
Nữ sinh tố bị đồng nghiệp hành hung khi đi làm thêm ở Hà Nội - Ảnh: FBNV
Những ngày qua, mạng xã hội xôn xao câu chuyện nữ sinh N.T.H. (20 tuổi) kể chuyện đi làm thêm tại quán ăn ở phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) thì bị đồng nghiệp chửi bới, hành hung. Nguyên nhân xuất phát từ việc "hiểu lầm" trong việc chia 700.000 tiền tip của khách.
Theo N.T.H., cô làm thêm với lương 25.000 đồng/giờ. Đi làm được buổi thứ 2, do phục vụ chu đáo nên H. được khách "tip" 200.000 đồng và bị một nhân viên làm cùng tên T. "đòi chia".
Nữ sinh H. đồng ý, nhưng sau đó phát sinh việc H. được khách "tip" thêm 500.000 đồng. Vì lý do này mà H. bị T. tố là nói dối số tiền được "tip". Dù H. giải thích nhưng vẫn bị T. hành hung tại nhà hàng.
Lời khuyên để bảo vệ mình khi đi làm part-time
Như Tuổi Trẻ Online đưa tin, ngày 8-4, chỉ huy Công an phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết đơn vị đang xác minh, làm rõ vụ việc trên. Đại diện nhà hàng cho biết đã nắm bắt sự việc và cho biết không bao che cho bất cứ hành động sai trái nào.
Qua sự việc, ông Vũ Quang Thành - phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội - đánh giá không ít người lao động đi làm thêm giờ (part-time) bị ảnh hưởng quyền lợi như bị quỵt lương, dính lừa đảo...
Ông Thành đưa ra lời khuyên cho người lao động làm part-time đó là tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp, tính chất công việc, vị trí làm và yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Thứ hai, trong khi làm, người lao động phải trao đổi trực tiếp với người sử dụng lao động để đảm bảo quyền lợi, chế độ đã ký hợp đồng hoặc trao đổi từ trước. Chẳng hạn, cách xử lý tình huống ngoài ý muốn để bảo vệ quyền lợi chính đáng.
Trường hợp bị xâm phạm quyền lợi song phía chủ cơ sở kinh doanh không giải quyết hoặc giải quyết không thỏa đáng, người lao động có thể khiếu nại tới ngành thanh tra hoặc cơ quan chức năng như công an để được giải quyết.

Người lao động cần trao đổi kỹ lưỡng với nhà tuyển dụng về tiền lương, giờ làm, yêu cầu công việc, chế độ và cơ chế bảo vệ khi xảy ra trường hợp không mong muốn - Ảnh: HÀ QUÂN
Doanh nghiệp có camera bảo vệ người làm ca đêm
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Đỗ Hoàng Giang - giám sát tuyển dụng và đối tác nhân sự của Công ty TNHH Vòng Tròn Đỏ (chuỗi cửa hàng tiện lợi Circle K) - cho biết phía công ty rất quan tâm đến quyền lợi của người lao động nên ngoài tiền lương, chế độ thì có cơ chế bảo đảm an toàn, nhất là với ca đêm.
Chẳng hạn các cửa hàng đều có camera giám sát 24/7, bộ phận an ninh nhằm bảo đảm an toàn cho nhân viên.
"Chúng tôi luôn đảm bảo yếu tố an toàn lên hàng đầu với người lao động, kể cả các bạn làm part-time", ông Giang khẳng định.
Trước đó, đại diện Sở Nội vụ TP.HCM cho hay vẫn còn tình trạng người sử dụng lao động không có hợp đồng lao động, nhất là với nhóm lao động tự do, làm theo thời vụ, bán thời gian dẫn tới nhiều hệ lụy đáng tiếc.
Cụ thể họ không được bảo vệ các quyền cơ bản như tiền lương tối thiểu, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nghỉ phép hay bảo hộ khi xảy ra tai nạn lao động.
Việc này cũng gây khó cho cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý, thống kê, giám sát thị trường lao động và triển khai chính sách bảo trợ, hỗ trợ người lao động, trong đó phần lớn là lao động ở tuổi thanh niên.
Đại diện Sở Nội vụ TP.HCM khuyến cáo người lao động cần chủ động nghiên cứu các quyền, lợi ích hợp pháp của mình được pháp luật lao động quy định khi đi làm.
Hãy chủ động yêu cầu ký kết hợp đồng lao động khi làm việc cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào, ít nhất là hợp đồng ngắn hạn hoặc hợp đồng thời vụ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận