16/04/2013 10:31 GMT+7

Washington chìa cành ôliu cho Bình Nhưỡng

THANH TUẤN
THANH TUẤN

TT - Không là một cuộc diễu binh rầm rộ như dự đoán, ở Bình Nhưỡng từ sáng 15-4 chỉ có người và hoa trong lễ hội hoa nhân sinh nhật thứ 101 của cố lãnh đạo Kim Nhật Thành do chính quyền tổ chức.

Bình Nhưỡng ngập cờ, hoa mừng sinh nhật 101 cố chủ tịch Kim Nhật Thành

hqdroUyD.jpgPhóng to
Người dân Triều Tiên hàng hàng lớp lớp đem hoa dâng lên tượng lãnh tụ ở Bình Nhưỡng trong sinh nhật lần thứ 101 của cố lãnh đạo Kim Nhật Thành, ngày 15-4 - Ảnh: Reuters/KCNA

Ngày 15-4, trong chặng dừng chân cuối cùng ở Tokyo, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố “mở ngỏ khả năng cho những đàm phán chân thành và tin cậy về giải trừ hạt nhân với CHDCND Triều Tiên” nếu Bình Nhưỡng cũng tiến bước theo hướng này. “Trái bóng đang nằm ở phần sân Bình Nhưỡng” - ông Kerry nêu rõ. Dù vậy, ông Kerry cũng nhấn mạnh Bình Nhưỡng phải có những bước đi quan trọng để chứng tỏ sẽ thực hiện các cam kết của mình và tôn trọng luật pháp cùng những chuẩn mực quốc tế.

Bảo đảm lớn nhất của Mỹ chính là việc Bắc Kinh, đồng minh chính trị quan trọng nhất của Bình Nhưỡng, cũng tuyên bố ủng hộ giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên sau cuộc hội đàm với ông Kerry hôm 13-4. “Trung Quốc rất quan ngại với tình hình hiện tại... và sẽ giải quyết vấn đề này rất nghiêm túc” - ông Kerry thông báo. Ông nói Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng ủng hộ khi cho rằng vấn đề giải trừ hạt nhân của CHDCND Triều Tiên là lợi ích của tất cả các bên. Chương trình tên lửa hạt nhân nguy hiểm của Bình Nhưỡng đe dọa không chỉ các nước láng giềng mà cả chính bản thân nhân dân Triều Tiên.

“Thế giới không cần thêm nguy cơ chiến tranh - ông nói - Chúng tôi hoan nghênh tuyên bố cam kết của Trung Quốc về việc giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên cách đây hai ngày”.

Trong tuyên bố của mình, ông Kerry mở ngỏ nhiều khả năng như cử đặc phái viên tới đàm phán với lãnh đạo Bình Nhưỡng hoặc đàm phán qua các kênh ngoại giao hậu trường mà Bắc Kinh có thể làm trung gian. “Tôi đặc biệt muốn nghe xem phía Trung Quốc muốn nói gì” - ông nói.

Để đổi lại sự giúp đỡ của Bắc Kinh, ông Kerry tuyên bố Washington sẵn sàng rút một số tên lửa phòng thủ triển khai gần đây nếu như phía Trung Quốc thuyết phục được Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân của mình.

“Tổng thống Mỹ cho triển khai thêm một số tên lửa phòng thủ vì nguy cơ từ Bình Nhưỡng - ông Kerry nêu rõ - Nếu mối nguy này biến mất sau quá trình giải trừ hạt nhân thì không còn lý do gì cần đến việc triển khai này nữa”.

Theo báo New York Times, dù không nêu cụ thể các bước mà Bình Nhưỡng cần làm, nhưng phía Mỹ đã thường xuyên tuyên bố Bình Nhưỡng cần giải trừ cùng các biện pháp như ngừng sản xuất nhiên liệu hạt nhân, ngưng các vụ thử tên lửa và chấm dứt đe dọa tấn công các nước láng giềng.

Chưa rõ Bình Nhưỡng sẽ phản ứng thế nào với tuyên bố mới nhất của ông Kerry. Nhưng có thể thấy các tuyên bố đe dọa chiến tranh và hạt nhân của Bình Nhưỡng đã vắng bóng trong ngày kỷ niệm sinh nhật thứ 101 của cố lãnh đạo Kim Nhật Thành.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Kwan Jin vẫn thận trọng nhận định Triều Tiên dường như đã sẵn sàng phóng tên lửa, song khẳng định không thấy dấu hiệu của một cuộc chiến tranh tổng lực. Phát biểu trước Ủy ban quốc phòng thuộc Quốc hội, ông Kim Kwan Jin nhấn mạnh: “(Quân đội Hàn Quốc) đang theo dõi (khả năng Triều Tiên phóng tên lửa) vì vụ phóng này dường như đã sẵn sàng. Hành động phô diễn sức mạnh quân sự này (của Triều Tiên) được cho sẽ diễn ra trong ngày 15-4”.

Ông Kim Kwan Jin khẳng định quân đội Hàn Quốc đã sẵn sàng đối phó trước hành động khiêu khích có thể xảy ra vào bất cứ thời điểm nào.

Mỹ công bố 4 nguyên tắc trong chính sách châu Á - Thái Bình Dương

Ngày 15-4, ngày cuối cùng của chuyến công du châu Á, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã khẳng định Washington sẽ tiếp tục xây dựng sự hiện diện “năng động và lâu dài” của Mỹ tại khu vực này. Phát biểu tại Viện Công nghệ Tokyo, ông John Kerry nhận định châu Á không những là khu vực năng động nhất thế giới, mà còn là “nơi cùng lúc sản sinh ra vô số cơ hội lẫn thách thức”.

Ngoại trưởng Mỹ cũng giới thiệu bốn nguyên tắc trong chính sách châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ là: tăng trưởng mạnh, tăng trưởng công bằng, tăng trưởng thông minh và tăng trưởng hợp lý để hỗ trợ các quốc gia khu vực này đạt được mục tiêu.

Ông John Kerry cũng khẳng định Mỹ sẽ tham dự tích cực hơn vào các thể chế khu vực như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) và Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC).

THANH TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên