12/04/2023 17:32 GMT+7

Vụ rơi trực thăng: Gia đình đại tá phi công được ứng bảo hiểm 1,18 tỉ đồng

Sau vụ rơi trực thăng, hãng bảo hiểm đã tạm ứng một phần (khoảng 50.000 USD, tương đương 1,18 tỉ đồng) để chi trả bồi thường cho gia đình đại tá phi công.

Vụ rơi trực thăng: Gia đình đại tá phi công được ứng bảo hiểm 1,18 tỉ đồng - Ảnh 1.

Hãng bảo hiểm nhanh chóng vào cuộc hỗ trợ. Trong ảnh: lực lượng cứu nạn đang làm việc liên quan đến vụ trực thăng rơi ở vịnh Hạ Long - Ảnh: NAM TRẦN

Vụ trực thăng rơi khi chở khách tham quan vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) làm bốn hành khách và một phi công thiệt mạng tuần qua khiến cộng đồng rất quan tâm. 

Liên danh Bảo hiểm PVI - Bảo Việt - MIC cung cấp bảo hiểm cho các máy bay của Tổng công ty Trực thăng Việt Nam, trong đó PVI là nhà bảo hiểm gốc đứng đầu liên danh.

Bên cạnh việc có mặt ngay tại hiện trường, phối hợp với Tổng công ty Trực thăng Việt Nam và các cơ quan chức năng để giải quyết các vấn đề liên quan đến bảo hiểm, hiện PVI đã tạm ứng chi trả bồi thường cho gia đình đại tá phi công 50.000 USD (xấp xỉ 1,18 tỉ đồng).

Theo hợp đồng, đối với một phi công, phía bảo hiểm chi trả tổng cộng là 200.000 USD (gần 4,7 tỉ đồng). Phần còn lại sẽ được gửi đến gia đình, sau khi hoàn tất các thủ tục liên quan.

Theo tìm hiểu, phía Tổng công ty Trực thăng Việt Nam đã mua dòng bảo hiểm tai nạn con người dành cho phi công, trong đó nêu rõ phạm vi bảo hiểm cũng như mức chi trả bồi thường, do đó nhà bảo hiểm có đủ cơ sở để tạm ứng nhanh chóng.

Khi sự kiện bảo hiểm nghiêm trọng xảy ra, nhà bảo hiểm thường nhanh chóng tạm ứng chi trả bồi thường.

Riêng mức bồi thường đối với các hành khách trong vụ việc này còn phụ thuộc vào việc đàm phán giữa Tổng công ty Trực thăng Việt Nam và người nhà. 

Vì theo quy định của Luật hàng không, hãng bay phải có trách nhiệm về pháp lý đối với các hành khách. Còn hãng bảo hiểm là đơn vị gián tiếp bồi thường, đứng ra bảo hiểm cho trách nhiệm của hãng bay.

Ở trường hợp này, Tổng công ty Trực thăng Việt Nam đã mua bảo hiểm cho trách nhiệm pháp lý với giới hạn trách nhiệm cho tổn thất của hành khách và bên thứ ba khác, với tổng giá trị 30 triệu USD/sự cố. 

Mỗi hành khách được chi trả bao nhiêu trong số tiền trên cũng còn phụ thuộc vào quy định của Luật hàng không, sự thống nhất giữa hãng bay và người nhà của hành khách...

Chương trình bảo hiểm trong vụ việc này bao gồm bảo hiểm thân máy bay, bảo hiểm trách nhiệm pháp lý của hãng đối với hành khách và bên thứ ba, bảo hiểm tai nạn cho phi công. 

Do đó, bên cạnh bảo hiểm về người, thân tàu bay cũng có phạm vi bảo hiểm hơn 1,65 triệu USD.

Trước đó, vào năm 2016, máy bay trực thăng EC-130T2 số hiệu VN-8632 của Trung tâm huấn luyện bay - Công ty Trực thăng miền Nam (Tổng công ty Trực thăng Việt Nam) bị rơi tại núi Dinh, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, khiến ba nạn nhân qua đời.

Sau khi xảy ra vụ việc, Bảo hiểm PVI đã bồi thường bảo hiểm 3,5 triệu USD tổn thất toàn bộ thân máy bay trực thăng.

Theo dữ liệu từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tổng kết năm 2022, các doanh nghiệp bảo hiểm chi trả quyền lợi bảo hiểm hơn 64.000 tỉ đồng, tăng hơn 23% so với cùng kỳ năm liền trước. Trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ chi trả hơn 23.400 tỉ đồng, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ chi trả ước đạt hơn 40.600 tỉ đồng.

Vụ trực thăng rơi: Công ty bảo hiểm nói gì?Vụ trực thăng rơi: Công ty bảo hiểm nói gì?

Liên quan vụ trực thăng rơi ở Quảng Ninh khiến 5 người thiệt mạng, đại diện Tổng công ty Bảo hiểm PVI vừa chính thức lên tiếng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên