Những thay đổi của kinh tế thế giới, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của TP lẫn sự phát triển của công nghệ, trí tuệ nhân tạo là những thách thức được Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nêu ra khi phát biểu tại phiên bế mạc Đại hội Công đoàn TP.HCM lần thứ XII ngày 24-9.
Phiên bế mạc còn có sự tham dự của Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cùng một số lãnh đạo TP.HCM, lãnh đạo công đoàn các thời kỳ.
Ghi nhận nhiều kết quả mà Công đoàn TP.HCM đã đạt được trong nhiệm kỳ qua, một nhiệm kỳ với nhiều khó khăn của dịch bệnh COVID-19 kéo dài, ông Nên nói công đoàn các cấp tại TP đã thể hiện rõ vai trò chăm lo, đại diện bảo vệ quyền lợi của người lao động. Từ đó, bí thư Thành ủy đặt ra nhiều vấn đề mà Công đoàn TP.HCM cần lưu ý trong nhiệm kỳ mới.
Ông Nên cho rằng định hướng cơ cấu lại tổng thể kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên nền tảng kinh tế tri thức, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi.
Các ngành nghề sản xuất kể cả phi chính thức cũng ít thâm dụng lao động hơn. Trong khi đó, lực lượng lao động đòi hỏi cần có trình độ, kỹ năng và tay nghề cao hơn.
Điều này, theo ông Nên, hoạt động công đoàn và phong trào công nhân sẽ đối mặt với những thách thức mới không hề nhỏ. Do vậy, ông đề nghị tổ chức công đoàn cần tìm tòi, sáng tạo những phương thức, mô hình mới thích ứng với bối cảnh đổi mới mô hình tăng trưởng, hội nhập quốc tế sâu rộng.
Bí thư Thành ủy nói công đoàn cần phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong lĩnh vực lao động đề xuất các cơ quan chuyên môn triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp. Song song đó, bảo vệ việc làm, chăm lo vấn đề nhà ở, phúc lợi xã hội, chăm lo đời sống vật chất của người lao động, nhất là lao động di cư, phi chính thức.
Ông Nên cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn đủ năng lực, tâm huyết, bản lĩnh, sáng tạo, gắn bó với công nhân, người lao động, đồng thời có tri thức và kỹ năng giải quyết vấn đề.
"Cán bộ nào phong trào đó. Công đoàn cần chọn lựa người có những điều kiện nêu trên. Đây chính là nhân tố quyết định thành công của hoạt động công đoàn nên rất cần quan tâm hỗ trợ đào tạo đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở", ông Nên phát biểu.
Đại hội Công đoàn TP.HCM lần thứ XII bế mạc sau ba ngày làm việc (22 đến 24-9), thảo luận và thông qua nhiều nội dung. Đại hội đã biểu quyết nhiều chỉ tiêu quan trọng, trong đó xác định thực hiện ba chương trình trọng tâm của nhiệm kỳ 2023 - 2028.
Cụ thể là Nâng cao năng lực đại diện, hiệu quả thương lượng tập thể, đối thoại tại nơi làm việc, thực hành dân chủ ở cơ sở; Nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở, đổi mới công tác vận động, tập hợp người lao động vào tổ chức Công đoàn Việt Nam; Công đoàn TP đẩy mạnh hoạt động trợ vốn, tín dụng cá nhân, tích cực tham gia phòng chống tín dụng đen trong công nhân lao động.
Bà Trần Thị Diệu Thúy tái đắc cử chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM
Tại phiên bế mạc, Ban chấp hành Liên đoàn Lao động TP.HCM nhiệm kỳ 2023 - 2028 đã ra mắt nhận nhiệm vụ trước đại hội với 55 ủy viên. Bà Trần Thị Diệu Thúy tái đắc cử chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM khóa XII.
Các chức danh phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM nhiệm kỳ 2023 - 2028 gồm các ông, bà: Trần Đoàn Trung, Lê Thị Kim Thúy, Phạm Chí Tâm và Phùng Thái Quang đều tái đắc cử.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận