31/05/2021 15:43 GMT+7

WHO cùng Việt Nam tìm hiểu biến chủng lai nguy hiểm của SARS-CoV-2

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Bà Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật về COVID-19 của WHO, cho biết tổ chức này đang làm việc với Việt Nam về biến thể virus chủng nguy hiểm, bày tỏ tin tưởng Việt Nam có nhiều kinh nghiệm chống dịch và hệ thống y tế tốt.

WHO cùng Việt Nam tìm hiểu biến chủng lai nguy hiểm của SARS-CoV-2 - Ảnh 1.

Bà Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật về COVID-19 của WHO, trong một cuộc họp báo - Ảnh: REUTERS

"Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam và Văn phòng WHO tại Tây Thái Bình Dương đang phối hợp với Bộ Y tế Việt Nam trước thông tin biến chủng B.1.617.2 có các đột biến bổ sung", bà Van Kerkhove thông báo trên trang Twitter cá nhân ngày 30-5.

Biến chủng B.1.617.2 là một nhánh của biến chủng B.1.617, là biến chủng phát hiện lần đầu tại Ấn Độ.

Đây cũng là biến chủng khiến Ấn Độ "vỡ trận" vì gây số ca nhiễm tăng vọt. Cơ quan kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật châu Âu hôm 24-5 đã xếp B.1.617.2 vào nhóm "các biến chủng gây lo ngại".

Hôm 29-5, theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, qua quá trình xét nghiệm và giải trình tự gene, cơ quan y tế phát hiện một biến chủng SARS-CoV-2 mới có sự lai tạo giữa biến chủng tại Ấn Độ và biến chủng tại Anh.

Cụ thể, theo chuyên trang của Bộ Y tế Việt Nam về COVID-19, các chuyên gia xác định một số mẫu bệnh phẩm nhiễm biến chủng B.1.617.2.

Tuy nhiên, virus trong các mẫu bệnh phẩm này lại bị đột biến, mất Y144 trên protein S. Đột biến này giống với các đột biến phát hiện trên biến chủng B.1.1.7 lần đầu phát hiện ở Anh.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, đặc điểm của biến chủng lai này là lây nhanh, phát tán rộng trong không khí, nồng độ virus trong dịch cổ họng tăng rất nhanh và phát tán rất mạnh ra môi trường xung quanh.

Nói về điều này, bà Van Kerkhove khẳng định: "WHO sẽ tiếp tục cập nhật các biến chủng đáng lo ngại mỗi tuần và sẽ làm việc với các nước, các đối tác khu vực và toàn cầu để hiểu rõ tất cả các biến chủng được ghi nhận".

Liên quan tới dịch bệnh tại Việt Nam, bà Van Kerkhove tin rằng các biện pháp giãn cách xã hội và đảm bảo sức khỏe cộng đồng sẽ ngăn chặn làn sóng lây nhiễm.

"Việt Nam có nhiều kinh nghiệm với các đợt bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm và hệ thống cơ sở y tế mạnh", chuyên gia WHO bày tỏ lạc quan.

Truyền thông thế giới đã dành sự chú ý đặc biệt ngay sau khi Việt Nam công bố thông tin về biến chủng lai nguy hiểm. Nhiều hãng thông tấn quốc tế, trong đó có các tổ chức truyền thông Ấn Độ đã đưa tin khiến giới khoa học chú ý.

Trong số này có Hiệp hội Gene SARS-CoV-2 Ấn Độ (Insacog) gồm các viện nghiên cứu làm nhiệm vụ giải trình tự gene virus corona gây COVID-19.

Tờ Economic Times ngày 30-5 cho biết Insacog đã kích hoạt tất cả các đơn vị thành viên, tiến hành rà soát cơ sở dữ liệu GISAID về loại đột biến của biến chủng lai.

GISAID là bản đồ cập nhật kết quả giải trình tự gene SARS-CoV-2, được các nhà học trên toàn cầu cập nhật liên tục. Thông qua bản đồ này, các nhà khoa học tại nhiều quốc gia có thể cùng tham khảo, theo sát sự biến đổi của SARS-CoV-2.

Chủng virus corona lai mới phát hiện ở Việt Nam nguy hiểm ra sao? Chủng virus corona lai mới phát hiện ở Việt Nam nguy hiểm ra sao?

TTO - Đặc điểm của chủng mới này là lây nhanh, phát tán rộng trong không khí, nồng độ virus trong dịch cổ họng tăng rất nhanh và phát tán rất mạnh ra môi trường xung quanh, Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên