28/08/2012 10:16 GMT+7

Những mùa rau má của mẹ

PHẠM THỊ DIỆU ĐÔNG (huyện Tiên Phước, Quảng Nam)
PHẠM THỊ DIỆU ĐÔNG (huyện Tiên Phước, Quảng Nam)

TTO - Một mùa Vu lan nữa lại về, miền Trung mình lại bắt đầu mưa rả rích và những vất vả trong nghề nông của bố mẹ càng nhiều thêm. Cũng vì vậy mà con ghét mùa mưa lắm mẹ ạ.

"Cảm ơn mẹ!" mùa Vu lan

Những mùa rau má của mẹ

TTO - Một mùa Vu lan nữa lại về, miền Trung mình lại bắt đầu mưa rả rích và những vất vả trong nghề nông của bố mẹ càng nhiều thêm. Cũng vì vậy mà con ghét mùa mưa lắm mẹ ạ.

Vu lan này, con muốn về bên mẹXin mẹ đánh đòn con lần nữaCon hối hận lắm, mẹ ơi!

KnwGmAbe.jpgPhóng to

"Mẹ tôi - Lê Thị Huệ - trong một lần đi dự đám cưới người thân ở Quảng Nam. Chỉ những dịp đặc biệt mẹ mới mặc đẹp thế này. Chiếc áo dài mẹ mặc là món quà tôi tặng mẹ từ số tiền tôi có được khi làm nhân viên phục vụ ở nhà hàng" - Ảnh và chú thích do tác giả Phạm Thị Diệu Đông cung cấp

Mùa mưa về, mẹ lại bắt đầu lên tận rẫy xa hái rau má. Ba anh em chúng con ăn học nên người là nhờ những đồng tiền mẹ tích góp được từ những mùa rau ấy.

Mẹ thường dậy từ 3 giờ sáng, lo cơm nước, chăm đàn heo rồi vội lên rẫy, bất kể trời rét mướt. Để bớt lạnh, mẹ thường mặc những hai lớp áo mưa, lại khoác thêm "áo choàng" bằng nilông, mang ủng nhựa. Những hôm gió to, chiếc "áo choàng" lại bay loạn xạ, con thường trêu: “Mẹ giống... hiệp sĩ chém gió quá!”. Mẹ mắng yêu: “Tổ cha mày” rồi mẹ cười, hai khóe mắt cong lên. Mẹ biết không, với con nụ cười ấy thật hiền dịu, ấm áp biết bao!

Năm cấp III con phải trọ học trường huyện. Mỗi cuối tuần về nhà, cầm số tiền bán rau mẹ cho mà chạnh lòng thương mẹ. Mẹ còn thường dành cho con túi rau má non nhất và dặn dò: “Con mang lên phòng trọ mua thêm tí thịt, nấu canh ăn cho có sức mà học!”. Con biết ở nhà bữa canh của bố mẹ chỉ có rau má nấu chung với gói mì tôm, bữa cơm trưa của mẹ trong những ngày đi hái rau là gói cơm nguội ngắt ăn với muối vừng hay ít cá khô.

Những ngày mùa đông, ngồi học trrong căn phòng ấm cúng, nghe gió lùa qua cửa sổ, nghĩ tới mẹ giờ này lặn lội nơi rẫy xa, một tay vạch cỏ hái từng lá rau má, tay kia cố xua đuổi lũ vắt rừng đang thi nhau hút máu, lòng con thương mẹ biết bao.

Dù “hiệp sĩ mẹ” đã mang theo “vũ khí” là gói muối bọc bằng mảnh vải để xua vắt, nhưng con biết cuối ngày khi đi về trên người mẹ vẫn đầy những vết cắn bởi làm sao tránh được lũ vắt rừng nhiều vô số kể vào mùa mưa.

Những hôm bão lớn, con lo lắng gọi điện thoại bảo mẹ đừng đi hái rau. Mẹ "ừ" cho con an lòng nhưng con biết mẹ vẫn đi để tích góp tiền cuối tuần cho con.

Có hôm trời mưa to, mẹ cõng bao rau má cố bước qua mương nước nên trượt chân chới với. Bao rau trên vai mẹ tuột xuống, trôi theo dòng nước. Mẹ kể lúc đó mẹ tiếc đứt ruột, chỉ muốn chạy theo dòng nước vớt bao rau. Nhưng tình thương và trách nhiệm với bầy con khiến mẹ nhận ra thà bỏ bao rau chứ nếu có chuyện gì không may thì ai nuôi con của mẹ! Nghe mẹ kể, con quay lưng giấu những giọt nước mắt và thầm cảm ơn cuộc đời vì mẹ vẫn bình an.

Những mùa rau má cũng qua đi. Đứa con gái út của mẹ giờ đã là sinh viên đại học. Những ngày này không khí Vu lan về trên từng nẻo đường. Con lại nhớ những mùa rau nuôi con lớn khôn. 21 tuổi rồi mà con vẫn còn nhõng nhẽo với mẹ, vẫn chưa làm gì được cho mẹ.

Con chỉ biết cố gắng học thật tốt, mong sao ra trường có công việc ổn định để có thể phụng dưỡng bố mẹ, để ngày nào cũng là ngày Vu lan báo hiếu. Để những mùa mưa về, "hiệp sĩ chém gió" của con không phải lặn lội với những mùa rau nữa!

PHẠM THỊ DIỆU ĐÔNG (huyện Tiên Phước, Quảng Nam)

Bức ảnh con chụp lén mẹ

rAz49KWG.jpgPhóng to

"Bức ảnh này con chụp lén mẹ khi mẹ chặt hom mía bên sông Huyện Sử, xã Trí Phải, huyện Thới Bình, Cà Mau" - Ảnh và chú thích do tác giả Nguyễn Hồng Huy cung cấp

Bức ảnh này là con chụp lén mẹ khi mẹ chặt hom mía. Mỗi lần xem ảnh con lại nhớ những điều mẹ dạy: "Ráng làm, ráng nên người, nghen con".

Mẹ ơi, con trai của mẹ năm nay 22 tuổi rồi, đã biết suy nghĩ, đã chín chắn hơn rồi. Mẹ đừng lo lắng cho con nhiều nữa, mẹ nhé.

Con nhớ năm con học lớp 6, con sốt cao, mẹ cõng con đi một đoạn đường rất xa đến nhà bà Tư để khám và mua thuốc. Con nhớ những ngày mẹ ráng đi làm để có tiền cho con đi học, mua món này món nọ cho con bằng bạn bằng bè. Con nhớ khi con vào đại học, mẹ không mua điện thoại cho con vì sợ con không tập trung học hành. Vậy mà con đã buồn rồi tỏ thái độ khó chịu với mẹ. Con xin lỗi mẹ!

Con cứ nghĩ vì là con trai nên ít khi con thể hiện tình cảm với mẹ. Nhưng con sai rồi. Từ rất lâu rồi con muốn nói mẹ rằng: “Mẹ ơi, con thương mẹ lắm!”.

Mời tham gia nội dung viết "Cảm ơn mẹ!"

Bạn đọc thân mến, mùa Vu lan báo hiếu đã về, hẳn bạn đang có bao lời yêu thương muốn nói, có bao điều muốn dành cho mẹ hay những ký ức về mẹ đang khiến trái tim bạn bồi hồi nhớ thương.

Tuổi Trẻ Online mời bạn tham gia nội dung viết "Cảm ơn mẹ!" để cùng sẻ chia những cảm xúc ấy.

Bài viết tham gia vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu, không quá 800 chữ, có thông tin tác giả, viết về một trong những nội dung sau: kỷ niệm mùa Vu lan, những điều bạn dự định dành cho mẹ trong mùa Vu lan này, một kỷ niệm về mẹ đã nâng đỡ bạn khi bạn gặp khó khăn.

Rất hoan nghênh các bài viết có gửi kèm hình ảnh người mẹ của chính tác giả (vui lòng chú thích rõ ảnh khi gửi kèm). Bài được chọn đăng sẽ có nhuận bút.

Ngoài nội dung bài viết, bạn đọc còn có thể gửi những tin nhắn yêu thương dành cho mẹ. Các tin nhắn viết bằng tiếng Việt có dấu, không quá 100 chữ.

Bạn cũng có thể thu âm những điều muốn nói với mẹ nhân dịp Vu lan. File âm thanh cần có định dạng .mp3, dài không quá 2 phút.

Các bài viết, tin nhắn, file ghi âm vui lòng gửi về email tinhyeuloisong@tuoitre.net.vn từ nay đến hết ngày 31-8-2012 (tức 15-7 âm lịch). Riêng file ghi âm, bạn đọc còn có thể cung cấp đường dẫn để tải file.

Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ email tinhyeuloisong@tuoitre.net.vn .

Tuổi Trẻ Online chào đón sự tham của tất cả bạn đọc để cùng góp phần tạo nên một mùa Vu lan ấm áp.

PHẠM THỊ DIỆU ĐÔNG (huyện Tiên Phước, Quảng Nam)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên