Bạn Nguyễn Thị Yến (thứ 3 từ phải sang) trao tặng 1.000 bộ đồ bảo hộ trị giá 242 triệu đồng cho báo Tuổi Trẻ vào thời điểm dịch bệnh căng thẳng - Ảnh: PHẠM TUẤN
Hành trình start-up vốn không dễ dàng, những người đứng đầu luôn phải lèo lái "con thuyền" để đảm bảo cuộc sống của hàng chục, hàng trăm nhân sự phía sau.
Dẫu vậy, ngay cả ở những giai đoạn sóng gió như trong COVID-19, vẫn có nhiều start-up hết mình hỗ trợ cộng đồng.
Thử thách dồn dập
Là gương mặt có tiếng trong cộng đồng du học sinh Việt, Huỳnh Hạnh Phúc (quê Bình Định) được nhiều người nhắc đến không chỉ vì xuất thân từ ngôi trường nổi tiếng hàng đầu thế giới Harvard mà còn vì bạn từng rời công việc với mức thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi tháng để về nước làm một dự án giáo dục miễn phí cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn (Teach for Vietnam) từ năm 2015.
Nói về thử thách, Hạnh Phúc cho biết tại Việt Nam, hệ thống thu gom rác đã được phân loại không tồn tại.
"Rác có được phân loại trước đó thì cuối cùng cũng bị trộn lẫn đưa lên xe và đổ về các bãi rác lớn của thành phố", bạn trăn trở.
Cùng lúc, trong đại dịch, doanh nghiệp phát triển tốt ở mảng nông nghiệp nhưng lại bị ảnh hưởng nhiều ở mảng môi trường. Chẳng hạn, nhu cầu tiêu dùng nông sản và thực phẩm sạch phát triển tốt do nhu cầu mua online tăng vọt. Nhưng nhu cầu mua hàng online tăng khiến lượng bao bì nhựa phát sinh cũng tăng theo, và các chương trình nâng cao nhận thức sống xanh lại không được tổ chức do yêu cầu giãn cách xã hội.
Hiện đang lèo lái công ty với quy mô hàng ngàn nhân sự, Nguyễn Thị Yến (CEO Công ty dệt may Nam Dương) vẫn luôn đau đáu với cuộc sống của những phận đời khó khăn trong nước. Đây cũng là doanh nghiệp được chọn trao giải Tuổi Trẻ Golf Tournament for Start-up 2022.
"Đại dịch COVID-19 được nhận định như một "phép thử" khả năng sinh tồn của các doanh nghiệp. Chúng tôi không là ngoại lệ, đối mặt với nhiều thử thách đáng kể do thị trường đi xuống và đơn hàng giảm. Lúc đó chúng tôi cũng đứng trước lựa chọn thay đổi hay là chết. Chúng tôi quyết định biến nguy thành cơ bằng cách khai thác, sản xuất thêm mảng trang phục bảo hộ cá nhân (PPE) do có nền tảng là doanh nghiệp may mặc", bạn nhớ lại.
Nhưng cơ hội lớn cũng đồng nghĩa doanh nghiệp của bạn phải đối mặt với nhiều thử thách lớn.
Phát triển bền vững nhờ tầm nhìn rõ ràng
"Do sản xuất đồ bảo hộ y tế là một lĩnh vực mới với chúng tôi nên giai đoạn đầu phải vừa làm vừa học. Rồi khi nhận được đơn hàng sản xuất 3 triệu sản phẩm áo choàng cách ly xuất khẩu châu Âu trong bốn tháng khiến chúng tôi vừa mừng vừa lo vì quá gấp gáp, giá nguyên liệu lại tăng chóng mặt...", Yến kể.
Thời điểm đó với Yến đầy căng thẳng vì phải cùng cộng sự làm việc liên tục ngày đêm, việc vận chuyển hàng hóa khó khăn, bị một nhà cung cấp nguyên liệu không uy tín "bùng hàng" phút chót... "May là đơn hàng cuối cùng vẫn được hoàn thành đúng tiến độ và đạt chất lượng, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm và biết mình đã trưởng thành hơn nhiều từ đại dịch", bạn nói.
Sau khi linh động chuyển hướng, doanh nghiệp của bạn không những tồn tại vững chắc mà còn bứt phá ngay cả trong đại dịch, "tấn công" hiệu quả ra thị trường quốc tế.
Đối mặt với chiều chông gai, GreenConnect vẫn bền bỉ từng bước vượt qua và thậm chí đoạt hai giải nhất trong cuộc thi giải pháp giảm thải rác nhựa của tổ chức quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF) Việt Nam và Liên minh Tái chế bao bì (PRO) Việt Nam, vào chung kết cuộc thi giảm rác thải nhựa của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP).
Không quên trách nhiệm với cộng đồng
Chia sẻ về lý do chưa từng nản lòng khi dành nhiều công sức và thời gian cho những công việc không đem lại nhiều tiền dù sở hữu tấm bằng đại học danh giá, Hạnh Phúc cho biết bạn luôn nghĩ về câu nói của nhà khoa học lỗi lạc Albert Einstein "Đừng cố gắng trở thành một người thành công, mà hãy trở thành một người có giá trị".
"Tôi thấy nhiều vấn đề trên thế giới phát sinh khi con người đặt thành công lên trên giá trị. Chẳng hạn có những người luôn đầu tư vào những dự án siêu lợi nhuận ngắn hạn, có tâm lý "tôi được thì ai đó sẽ phải mất"... Tuy nhiên, việc trở thành người tạo giá trị không đồng nghĩa với việc coi thường thành công hay làm việc thiếu định hướng, chiến lược và tham vọng", Hạnh Phúc nói về triết lý sống của bản thân.
Bận rộn lèo lái một start-up đã tạo dựng được chỗ đứng vững chắc với 3.000 quán được mở trên cả nước, sản phẩm được xuất khẩu qua 20 nước, anh Nguyễn Đức Hưng (CEO Napoli Coffee) vẫn dành nhiều thời gian cho việc góp phần cải thiện cuộc sống của những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, những phận đời muốn hoàn lương, các cá nhân có cuộc sống bị ảnh hưởng nặng bởi COVID-19.
Một trong những hoạt động đó là trao tặng xe đẩy cà phê (trị giá 7,3 triệu đồng/xe), hướng dẫn cách pha chế và vận hành miễn phí... để giúp các cá nhân trên có nguồn thu nhập ổn định. "Chúng tôi vừa trao tặng 4 xe cho quận Phú Nhuận vào cuối tháng 4 và sẽ tiếp tục triển khai trên cả nước xuyên suốt năm 2022", anh Hưng cho biết.
Trong những giai đoạn căng thẳng nhất của đại dịch COVID-19 năm 2020 và 2021, Yến và các cộng sự cần mẫn lặn lội đến nhiều miền của Tổ quốc để trao tặng hơn 50.000 bộ trang phục phòng dịch có tổng giá trị hàng chục tỉ đồng. Bên cạnh các đơn vị như Bộ Tư lệnh bộ đội biên phòng, Bệnh viện K, CDC Hà Nam..., Nam Dương cũng tặng 1.000 bộ đồ bảo hộ phòng dịch COVID-19 (trị giá 242 triệu đồng) cho báo Tuổi Trẻ vào tháng 6-2021. Gần đây nhất, khi nhận giải thưởng trị giá 20 triệu đồng tại Golf Tournament for Start-up 2022, Yến quyết định gửi toàn bộ số tiền trên cho chương trình hỗ trợ bệnh nhi ung thư "Ước mơ của Thúy" của báo.
"Chúng tôi luôn tâm niệm Nhà nước và các bộ ban ngành đã luôn nỗ lực hết sức để kiểm soát dịch bệnh thì doanh nghiệp chúng tôi không thể đứng ngoài cuộc", Yến chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận