18/03/2019 10:58 GMT+7

Vừa tư vấn tuyển sinh, vừa 'thắp lửa' ước mơ

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TTO - Không chỉ cung cấp thông tin tuyển sinh, các thầy cô còn là người khơi gợi đam mê, giúp các bạn trẻ tự tin hơn, biết khám phá những lĩnh vực nghề nghiệp phù hợp sở thích.

Vừa tư vấn tuyển sinh, vừa thắp lửa ước mơ - Ảnh 1.

TS Phạm Tấn Hạ (trái) lắng nghe ước mơ nghề nghiệp của bạn Hà Gia Phú trong buổi tư vấn chiều 17-3 - Ảnh: TR.HUỲNH

Buổi tư vấn cuối cùng tại Cà Mau chiều 17-3 với khoảng 1.600 học sinh sáu trường THPT của hai huyện Thới Bình và U Minh đã khép lại hành trình kéo dài hơn hai tháng qua chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2019.

Ấn tượng của học trò đất mũi tạo ra với các thầy cô không phải là sự rụt rè thường thấy ở những nơi còn nhiều khó khăn của đất nước. Ở những địa phương vùng sâu vùng xa vẫn có rất nhiều em ấp ủ ước mơ trở thành những doanh nhân thành đạt, những nhà lãnh đạo đất nước...

Nữ sinh Trần Thị Trúc Quỳnh - học sinh Trường THPT Thới Bình - đến dự buổi tư vấn, mang theo ước mơ sau này được trở thành nữ doanh nhân thành công. Tâm sự ấy được TS Trần Thế Hoàng - chủ tịch hội đồng trường Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - chia sẻ có thể những hình ảnh đời thường trong cuộc sống tạo động lực, hình thành ước mơ để các em phấn đấu trở thành người thành công.

"Biết đâu trong số học sinh có mặt trong buổi tư vấn này sẽ có những doanh nhân thành đạt trong tương lai. Điều quan trọng trước mắt các em phải hoàn thành chương trình học THPT, và sau đó là sự định hướng con đường nghề nghiệp" - thầy Hoàng chia sẻ.

Bạn Hà Gia Phú - học sinh Trường THPT Khánh An (huyện U Minh), nam sinh gương mặt rất sáng - tay cầm cuốn sổ tay nhỏ sẵn sàng ghi chép thông tin. Chia sẻ với TS Phạm Tấn Hạ - phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), Phú cho biết mình "mong muốn theo học ngành quản lý nhà nước để sau này góp phần xây dựng đất nước, trở thành người lãnh đạo có năng lực".

Thầy Hạ cho hay ông rất vui khi nhận được rất nhiều câu hỏi mang theo niềm mơ ước lớn của học trò.

Chia sẻ thêm về những ước mơ này, thầy Hạ cho rằng tuổi trẻ phải biết ước mơ, nhưng để định hướng ước mơ này là cả vấn đề. Đối với những người làm tư vấn phải làm thế nào giúp các em nhận ra tố chất, năng lực của mình để nuôi dưỡng và thắp lửa cho những ước mơ đó.

"Những ước mơ đó là hoàn toàn chính đáng. Trong những ước mơ đó, các em đều mong muốn giúp đỡ người xung quanh, giúp cộng đồng phát triển. Có ước mơ, chắc chắn các em sẽ hành động, cố gắng học tập.

Để thực hiện ước mơ, trước hết các em phải tốt nghiệp THPT và cố gắng trúng tuyển ĐH vào những ngành phù hợp và có điều kiện giúp mình thực hiện ước mơ" - thầy Hạ khuyên.

Bên cạnh đó, còn có những ước mơ đơn giản hơn. Sau mỗi buổi tư vấn luôn có những học sinh ở vùng quê nghèo rụt rè đến gặp các thầy cô để xin tư vấn chọn ngành học nào sau này ra trường có được việc làm, không quan trọng việc ngành đó phù hợp với mình hay không. Ngay lúc đó, các thầy cô trở thành người khơi gợi đam mê, giúp các bạn trẻ tự tin hơn và biết khám phá những lĩnh vực nghề nghiệp phù hợp với sở thích.

Trong buổi tư vấn tại Kiên Giang sáng cùng ngày, một học trò ở Gò Quao dự định "học gần nhà" nhưng lại ngần ngại "nghe nói sinh viên tốt nghiệp ĐH tại các trường ở TP.HCM sẽ dễ tìm việc hơn người tốt nghiệp ở các trường địa phương".

ThS Hứa Minh Tuấn, phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - marketing, giải đáp ngay thực tế có một số doanh nghiệp chỉ tuyển người tốt nghiệp từ trường ĐH nào đó. Tuy nhiên, đại đa số doanh nghiệp đều không phân biệt bằng cấp từ trường nào.

Vấn đề là sinh viên tích lũy được gì trong quá trình học để khi phỏng vấn có thể đáp ứng tốt yêu cầu của nhà tuyển dụng. Sự phấn đấu của sinh viên rất quan trọng để có kiến thức và kỹ năng tốt, từ đó cơ hội việc làm sẽ tốt hơn.

"Các trường địa phương nắm rất rõ thông tin về nhu cầu nhân lực tại địa phương nên sẽ tập trung đào tạo những ngành này để đáp ứng, trong khi các trường địa phương hay ở TP.HCM có chương trình đào tạo gần giống nhau. Vì vậy, các em nên chọn ăn cơm nhà học ĐH" - thầy Tuấn khuyên.

Chọn kỹ năng thực hành, theo 4.0 hay đam mê? Chọn kỹ năng thực hành, theo 4.0 hay đam mê?

TTO - Chọn kỹ năng thực hành, chọn theo 4.0 hay chọn... đam mê? Học sinh băn khoăn khi đến Ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp tại Hà Nội.

Vừa tư vấn tuyển sinh, vừa thắp lửa ước mơ - Ảnh 3.
TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên