có chức năng dựng người nhưng văn chương hiện nay bên cạnh một bộ phận đi vào nhiều mặt rất hay thì một bộ phận khác lại chạy theo thị hiếu tầm thường như bạo lực, sex, tình yêu tay ba tay tư, không đem đến lợi ích về đạo đức.

Văn học còn thiếu những tác phẩm bóc trần cái xấu, cái ác, truy đuổi cái ác đến tận cùng, cho người ta cảm thấy cái ác được ngăn chặn; nhiều tác phẩm chỉ cho thấy những âm mưu, thủ đoạn mà chưa thấy lòng hòa hợp, từ bi hỷ xả, hướng thiện, thiếu tác phẩm mang chủ nghĩa nhân văn cao cả.

* Thế nên nhiều bạn đọc không tìm đến văn chương nữa?

- Văn học nghệ thuật chưa bao giờ phát triển về số lượng như bây giờ nhưng cũng chưa bao giờ khiến nhiều bạn đọc quay lưng như bây giờ. Vì sao nhiều người rất yêu văn chương nhưng quay lưng với văn học nước nhà, tìm sách dịch để đọc?

Một cuốn tiểu thuyết hay in được 1.000 - 2.000 cuốn bán lay lắt trong một đất nước gần 100 triệu dân là rất bất thường. Là vì bạn đọc không thấy mình trong đó, tầm khái quát của tác phẩm không cao.

Còn nay, văn học nghệ thuật còn nợ một câu hỏi: Sau 35 năm đổi mới, nhân vật, hình tượng văn học nào đáng nhớ nhất thì chưa trả lời được.

Văn xuôi nói cho cùng phải xây dựng được nhân vật trở thành hình tượng nghệ thuật. Nam Cao để lại những Lão Hạc, Chí Phèo, Bá Kiến, Thị Nở... Vũ Trọng Phụng để lại những Xuân Tóc Đỏ; Ngô Tất Tố để lại Chị Dậu... những nhân vật ở lại với trí nhớ của con người.

Nhưng văn học hiện nay thì không có nhân vật nào ở lại với bạn đọc để trở thành hình tượng nghệ thuật.

Nguyên nhân là bởi thiếu vắng tài năng. Việc thiếu vắng tài năng này có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về khách quan, viết về đề tài chiến tranh hay nông thôn như trước đây thì văn học Việt Nam có kinh nghiệm cả ngàn năm nhưng viết về xã hội công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì vô cùng mới mẻ, cần phải có sự chuẩn bị.

Về chủ quan, phải công nhận văn học nghệ thuật thời gian qua chưa đáp ứng nhu cầu của nhiều bạn đọc là có phần trách nhiệm của nhà văn, do người viết chưa sâu, chưa kỹ đến mức hiểu đời, hiểu người, lao động nhà văn có vấn đề. Điều này cá nhân nhà văn phải chịu trách nhiệm trước tiên. Hội Nhà văn cũng chỉ tập hợp tài năng chứ không tạo được tài năng.

Đầu tư cho văn nghệ: khó quá!

* Nhưng nhiều người cũng đổ lỗi cho cơ chế chính sách chưa khuyến khích sáng tạo, thưa ông?

- Cơ chế chính sách cũng quan trọng nhưng nguyên nhân chủ quan do nhà văn là chính. Tâm tài chỉ đến vậy, nhà văn phải chịu trách nhiệm trước tiên. Văn Cao vẫn viết Trường ca sông Lô trong khi ăn khoai sắn, không có nhuận bút. Điều kiện sống không phải là thứ quyết định lớn nhất.

Còn nói tới chuyện tự do sáng tác thì tôi khẳng định chưa bao giờ văn nghệ sĩ có tự do sáng tác như bây giờ. Trước đây viết cái xấu cái ác sẽ lập tức được quy là bôi xấu xã hội, nay thì viết thoải mái, in thoải mái, viết gì in nấy.

Nhưng tôi không phủ nhận một thực tế khiến văn học nghệ thuật đang không có tác phẩm lớn là bởi các nghị quyết của Đảng về phát triển văn hóa văn nghệ thì rất hay, đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị nhưng việc đưa nghị quyết thành chính sách còn chậm quá.

Văn nghệ sĩ không sống được bằng nghề. Diễn viên có vở thì có tiền, không có vở thì đói. Nhà văn viết 2-3 năm được một cuốn sách nhưng không có nhuận bút, được ít sách tặng bạn bè thôi. Vậy thì phát triển công nghiệp văn hóa thế nào?

Kinh tế hiện nay đang rất khó khăn, nên gỡ khó, đầu tư cho văn hóa văn nghệ thế nào thì khó quá.

Trao 30 tặng thưởng của Ban Bí thư

sach huu thinh

Cuốn sách được tặng thưởng mức A của Ban Bí thư dành cho tác phẩm lý luận, phê bình văn học nghệ thuật - Ảnh: T.ĐIỂU

Lễ trao tặng thưởng của Ban Bí thư Trung ương Đảng diễn ra tối 22-11 tại Hà Nội. Ngoài mức tặng thưởng A cho cuốn sách lý luận phê bình của ông Hữu Thỉnh, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật trung ương còn trao mức tặng thưởng B cho 6 tác phẩm, mức C cho 10 tác phẩm và tặng thưởng cho 13 tập thể.

Mức tặng thưởng B gồm 4 cuốn sách: Mấy vấn đề văn hóa: suy nghĩ và đối thoại (Đinh Xuân Dũng), Đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng và lý luận, thực tiễn nghệ thuật (Nguyễn Ngọc Thiện), Sóng đồng và cây núi (Lê Quang Trang), Kịch xiếc Việt Nam - Mấy vấn đề lý luận và thực tiễn (Nguyễn Ngọc Trúc) và 1 cụm chương trình của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật TP.HCM, 1 chương trình Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật - Một năm nhìn lại của Đoàn Hải Yến.

Trong số 10 tác phẩm được tặng thưởng mức C có cuốn sách Du hành giữa văn bản - Nguyễn Huy Thiệp và xã hội Việt Nam sau 1975 của Nguyễn Văn Thuấn cũng vừa nhận được giải C giải thưởng Sách quốc gia.

Nhà thơ Hữu Thỉnh được tặng thưởng mức A của Ban Bí thư Trung ương Đảng Nhà thơ Hữu Thỉnh được tặng thưởng mức A của Ban Bí thư Trung ương Đảng

TTO - Nhà thơ Hữu Thỉnh là tác giả duy nhất được trao tặng thưởng mức A của Ban Bí thư Trung ương Đảng dành cho tác phẩm lý luận, phê bình văn học nghệ thuật xuất bản năm 2020.

THIÊN ĐIỂU thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên