27/11/2018 08:54 GMT+7

Huy động tổng lực khắc phục ngập

Q.KHẢI - L.PHAN - Đ.PHÚ
Q.KHẢI - L.PHAN - Đ.PHÚ

TTO - Trong đêm 25 đến ngày 26-11, các đơn vị trên địa bàn TP.HCM vẫn huy động lực lượng tối đa cho công tác khắc phục hậu quả sau cơn “đại hồng thủy” do bão số 9 gây ra.

Huy động tổng lực khắc phục ngập - Ảnh 1.

Xe máy trong hầm căn hộ cho thuê 71/5 Chu Văn An, Q.Bình Thạnh, TP.HCM bị chìm sâu trong biển nước - Ảnh: TỰ SANG

Sau hơn 20 giờ bão đổ bộ, nhiều nơi trên địa bàn TP.HCM vẫn còn ngập nước.

Hàng ngàn người khắc phục ngập

Ông Nguyễn Văn Thanh, phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM, cho biết như vậy sau đêm "đại hồng thủy" xảy ra trên địa bàn TP. 

Theo ông Thanh, do nước ngập dâng cao, tràn vào các trạm biến áp, các khu dân cư nên tổng công ty đã huy động hơn 2.000 người của 17 đơn vị điện lực thức suốt đêm thực hiện công tác đảm bảo an toàn, xử lý sự cố trên lưới điện.

Cụ thể, ông Thanh cho biết trước tình trạng nước ngập dâng cao, tràn vào các khu dân cư, có khả năng tràn vào các tủ điện, ngành điện phải cắt 5 tuyến dây khu vực trung tâm TP và một số nhánh rẽ thuộc các địa bàn quận Bình Thạnh, Gò Vấp, quận 12...

Có 4 trạm biến áp từ 110 - 500kV (Việt Thành - Q.7, Bình Triệu - Thủ Đức, An Khánh - Q.2 và Nhà Bè) bị nước ngập tràn vào. 

Tổng công ty đã phải nhờ lực lượng cảnh sát PCCC đưa thiết bị, nhân lực tiến hành bơm nước ra ngoài. Quá trình cô lập cũng gây gián đoạn cấp điện trong thời gian ngắn.

Ông Thanh cũng cho biết thêm theo nguyên tắc an toàn của ngành điện và trong phương án phòng chống lụt bão được UBND TP ban hành, trường hợp nước ngập tràn vào các trạm biến áp, ngập mấp mé các tủ điện thì ngành điện được phép tiến hành cắt điện để đảm bảo an toàn cho người dân TP.

Cũng theo Tổng công ty Điện lực TP, tính đến 6h30 sáng 26-11, toàn bộ các khu vực bị cúp điện đều được tái lập, công tác cấp điện bình thường trở lại. 

Riêng khu vực Bình Phú với khoảng 2.000 hộ dân bị mất điện đến 16h cùng ngày mới tái lập xong do nước ngập quá sâu.

Trong khi đó, lực lượng chống ngập cũng huy động 700 người cùng hàng trăm thiết bị hỗ trợ khai thông thoát nước. 

Theo ông Bùi Văn Trường - trưởng phòng thoát nước Công ty TNHH một thành viên Thoát nước đô thị TP, trong đêm 25 và sáng 26-11 đơn vị này đã triển khai máy bơm di động để ứng cứu tình trạng ngập nước tại nhiều nơi như đường Lê Quang Sung, An Dương Vương, Phan Anh, đường 26, khai thông cống trên các đường Phạm Hữu Lầu, Cây Trâm, D1...

Nước mưa chưa rút, triều cường lại lên!

Ghi nhận tại đường Huỳnh Tấn Phát khoảng 14h ngày 26-11 cho thấy một đoạn đường dài gần 1km gần cầu Phú Mỹ vẫn còn bị ngập nặng. 

Tại đây có các dân quân tự vệ và công an phường túc trực để hướng dẫn đường tránh cho người dân. 

Cùng thời điểm trên, tại các tuyến đường như Lê Đình Cẩn, tỉnh lộ 10, Ấp Chiến Lược, Q.Bình Tân vẫn còn ngập nặng, các con hẻm xung quanh cũng trong tình trạng tương tự. Nước tại một số con kênh tại đây dâng cao ngang mặt đường khiến nước không thoát được. 

Nhiều phương tiện lưu thông qua khu vực này tiếp tục bị chết máy, các cửa hàng sửa xe quá tải. Có gia đình nhà có tang, nước ngập vào tận nhà, người đến viếng phải ngồi trong dòng nước ngập quá đầu gối.

Cùng với ngành thoát nước, lực lượng Cảnh sát PCCC TP cũng triển khai ứng cứu tình trạng ngập nước tại các tầng hầm chung cư trên địa bàn TP. 

Đại diện Cảnh sát PCCC TP cho biết trong đêm 25 đến sáng 26-11 đơn vị nhận được hơn 1.000 tin báo "cầu cứu" hút nước chống ngập, cây xanh ngã đổ. Đơn vị này đã điều động lực lượng đến xử lý 239 điểm ngập nước, cây xanh ngã đổ, đặc biệt tại điểm ngập ở trạm biến áp 500kV Nhà Bè.

Theo ông Bùi Văn Trường, đến khoảng 16h ngày 26-11, đa số khu vực ngập nước đã rút hết nhưng nhiều nơi nước vẫn còn ngập. 

Đa số khu vực này trũng thấp, nước ngập do mưa chưa rút kịp thì triều cường lại dâng cao khiến ngập nước kéo dài. 

Các khu vực còn bị ngập nước phải kể đến là khu vực đường Huỳnh Tấn Phát (Q.7), Quốc Hương (Q.2), Phan Văn Hớn (Q.12), đường Bà Triệu, Lý Thường Kiệt (huyện Hóc Môn)... vẫn đang được các đơn vị triển khai ứng cứu.

3 người thiệt mạng

Trong cơn mưa dông ngày 25-11 tại TP.HCM có 3 người bị thiệt mạng vì điện giật, cây ngã...

Một nạn nhân là anh Hoàng Văn Tuấn, ngụ huyện Hóc Môn, trong lúc mưa bão ruộng rau nhà anh bị úng nước.

Anh Tuấn đi tháo nước thì té ngã và chết đuối, gia cảnh anh vô cùng ngặt nghèo khi cả gia đình chỉ trông chờ vào ruộng rau, anh mất đột ngột để lại vợ cùng ba đứa con thơ khờ dại.

Trong khi đó ông Nguyễn Đình Thắng, chủ tiệm vàng Hoàng Lan (khu vực trước chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh), trong lúc dọn nước ngập tại ban công nhà thì bị điện giật, ông mất sau khi được gia đình đưa đi cấp cứu tại bệnh viện.

Trước đó, ông Nguyễn Văn Tân (58 tuổi, quê Đồng Tháp) chạy xe máy trên đường Nguyễn Văn Linh bất ngờ bị cây xanh bật gốc ngã đè lên người và xe. Lực lượng chức năng đưa ông Tân đi cấp cứu nhưng ông tử vong sau đó.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, mưa bão tại TP.HCM đã làm 2 căn nhà bị hư hỏng, 17 cây xanh bị gãy đổ.

Giám sát, phòng dịch bệnh sau bão

Chiều 26-11, ông Nguyễn Trí Dũng - giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng (Sở Y tế TP.HCM) - cho biết vừa có văn bản chỉ đạo trung tâm y tế các quận huyện về việc tăng cường giám sát vệ sinh môi trường, vệ sinh nguồn nước và phòng chống dịch bệnh sau cơn bão số 9.

Theo ông Dũng, tình trạng ngập úng cục bộ tại một số khu vực dân cư, có nơi kéo dài 2 - 3 ngày.

Do đó ngoài việc phát sinh các loại rác thải, chất thải của con người, gia súc, đồng thời nguồn nước sinh hoạt sẽ bị ảnh hưởng gây nguy cơ các loại dịch bệnh tiêu chảy, sốt xuất huyết, tay chân miệng và các bệnh ngoài da...

Để chủ động phòng ngừa, Trung tâm Y tế dự phòng TP đề nghị các trung tâm y tế quận huyện tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp đảm bảo vệ sinh cá nhân, môi trường, an toàn thực phẩm và xử lý xác súc vật chết theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Tăng cường giám sát vệ sinh tại các trạm trung chuyển rác, bô rác, nhà vệ sinh công cộng, các chuồng chăn nuôi gia súc, gia cầm, các cơ sở cung cấp nước và các chung cư, hộ dân.

Tổ chức giám sát, phát hiện và xử lý triệt để các bệnh có thể xảy ra như tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nước ăn chân...

Đặc biệt cần đề phòng các bệnh lây qua đường tiêu hóa như dịch tả, lỵ, thương hàn...

Qua đó, tổ chức các đoàn đi kiểm tra, hướng dẫn người dân về vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm khi cần thiết.

Khi có sự cố liên quan đến chất lượng nguồn nước ăn uống, sinh hoạt cần chủ động cung cấp hóa chất, hướng dẫn người dân triển khai vệ sinh và khử trùng nước giếng, nước sinh hoạt bằng chloramine B, tăng cường giám sát chất lượng nước dùng trong ăn uống, sinh hoạt tại các trạm cấp nước tập trung.

Đảm bảo nồng độ clo dư luôn đạt từ 0,3-0,5 mg/l tại vòi sử dụng, đảm bảo người dân có nước sạch an toàn để sử dụng và tuyệt đối thực hiện việc ăn chín uống sôi. hoàng lộc

Q.KHẢI - L.PHAN - Đ.PHÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên