29/08/2012 17:12 GMT+7

Vu lan này con chở mẹ đi chợ nghen!

  NGUYỄN THỊ HẠNH (Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
  NGUYỄN THỊ HẠNH (Q.Bình Thạnh, TP.HCM)

TTO - Chiều nay con chở mẹ đi chợ. Mẹ ôm con thật chặt. Vòng tay mẹ càng chặt hơn khi xe qua những khúc quanh. Con chợt thấy sống mũi cay cay. Con càng cao lớn, mẹ càng nhỏ bé, già yếu. Và con bỗng sợ.

"Cảm ơn mẹ!" mùa Vu lan

Vu lan này con chở mẹ đi chợ nghen!

TTO - Chiều nay con chở mẹ đi chợ. Mẹ ôm con thật chặt. Vòng tay mẹ càng chặt hơn khi xe qua những khúc quanh. Con chợt thấy sống mũi cay cay. Con càng cao lớn, mẹ càng nhỏ bé, già yếu. Và con bỗng sợ.

"Cảm ơn mẹ!" mùa Vu lanSách, đĩa tặng bạn đọc mùa Vu lan

4ZG9c9zy.jpgPhóng to

"Con (nhỏ nhất) chụp ảnh cùng anh chị và mẹ vào năm 1994" - Ảnh và chú thích ảnh do tác giả Nguyễn Thị Hạnh cung cấp

Mẹ sinh ra đã không may mắn. Ông ngoại bị lính Pháp bắt trước ngày mẹ sinh một tuần. Bà ngoại bị bệnh hậu sản, ra đi mãi mãi khi mẹ vừa tròn 6 tuần tuổi. Mẹ được một người bà con cưu mang, khát sữa khóc ròng. Bà con lối xóm thương tình, ai có con nhỏ cũng cho mẹ bú ké. Mẹ thường cười khi nhớ lại tuổi thơ: "Trẻ con thời đó có sức sống lạ kỳ lắm, cứ như được ông trời sinh ra và ông trời che chở vậy".

Năm mẹ 6 tuổi, ông ngoại trở về. Ôm mẹ vào lòng, nước mắt ông giàn giụa. Rồi ông đi bước nữa, mẹ có thêm những người em. Cuộc sống mới với mẹ chẳng hề đơn giản. Mẹ phải nhường phần được đi học cho các em, khẩu phần ăn cũng bị giảm xuống nhưng lại phải làm việc gấp đôi. Mẹ chịu đựng tới năm 17 tuổi thì xin đi thanh niên xung phong.

Trên mặt trận thanh niên xung phong, mẹ gặp bố con. Sau giải phóng, mẹ và bố làm đám cưới. Kinh tế sau chiến tranh rất khó khăn, mẹ bị bà nội con hắt hủi, ghét bỏ vì mẹ không có của hồi môn. Bố con biết điều đó mà chẳng thể có ý kiến gì vì bố cũng chỉ là đứa trẻ bị bỏ rơi được bà mang về chăm sóc.

Anh chị con lần lượt ra đời. Bao nhiêu gánh nặng chất lên đôi vai mẹ. Mẹ nín lặng chịu đựng vì thương bố, thương con. Vài năm sau, bố xin xã được một miếng đất nhỏ ở ngoài đê để dựng nhà ở riêng. Mẹ sinh con rất khó khăn vì khi ấy đã ở tuổi 38.

Cùng nhau trải qua những tháng ngày khốn khó, cay đắng ấy, cứ ngỡ sẽ chẳng còn điều gì tồi tệ hơn. Vậy mà bố nỡ lừa dối mẹ. Sau thời gian dài chiến tranh lạnh, bố không về nhà nữa. Anh chị con đã đi làm ăn xa, chỉ còn con bên mẹ sớm tối. Mọi việc đồng áng lớn bé trong nhà đều một tay mẹ làm. Nhiều lần tủi thân mẹ bật khóc. Con còn quá nhỏ để có thể dùng ngôn từ an ủi mẹ, chỉ lặng lẽ ôm mẹ từ sau lưng và khóc theo.

Mẹ dạy con cách sống, nghị lực, về đạo làm người. Mẹ nghiêm khắc như người bố nhưng cũng rất bao dung.

Mùa Vu lan này con chỉ đơn giản là lại về bên mẹ, chở mẹ đi chợ, nấu một bữa cơm thật ngon cùng anh chị và những đứa cháu. Cả đời mẹ đã phải chịu đựng và hi sinh quá nhiều rồi, chỉ mong mẹ được an nhiên vào lúc này. Con và anh chị sẽ cố gắng bù đắp tinh thần cho mẹ.

Bất giác con ứa nước mắt, nhớ câu hát: Rủi mai này mẹ hiền có mất đi...

Con sẽ còn bao nhiêu lần được gặp mẹ, được chở mẹ đi chợ như thế này nữa, mẹ ơi?

"Mẹ bỏ con đi, đường xa vạn dặm..." (*)

Mẹ ra đi mãi mãi bao năm nay nhưng những ký ức trong con về mẹ vẫn như mới ngày hôm qua.

Chúng con được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất miền Trung. Sau giải phóng cả gia đình dắt díu nhau vào lập nghiệp tại Đồng Nai. Tài sản của cha mẹ lúc đó chỉ có vài bộ quần áo cũ và ít tiền.

Cha mẹ phải tảo tần sớm hôm trên đồng ruộng. Con còn nhỏ, chỉ biết ăn học.

Những đêm đông lạnh lẽo, những ngày mưa dầm tầm tã, tấm áo, chiếc chăn mẹ dành hết cho chúng con. Mẹ bảo: “Các con của mẹ ngủ ngon, mai còn đi học. Mẹ không lạnh đâu". Con vô tâm, đâu hay mẹ co ro bên chúng con, ngủ lạnh suốt đêm dài.

Chúng con lớn dần nhưng bận học, ba thì đau đầu thường xuyên nên chỉ luẩn quẩn làm một số công việc trong vườn gần nhà, mẹ trở thành lao động chính dù sức khỏe đã yếu nhiều.

Rẫy nương cách xa nhà, mẹ phải lội bộ. Trên đường đi làm về, mẹ lại tìm hái nắm rau dềnh, lá chùm bao hay tranh thủ xuống sông xúc con tôm, con tép để làm thức ăn cho các con. Vất vả là vậy nhưng con chưa một lần thấy mẹ than thở, trách móc hay la mắng các con.

Năm hết tết đến, mẹ sắm sửa tươm tất cho ba ngày tết, mua cho chúng con những bộ đồ mới. Con vô tư nghĩ rằng mẹ là người lớn nên không cần mặc quần áo mới hay đi dép đẹp.

Rồi bao khó nhọc của mẹ cũng được đền đáp khi các con lần lượt thi đậu vào trường này, trường kia. Nhìn ánh mắt mẹ rạng ngời hãnh diện, con muốn chạy lại ôm mẹ thật chặt và nói rằng "Con yêu mẹ lắm!", nhưng vì lý do nào đó mà con không thể làm được.

Sức khỏe của mẹ ngày mỗi yếu đi. Những hôm đi rẫy cùng mẹ làm cỏ, cuốc đất, lâu lâu con thấy mẹ mệt rồi sờ tay lên ngực. Con hỏi thì mẹ nói: "Không sao đâu con. Chắc tại mẹ làm nhiều quá mà nghỉ ngơi ít nên mệt vậy thôi. Mẹ nghỉ chút xíu là hết mệt liền. Con đừng lo".

Mẹ không dám đi khám bệnh vì tiền thuốc thang tốn kém và thời gian điều trị thì ai sẽ làm lụng nuôi chúng con .

Lúc con ra trường và có việc làm mẹ mới chịu đi khám bệnh. Bác sĩ bảo bệnh mẹ nặng lắm rồi. Mẹ bị huyết áp cao bao năm nay, để lâu quá không chữa nên biến chứng mạch máu và thiếu máu cơ tim.

Chúng con bàn với nhau mẹ nên ở nhà lo cơm nước, việc rẫy nương thì anh em chúng con chia nhau đỡ đần. Mẹ bảo lâu nay quen lao động, bây giờ không làm thì thấy khó chịu.

Hôm con đang ở trong rẫy thì biết tin mẹ ra đi vì chứng bệnh nhồi máu cơ tim. Trời đất như sụp đổ dưới chân con. Mới hai ba hôm trước mẹ vẫn đạp tiêu vừa hái để sáng mai phơi. Mẹ ra đi ở tuổi 55.

Bé Sáu kể lại rằng trước lúc mất mẹ còn dặn con ở nhà nhớ mua cho được giống đậu xanh cao sản để kịp trỉa vào đầu vụ, nhớ để ý thằng Tân, thằng Bình coi chừng bị té vì tụi nó mới biết đi, nhớ nhắc út Thanh buổi sáng đi học mặc áo lạnh...

Mẹ ơi! Sao mẹ bỏ con đi khi con chưa kịp nói bao điều ấp ủ?

Giờ đây con đã trưởng thành, có cuộc sống gia đình hạnh phúc. Làm mẹ rồi nên còn càng thấu hiểu tình thương của mẹ hơn. Con ước gì mẹ vẫn còn sống để chúng con đền đáp công ơn trời bể. Những gì mà phận làm con chưa làm, chưa nói được, xin mẹ hiểu và tha thứ cho con!

(*) Lời ca khúc "Đường xa vạn dặm" của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Một số bài viết đã được chọn đăng:

Vu lan này con muốn về bên mẹXin mẹ đánh đòn con lần nữaCon hối hận lắm, mẹ ơi!Những mùa rau má của mẹ

Hộp thư nội dung viết "Cảm ơn mẹ!" từ ngày 27-8 đến 29-8

Bạn đọc thân mến, từ ngày 27-8 đến hôm nay (29-8), Tuổi Trẻ Online rất vui khi tiếp tục nhận được bài của các bạn đọc sau tham gia nội dung viết "Cảm ơn mẹ!": Tô Thị Mỹ Phương, Nguyễn Hồng Huy, Nguyễn Thị Hải Yến, Phan Văn Lệ, Phạm Thị Diệu Đông,Ngoc Thịnh, truongngocmai2423@..., Nguyễn Thị Hạnh, Lê Tự Việt Thắng, Lê Phước Như Ngọc, Lê Thị Tuyết Sương, BiKiTi, Hoàng Lan, Võ Thị Như Trang, Phan Xuân Hoàng, Hoàng Bích Ngọc, Lợi Mỹ Vân, Nguyễn Thị Mỹ Dung, Bùi Thị Vĩnh Hằng, Lê Đình Anh Tuấn, linhhoa09@.., Đỗ Huỳnh Hoa.

Tuổi Trẻ Online sẽ tiếp tục đăng những bài viết cảm động, những tin nhắn, file ghi âm lời chúc dành cho mẹ. Chúng tôi sẽ kết thúc nhận bài, các file ghi âm, và tin nhắn dành cho mẹ mùa Vu lan vào lúc 0g ngày 31-8 (tức 15-7 âm lịch).

Rất mong tiếp tục nhận được sự tham gia của tất cả bạn đọc để cùng góp phần tạo nên một mùa Vu lan ấm áp. Thông tin chi tiết có tại đây.

Bên cạnh đó, Tuổi Trẻ Online đang có hoạt động Sách, đĩa tặng bạn đọc mùa Vu lan. Trân trọng mời bạn đọc tham gia.

  NGUYỄN THỊ HẠNH (Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên