
Với những công việc làm thêm đơn giản ngoài giờ học, sinh viên lại càng không hỏi gì đến hợp đồng lao động - Ảnh minh họa: Q.L.
Nhiều sinh viên đi làm thêm đối mặt với tình trạng làm thêm không hợp đồng, dẫn đến việc không được bảo vệ quyền lợi khi xảy ra tranh chấp.
Chính sự e ngại này sẽ mang đến bất lợi cho chính các bạn khi có sự cố, tranh chấp xảy ra mà thua thiệt thường thuộc về người lao động.
Tại Hà Nội và TP.HCM, nơi tập trung lượng sinh viên đông đảo của cả nước, không ít bạn đi làm thêm gặp phải tình trạng bị trả lương thấp hơn quy định. Chưa kể không có quyền lợi nào về bảo hiểm, thậm chí bị quỵt lương mà không đòi được gì.
"Nếu bị quỵt lương tôi cũng phải chấp nhận chịu thiệt thôi vì từ trước giờ mọi giao kết đều là hợp đồng miệng chứ không có minh chứng gì hết" - Giáp Hường, sinh viên năm 2 một trường đại học tại Hà Nội, mở lời.
Đi làm không ký hợp đồng, nắm dao đằng lưỡi
Hường làm thêm cho một tiệm mì tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) với mức lương 20.000 đồng/giờ và ca làm không cố định. Dù đã làm ở đây gần một năm song Hường cho biết chưa từng ký hợp đồng nào. Mọi thỏa thuận chỉ là trao đổi qua lại với chủ quán, thậm chí không có nổi một tin nhắn hay hình ảnh gì minh chứng.
Tương tự, Anh Khoa, sinh viên một trường đại học tại quận Tân Phú (TP.HCM) đang làm thêm cho quán cà phê ở quận Bình Tân, kể chỉ thỏa thuận lương mỗi giờ làm được trả 20.000 đồng. Khoa đã làm hơn ba tháng và chủ trả lương hai tuần/lần.
"Làm thêm để đi học nên tôi thấy công việc này phù hợp, lại được đổi ca linh hoạt nên làm thôi chứ hợp đồng gì cho rườm rà", Khoa nói.
Còn Hoàng Thị Trường Vi, sinh viên năm 4 Trường đại học Tôn Đức Thắng (TP.HCM), ấm ức khi chưa thể lấy được tháng lương cuối cùng ở một phòng tập thể dục tại quận 7.
Đi làm từ tháng 5 đến tháng 10-2024, Vi báo trước sẽ nghỉ từ tháng 11 vì tập trung làm khóa luận tốt nghiệp. Tuy vậy, Vi liền bị quản lý loại khỏi nhóm chat của trung tâm ngay lúc bắt đầu nghỉ. Trong khi mọi trao đổi công việc, trả lương đều qua tin nhắn Zalo mà không có bất kỳ hợp đồng gì.
Như (18 tuổi) làm nhân viên quán cà phê ở quận Bình Tân (TP.HCM) nói chưa từng nghe chủ kêu ký hợp đồng gì hết, chỉ biết làm ca ngày tám tiếng, có khi nhiều hơn nếu khách về muộn. Không hợp đồng, nói gì được đóng các loại bảo hiểm, Như được trả 23.000 đồng/giờ là đã cao hơn 3.000 đồng so với các phục vụ khác, vì cô là một trong những phục vụ đời đầu ở đây.

Sinh viên làm thêm tại cửa hàng dịch vụ ăn uống để có nguồn phụ trang trải cuộc sống xa nhà - Ảnh minh họa: PHAN OANH
Chủ quán nói "không cần thiết ký hợp đồng"
Tuy vậy cũng có bạn đi làm có hợp đồng. Như Thu Hiền, sinh viên năm 4 tại quận Cầu Giấy (Hà Nội), ký hợp đồng lao động ngay khi mới vào làm, mức lương 22.000 đồng/giờ. "Đến nay nhà hàng đã tăng lên 25.000 đồng/giờ, tính cả phụ cấp. Nhà hàng trả lương đúng hạn và còn thưởng thêm dịp lễ, Tết nên sau thời gian xin nghỉ vì điều kiện khi ấy, tôi vẫn muốn quay lại đây làm", Hiền bày tỏ.
Chủ một quán cà phê tại quận Đống Đa (Hà Nội) - chị Hiền - phân trần không ký hợp đồng vì công việc, tiền lương đều đã trao đổi miệng với nhân viên. Cộng với mức lương không cố định, thường tăng khi các bạn gắn bó lâu dài.
Trong khi anh Tuấn Anh, chủ một quán cà phê tại quận Cầu Giấy (Hà Nội), thẳng thắn: "Việc ký kết hợp đồng lao động là không cần thiết, bởi sinh viên chủ yếu làm thời gian ngắn. Chỉ cần trao đổi các quy định về công việc, lương thưởng trực tiếp và hai bên thống nhất là được".
Còn chị Khánh Ngọc, quản lý chuỗi cửa hàng thời trang ở TP.HCM, nói mức lương của nhóm nhân viên làm bán thời gian hay sinh viên làm thêm khoảng 21.000 đồng/giờ, nếu làm lâu năm sẽ vào khoảng 25.000 đồng/giờ. Như vậy ai làm chăm có thể nhận cỡ 7 triệu đồng/tháng, chưa tính thưởng chuyên cần, tăng ca, thưởng doanh thu.
Nhưng sao lại không ký hợp đồng với người lao động? Chị Ngọc đưa ra nhiều lý do, trong đó có việc công ty sử dụng ít lao động, không rành quy định pháp lý và cũng không mấy lao động hỏi về hợp đồng do "thích làm thì làm, thích nghỉ thì nghỉ".
Theo chị Ngọc, doanh nghiệp và lao động chỉ giao kết bằng miệng và thống nhất với nhau về thời gian làm, tiền lương, môi trường làm việc là xong.
"Dĩ nhiên, giao kết hợp đồng lao động sẽ ràng buộc nghĩa vụ của hai bên nhiều hơn. Nhưng thời gian làm việc ngắn, doanh nghiệp cũng ngại ký hợp đồng lao động, chưa kể vướng yêu cầu đóng bảo hiểm các thứ nữa…", chị Khánh Ngọc nói.
Không phải người lao động nào cũng quan tâm hợp đồng
Anh Nam (31 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết đã nhận việc giữ xe tại một nhà hàng ở quận Phú Nhuận bốn tháng nay song cũng không có hợp đồng gì. Từng là thợ hồ với gần chục năm theo nghề, tháng 9 năm ngoái anh còn "đầu tắt mặt tối" cho một công ty xây dựng. Nhưng đùng một cái ông chủ biệt tăm không lý do. Mấy anh em làm chung cùng cảnh ngộ, vì thường hằng tháng chỉ được chủ trả lương chứ tìm ổng ở đâu thì không ai biết cả.
Mất việc, cũng không biết tìm ai đòi khoản tiền công mấy triệu đồng bị nợ, Nam đành đi tìm việc khác. Công việc hiện tại đơn giản là dắt và giữ xe cho khách, làm từ 8h-22h, lương 21.000 đồng/giờ, mỗi tháng được nghỉ hai ngày nhưng trừ thứ bảy và chủ nhật. "Chỉ gắng qua bữa thôi chứ làm lương bèo vậy mà đòi hỏi ký hợp đồng hay đóng bảo hiểm cái gì", Nam bộc bạch.
Theo quy định từ 1-7-2024, lương tối thiểu vùng tăng 6% tương ứng tăng từ 200.000 - 280.000 đồng so với trước đó.
Cụ thể vùng 1 là 4.960.000 đồng/tháng (tối thiểu 23.800 đồng/giờ), vùng 2 là 4.410.000 đồng/tháng (tối thiểu 21.200 đồng/giờ), vùng 3 là 3.860.000 đồng/tháng (tối thiểu 18.600 đồng/giờ) và vùng 4 là 3.450.000 đồng/tháng (tối thiểu 16.600 đồng/giờ).
(Còn tiếp)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận