Các trải nghiệm du lịch ảo mới mẻ có thể được tạo ra từ các sản phẩm công nghệ như máy quay 360 độ, kính thực tế ảo - Ảnh: BANGKOK POST
Metaverse sẽ là một bước tiến của thị trường, nhưng nó sẽ không thể thay thế trải nghiệm du lịch ít nhất là trong thời của tôi.
Ông Tariq Al Mutawa (phụ trách thị trường Thái Lan của Hãng bay Emirates) nói.
Đại dịch COVID-19 đã khiến ngành du lịch toàn cầu lao đao nhưng cũng đã thúc đẩy việc xóa nhòa ranh giới giữa du lịch và kỹ thuật số, nhất là khi Công ty Facebook (nay là Meta) đưa vũ trụ ảo đến gần hơn với hiện thực.
Dù thực tế ảo không thể thay thế trải nghiệm thật nhưng nếu biết khai thác hợp lý, nó vẫn mang lại cơ hội lớn cho ngành du lịch.
Thái Lan tìm cơ hội
Mới nhất, ngành du lịch Thái Lan triển khai công nghệ metaverse để tăng tốc phục hồi ngành công nghiệp không khói.
Ông Nithee Seeprae, quan chức phụ trách nghiên cứu và phát triển kỹ thuật số của Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT), cho rằng phân khúc khách hàng sử dụng tiền điện tử có thể là chìa khóa cho hồi phục du lịch trong lúc nước này sẽ cần nhiều thời gian để có lại mức 40 triệu lượt khách/năm như trước.
Nó cũng giúp họ tiếp cận nhóm khách hàng gen Z (sinh từ năm 1997 đến 2012), cũng là nhóm có tác động lớn với các nhóm khác.
Theo ông Nithee, metaverse sẽ là cơ hội lớn cho ngành du lịch, từ việc đặt chuyến cho đến mua các NFT (viết tắt của "non-fungible tokens" - mã thông báo không thể thay thế) trong du lịch ảo.
NFT là các vật phẩm kỹ thuật số duy nhất có chứng nhận về tính xác thực và quyền sở hữu được đăng ký trên chuỗi khối (blockchain), công nghệ nền tảng của tiền điện tử. Nhờ NFT, hàng thủ công của các cộng đồng địa phương ở Thái Lan, các bộ sưu tập ảnh... sẽ không còn bị rào cản địa lý.
Theo ông Kitti Pornsiwakit - lãnh đạo ban du lịch thông minh của Hội đồng Du lịch Thái Lan, các công ty du lịch có thể cung cấp trải nghiệm kỹ thuật số chỉ với camera 360 độ nhằm giúp du khách "đến" được nhiều nơi hơn với chi phí thấp. Điều này cũng thu hút sự quan tâm của các địa phương vốn trước nay không mạnh về du lịch.
TAT đang bàn thảo thêm về các dự án với nhiều công ty kỹ thuật số, trong đó có chương trình Thailand Holideals cho phép du khách sử dụng token kỹ thuật số để mua sản phẩm và dịch vụ, hay dự án "Thành phố Metaverse Phuket" tập trung vào du lịch và chăm sóc sức khỏe…
TAT cũng dự kiến trình làng nền tảng vũ trụ ảo Amazing Thailand, thành lập công ty công nghệ thuộc TAT để phục vụ cho kỷ nguyên Web 3.0. "Các công cụ tiếp thị kỹ thuật số sẽ thúc đẩy du lịch tiến tới các xu hướng mới và tiếp cận phân khúc mới", ông Nithee nói trên báo Bangkok Post.
Trải nghiệm mới
Ông Garth Simmons - giám đốc phụ trách Đông Nam Á, Nhật Bản và Hàn Quốc của Tập đoàn khách sạn Accor - nhận định: "Sự xuất hiện của metaverse và vẫn còn một chặng đường dài phía trước có thể tốt hoặc xấu cho ngành du lịch. (Nhưng) nó chắc chắn đại diện cho một sự phát triển của những gì xung quanh chúng ta và đang trở thành một phần bổ sung cho cuộc sống".
Ông Tariq Al Mutawa, người phụ trách thị trường Thái Lan của Hãng bay Emirates, cho biết hãng này đã ứng dụng công nghệ giúp hành khách có trải nghiệm thực tế ảo. Khách được xem ghế ngồi của họ từ trước khi đặt vé hoặc ngắm cảnh từ ghế của phi công khi đang bay. Emirates cũng dự kiến tung ra các vật phẩm NFT và dự án về Web3 (giai đoạn thứ 3 của Internet).
Thực tế, các chuyên gia công nghệ cũng đã chỉ ra Web3 có thể giúp ích cho các địa danh lịch sử và trở thành mô hình kinh doanh mới cho du lịch. Nhiều bảo tàng, di tích lịch sử, tòa nhà cổ đang quan tâm đến việc thu hút du khách trên vũ trụ ảo.
"Một người thường chỉ tới mỗi bảo tàng một lần, nhưng họ có thể ghé thăm nó nhiều lần trên metaverse" - bà Priyadarshini Raje Scindia, thuộc gia đình sở hữu dinh thự Jai Vilas Palace 200 năm tuổi tại Madhya Pradesh (Ấn Độ), cho biết.
Bà thậm chí đã kết hợp với Công ty 3.0 Labs (chỉ mới thành lập trong đợt dịch COVID-19) để cung cấp dịch vụ cho phép người xem "nhập vai" vào các phim tài liệu. Công ty này cũng đang phối hợp thực hiện dự án khác tại các bảo tàng, lâu đài ở Đức, Ấn Độ và Ghana. Không chỉ tạo ra trải nghiệm mới, các dự án cũng sẽ tạo ra kinh phí để bảo tồn những địa điểm này.
Thành phố đầu tiên bước vào metaverse
Chính quyền Seoul của Hàn Quốc hồi cuối năm ngoái tuyên bố sẽ là thành phố đầu tiên trên thế giới bước vào vũ trụ ảo với dự án Seoul Metaverse, nhằm tạo ra hệ sinh thái ảo trong mọi lĩnh vực từ kinh tế, văn hóa, du lịch, giáo dục cho đến dịch vụ hành chính.
Có thể hình dung là trong thành phố ảo đó, người dân có thể giao tiếp với thế thân (avatar) của quan chức để khiếu nại, tham vấn thay vì phải đến trực tiếp các văn phòng thành phố, theo Hãng tin Yonhap. Thành phố cũng dự kiến đưa các điểm du lịch, thậm chí lễ hội, lên metaverse. Theo kế hoạch, dự án được đầu tư 3 tỉ USD và thực hiện trong 3 giai đoạn trong năm 2023.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận