Khuya 23-11, thời tiết xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ, TP.HCM) khá mát mẻ, trăng sáng. Càng về khuya, gió bắt đầu thổi mạnh dần. Sinh hoạt bà con xã đảo vẫn yên bình, nhẹ nhàng.
Tại miễu Bà nằm ngay trung tâm xã, đông đảo bà con kéo nhau đến thưởng thức những vỡ diễn cải lương của đoàn tuồng cổ Kiều Loan được ban quản lý miễu mời về biểu diễn dịp lễ hội truyền thống ngư - diêm dân Thạnh An dịp rằm tháng 10.
Trên những con đường trong xã, người dân vẫn vui vẻ tụ tập tám chuyện, hát karaoke; trẻ em say sưa chơi game ở quán internet, chơi cò cò ở đường bêtông. Đâu đó trong các cuộc trò chuyện, người dân vẫn nhắc lại cơn bão số 9 (Duran) đầu tháng 12 năm 2006 khi loa phát thanh thông báo về cơn bão Usagi chuẩn bị ảnh hưởng trực tiếp đến đảo.
Ông Huỳnh Quang Thành (71 tuổi) kể lại 12 năm trước bão số 9 bất ngờ ập vào đảo khiến hàng trăm ngôi nhà tốc mái, cây cối ngã đỗ la liệt trên đảo. Trước khi bão vào, thời tiết cũng lặng gió, biển yên nhưng sau đó thì quá dữ dội.
"Đó là cơn bão lớn nhất mà tôi từng trải qua, dù không thiệt hại về người nhưng sức tàn phá quá kinh khủng. Vì thế ngay sau có thông báo, tôi đã mua dây thừng chằng néo nhà cẩn thận", ông Thành nói.
Trái ngược với đa phần người dân khu trung tâm xã có phần chủ quan thì nhiều nhà dân ở khu trũng, gần cửa biển đã chủ động chằng néo nhà cửa, thu dọn tư trang sẵn sàng di tản khi có lệnh của huyện.
Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, chủ tịch UBND xã Thạnh An (huyện Cần Giờ), xã đã kêu gọi 90 lao động đang làm việc tại 29 chòi canh nuôi trồng thuỷ hải sản vào bờ. Chiều 23-11, theo ghi nhận nhiều khu vực thị trấn Cần Thạnh, xã Thạnh An (huyện Cần Giờ, TP.HCM), người dân vẫn thờ ơ, chủ quan và ít có biện pháp chằng néo nhà cửa.
Trước đó, ông Đoàn Khánh Điệp, Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai huyện Cần Giờ cho biết công tác chuẩn bị di dời dân đã sẵn sàng. Công tác di dời người dân bắt đầu từ 6h đến 12h ngày 24-12. Dự kiến huyện Cần Giờ di dời hơn 4.000 người nếu bão đổ bộ.
Đến tối 23-11, toàn huyện Cần Giờ có hơn 400 căn nhà được chằng chống, ràng buộc trước khi bão vào. Huyện đã huy động hơn 1.000 công an, bộ đội, dân phòng, công nhân viên chức của huyện sẵn sàng ứng phó với cơn bão số 9 Usagi.
Một cụ ông chăm chú nghe những câu ca cổ từ các nghệ sĩ đến từ đoàn tuồng cổ Kim Loan - Ảnh: PHƯỚC TUẦN
Những phụ nữ đứng ngoài cửa sổ miễu vui vẻ khi xem cải lương tối 23-11 - Ảnh: PHƯỚC TUẦN
Gia đình ba thế hệ cùng nghe cải lương nhân dịp có đoàn về biểu diễn - Ảnh: PHƯỚC TUẦN
Chiều 23-11, nhiều tàu cá cuối cùng của người dân xã đảo Thạnh An cũng đã vào bờ trú bão an toàn - Ảnh: PHƯỚC TUẦN
Các tàu vận chuyển hành khách từ đảo Thạnh An đi huyện Cần Giờ cũng dừng hoạt động trước lệnh cấm biển của chính quyền địa phương - Ảnh: PHƯỚC TUẦN
Huyện Cần Giờ tăng cường lương thực, thực phẩm và lực lượng công an, dân phòng ra giúp xã đảo Thạnh An ứng phó với cơn bão số 9 - Ảnh: PHƯỚC TUẦN
Cụ ông ở xã Thạnh An buộc lại mái che chắn gió cẩn thận trước khi bão vào - Ảnh: PHƯỚC TUẦN
Nhiều hộ dân nhà cấp 4 xã Thạnh An có nguy cơ tốc mái cũng cẩn thận lấy đá chắn mái hiên cẩn thận - Ảnh: PHƯỚC TUẦN
Chị Lê Thị Kim Loan sau khi nghe thông báo sáng 24-11 di tản lên trú bão đã chuẩn bị áo quần, vật dụng cần thiết vào ba lô - Ảnh: PHƯỚC TUẦN
Nhóm trẻ em xã đảo Thạnh An chơi cò cò trên đường bê tông tối 23-11 - Ảnh: PHƯỚC TUẦN
Ông Huỳnh Quang Thành kể lại cơn bão số 9 năm 2006 khiến hàng trăm ngôi nhà ở xã đảo Thạnh An bị tốc mái - Ảnh: PHƯỚC TUẦN
Trước bão số 9, với người dân Thạnh An mọi thứ vẫn bình lặng như hàng ngày - Ảnh: PHƯỚC TUẦN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận