17/03/2022 09:10 GMT+7

Vua sáng chế từ làng

HÀ THANH
HÀ THANH

TTO - Tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa, ra trường làm việc tại một tập đoàn với mức lương khá cao nhưng vẫn không níu được chân chàng trai sinh ra từ làng.

Vua sáng chế từ làng - Ảnh 1.

Anh Hồ Xuân Vinh sáng chế nhiều máy móc hỗ trợ đắc lực cho bà con nông dân - Ảnh: H.X.V.

Suốt 10 năm mày mò, nghiên cứu sáng tạo, hiện nay chàng trai đến từ Nghệ An đã sở hữu 10 bằng sáng chế độc quyền, 16 sáng chế đã được chấp nhận đơn.

"Ở thành phố có rất nhiều người giỏi, mình chỉ là một mắt xích trong vô vàn người đó. Nhưng ở vùng quê, mình có thể thể hiện được giá trị bản thân tốt hơn, cống hiến cho quê hương sát với nhu cầu thực tiễn của bà con nông dân" - anh Hồ Xuân Vinh, 35 tuổi, phó giám đốc Công ty TNHH Hồ Hoàn Cầu, giám đốc Công ty TNHH ABACA Việt Nam, nhớ lại quyết định trở về Nghệ An lập nghiệp.

4 tiêu chí của "vua sáng chế"

Khoảng 10 năm trước, nhận thấy mảnh đất Quỳnh Lưu (Nghệ An) có thế mạnh về vật liệu xây dựng, có rất nhiều nguyên liệu để đầu tư phát triển sản phẩm gạch không nung, anh Vinh quyết định dấn thân vào lĩnh vực chế tạo công cụ, dây chuyền thiết bị để sản xuất gạch không nung thay thế cho gạch thủ công. 

"Ngày trước hễ ở đâu có lò gạch thủ công là cánh đồng lúa xung quanh trở nên úa vàng, không sinh trưởng được, gây tổn hại đến môi trường và cuộc sống của bà con nông dân. Tôi quyết tâm đem kiến thức mình học được trở về quê hương, đồng hành cùng bà con" - anh Vinh nhớ lại.

Vua sáng chế từ làng - Ảnh 2.

Đào Xuân Vinh mạnh dạn phát triển các dây chuyền thiết bị, mở rộng thị trường - Ảnh do nhân vật cung cấp

Từ yêu cầu đặt ra là sử dụng vật liệu phổ biến, giá rẻ, tái chế được, không gây ô nhiễm môi trường, anh nảy ra sáng kiến là dùng chính bụi đá do các công ty khai thác đá thải ra để sản xuất gạch không nung. Với sáng chế độc đáo này, năm 2017 anh Vinh được chọn làm chủ nhiệm dự án "Sáng tạo ứng phó biến đổi khí hậu" do Ngân hàng Thế giới tài trợ. 

Được tài trợ vốn, anh mạnh dạn phát triển các dây chuyền thiết bị, mở rộng thị trường để sử dụng gạch không nung thay thế cho gạch nung thủ công trên cả nước, tạo dấu ấn mạnh mẽ trên chặng đường lập nghiệp tại quê nhà.

Ở Nghệ An, không phải ngẫu nhiên mà bà con gọi anh Vinh với cái tên "vua sáng chế". Với sáng kiến dây chuyền thiết bị sản xuất gạch không nung, qua nhiều lần cải tiến, anh đã chế tạo thành công máy ép gạch thế hệ thứ 9 với nhiều tính năng vượt trội, sản phẩm này hiện có mặt tại tất cả 63 tỉnh thành trên cả nước và xuất khẩu đi 8 nước trên thế giới. 

Không dừng lại ở đó, anh tiếp tục nghiên cứu cho ra đời các dòng máy mới như máy đúc gạch không nung, máy gạch Terrazzo mâm xoay, máy gạch Leho từ đất đồi, máy cấp liệu sản xuất gạch sinh thái tự chèn, máy bẻ đai thép tự động, trạm trộn bêtông... 

Hiện nay anh đã sở hữu 10 bằng sáng chế độc quyền, 16 sáng chế đã được chấp nhận đơn và tạo nên một "hệ sinh thái" với hơn 20 dòng sản phẩm phục vụ cho ngành vật liệu xây dựng.

Với kiến thức học được ở trường đại học, lựa chọn trở về quê hương cùng sống với bà con nông dân giúp anh Vinh hiểu được nhu cầu thực tế của bà con. Anh cũng trực tiếp đến với người dân để tìm hiểu về các loại máy móc mà họ đang sử dụng có ưu - nhược điểm gì, từ đó tìm tòi ý tưởng để giải quyết vấn đề khó khăn cho bà con. Anh ví von quá trình đó như giải một bài toán, có thể tìm ra 3 - 4 cách giải nhưng làm sao để tìm ra cách giải tối ưu nhất.

Trong quá trình sáng chế, có 4 tiêu chí được anh đặt ra. Đó là tính sáng tạo, hữu ích, giải quyết khó khăn mà bà con đang gặp phải; sáng chế dễ vận hành, bền bỉ, ít hư hỏng, thân thiện với bà con; có hiệu quả về mặt kinh tế; an toàn cho người sử dụng.

"Luôn coi khách hàng là người thân của mình, đứng ở vai trò là khách hàng để cảm nhận sản phẩm, sử dụng trực tiếp sản phẩm xem có hiệu quả, đạt chất lượng, hữu ích hay không thì tôi mới tự tin, giới thiệu và bán cho bà con nông dân" - anh Vinh quả quyết.

Giải quyết điệp khúc "được mùa mất giá"

Vua sáng chế từ làng - Ảnh 3.

"Tâm niệm của tôi là mong muốn góp sức nhỏ bé cho quê hương" - Ảnh do nhân vật cung cấp

Tạo được tiếng vang trong mảng vật liệu xây dựng, anh Vinh tiếp tục lấn sân sang mảng chế biến sâu nông sản để tăng giá trị cho nông sản Việt, hỗ trợ đắc lực cho bà con nông dân, phát triển kinh tế ở vùng nông thôn.

"Ở vùng nông thôn việc chế biến sâu nông sản chưa thực sự phát triển, bà con chủ yếu xuất thô, chưa kể thường xuyên đối mặt với điệp khúc "được mùa mất giá" hay câu chuyện giải cứu hằng năm. Từ thực tế đó, tôi nghiên cứu đưa ra các dây chuyền công nghệ để chế biến sâu nông sản mang đến giá trị cao hơn, tạo thêm công ăn việc làm cho bà con" - anh Vinh bày tỏ.

Anh chia sẻ, tại khu vực bãi bồi sông Lam (Nghệ An) có diện tích trồng chuối rất lớn nhưng phần thân, lá chuối chỉ được dùng làm thức ăn chăn nuôi hoặc đốn bỏ tại chỗ gây ô nhiễm môi trường. Hay ở vựa dứa Quỳnh Lưu, qua 18 tháng chăm bẵm mà bà con chỉ thu hoạch quả, còn lại phần lá và thân cây dứa bị bỏ đi. 

Từ thực trạng đó, anh mày mò nghiên cứu chế tạo dây chuyền máy móc chế biến máy tách sợi tự động, có thể tách được sợi chuối, sợi dứa giúp bà con tận dụng phế phẩm nông nghiệp nhằm tạo ra các giá trị sản phẩm hữu ích khác phục vụ cho dệt sợi tự nhiên, thiết kế đồ thủ công mỹ nghệ, trang trí nội thất, ngành thời trang... vừa mang lại nguồn thu nhập vừa giảm ô nhiễm môi trường.

"Tâm niệm của tôi là mong muốn góp sức nhỏ bé cho quê hương, cho bà con nông dân sống xung quanh mình. Tôi luôn cố gắng tạo ra mối liên hệ cộng sinh giữa doanh nghiệp và cộng đồng xung quanh, khi đó doanh nghiệp tạo giá trị cho cộng đồng và cộng đồng cũng mang đến nhiều giá trị cho doanh nghiệp" - anh Vinh bộc bạch.

Trong năm 2022, anh tiếp tục nghiên cứu, sáng chế để giải quyết khó khăn cho bà con diêm dân ở Quỳnh Lưu. Anh cho biết dù muối phơi cát được đánh giá là muối ngon nhất Việt Nam, được thị trường ưa chuộng nhưng nếu bán sản phẩm muối thô lại có giá thành rất thấp. Mục tiêu của anh Vinh là sáng chế dây chuyền thiết bị công nghệ chế biến sâu giúp tăng giá trị hạt muối, đem lại nhiều giá trị hơn cho bà con diêm dân ở địa phương.

Từ ý tưởng sáng chế ra dây chuyền thiết bị chế biến sâu, hiện nay anh Vinh đang ấp ủ dự án phát triển 10.000 cơ sở chế biến sâu các mặt hàng nông sản tại Việt Nam giúp bà nông dân dễ dàng tiếp cận, sử dụng máy móc thiết bị và tăng giá trị nông sản Việt.

Không chờ đợi

Phát minh ra một sáng chế đã khó, để thương mại hóa sáng chế còn khó hơn. Mới đầu gặp khó khăn về xoay trở dòng vốn, anh Vinh chia sẻ bí quyết là không chờ đợi.

"Không chờ đợi phiên bản hoàn hảo nhất mới tung ra thị trường mà mình phải tạo ra nhiều phiên bản. Khi làm được phiên bản 1 thì trong đầu đã tính toán ra phiên bản thứ 3 để nâng cấp giá trị sản phẩm lên, tạo ra nhiều hiệu quả kinh tế cao hơn cho bà con. Nhờ đó mình luôn luôn có sản phẩm tung ra thị trường, có dòng tiền đầu tư cho phiên bản tiếp theo" - anh Vinh nói.

Suốt 10 năm miệt mài trên hành trình lập nghiệp, anh Vinh chia sẻ phải liên tục đầu tư, nâng cấp bản thân, học hỏi thêm nhiều lĩnh vực khác như kinh doanh, marketing, tài chính, sản xuất để có đủ kiến thức, kỹ năng, có đủ tài chính để thực hiện mục tiêu, mong muốn của mình.

Volvo Car tặng 2 HIO cho Tuổi Trẻ Golf Tournament For Startup 2022

Sau hai tuần phát động, chuỗi sự kiện Tuổi Trẻ Golf Tournament for Startup lần 3 đã nhận được nhiều phản hồi tích cực của bạn đọc, các nhà khởi nghiệp trẻ và các đơn vị đồng hành. Theo đó, Volvo Car Việt Nam vừa xác nhận tham gia đồng hành cùng sự kiện ý nghĩa này với 2 xe hơi cho 2 Hole in one (HIO) là XC90 (có 2 phiên bản động cơ B6 và T8 - giá từ 4 tỉ đến 4,5 tỉ) và V60CC (hơn 2,5 tỉ) tại hố số 8 và 16.

Ngoài ra, các gôn thủ tham gia giải lần này còn có cơ hội chạm tay vào các HIO hấp dẫn khác, như: HIO bộ gậy honma 4 sao Aizu trị giá 600 triệu đồng, HIO bộ gậy honma Black trị giá 155 triệu đồng, HIO 1 vé máy bay khứ hồi VN Airlines đến bất kỳ quốc gia châu Á nào...

Khởi động từ năm 2019, sự kiện thường niên Tuổi Trẻ Golf Tournament For Startup ra đời nhằm tạo sân chơi ý nghĩa và khích lệ tinh thần khởi nghiệp cho các startup cả nước. Chuỗi sự kiện năm 2022 tiếp tục được báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam TP.HCM tổ chức, hướng đến kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Năm nay, startup xuất sắc lọt vào vòng chung kết và được hội đồng thẩm định đánh giá cao nhất sẽ được nhận hỗ trợ đặc biệt: giải thưởng PFEC Hòn Ngọc Viễn Đông, trị giá 100 triệu đồng. Sẽ có khoảng hơn 30 câu chuyện khởi nghiệp nổi bật được chọn để giới thiệu trên báo Tuổi Trẻ (online hoặc báo giấy, truyền hình Tuổi Trẻ, fanpage…) trong tháng 3-2022. Diễn đàn "Cảm hứng khởi nghiệp" sẽ là nơi cho các bạn trẻ, bạn đọc quan tâm đến lĩnh vực này chia sẻ những ý tưởng khởi nghiệp.

Ngoài việc được vinh danh trên mặt báo, những câu chuyện khởi nghiệp trên sẽ có cơ hội tiếp cận với nhiều quỹ đầu tư cũng như quảng bá hình ảnh đến với công chúng. Ban tổ chức cũng sẽ chọn một số startup tiêu biểu để hỗ trợ một khoản kinh phí với sự đồng hành của các đơn vị như Công ty CP PFEC Hòn Ngọc Viễn Đông, Hưng Thịnh Land, FE Credit, Number 1, Volvo Car Việt Nam, An Hòa...

Các startup, nhóm bạn trẻ có ý tưởng khởi nghiệp hay và có tính thực tế cao, hoặc bạn đọc có các câu chuyện thiết thực phía sau những chân dung khởi nghiệp, từ hôm nay có thể gửi bài viết tự giới thiệu, những câu hỏi liên quan về địa chỉ email: golfforstartup@tuoitre.com.vn.

MINH HUỲNH

Vua sáng chế từ làng - Ảnh 6.
Khởi nghiệp từ trải nghiệm mất gốc tiếng Anh Khởi nghiệp từ trải nghiệm mất gốc tiếng Anh

Từng là một cậu sinh viên bị mất gốc tiếng Anh căn bản trong những ngày đầu tiên bước chân vào giảng đường đại học; anh Lê Đình Lực đã tự mày mò, sáng tạo để thành thạo và cho ra đời phương pháp học mới...

HÀ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên