07/04/2018 14:08 GMT+7

‘Vụ Facebook’ cho thấy ta đang ‘chia sẻ quá nhiều và nghĩ quá ít’?

ĐỖ DƯƠNG
ĐỖ DƯƠNG

TTO - Khi Facebook thừa nhận có thể tất cả hơn 2 tỉ người dùng hiện đang bị khai thác dữ liệu ngoài ý muốn, điều đó nên được hiểu như một thông điệp cảnh báo quan trọng với mọi cư dân mạng.

‘Vụ Facebook’ cho thấy ta đang ‘chia sẻ quá nhiều và nghĩ quá ít’? - Ảnh 1.

Chiếc laptop với logo Facebook được đặt cạnh tấm biển công ty Cambridge Analytica trong lối đi vào tòa nhà có văn phòng của công ty Cambridge Analytica ở trung tâm London ngày 21-3 - Ảnh: GETTY IMAGES

Theo đài CBS, thực tế, thông điệp cảnh báo này không chỉ hạn chế ở việc bạn cần thận trọng hơn với những gì chia sẻ trên mạng xã hội, mà còn cả với những thông tin cung cấp cho các ứng dụng và các trò trắc nghiệm online khác.

"Mọi người đang cung cấp lượng thông tin cá nhân đủ để tạo thành một danh tính mới, và bạn không thể trông chờ chính phủ liên bang, hay các công ty, bảo vệ nó", ông Steven Bearak, tổng giám đốc điều hành công ty Identity Force nêu quan điểm.

Nghĩ trước khi "share"

Trên thực tế, liên tiếp vài tháng qua, người dùng tiếp nhận hàng loạt thông tin không vui về chuyện thông tin cá nhân của họ bị thao túng và lạm dụng ra sao trong cả hoạt động chính trị lẫn các lĩnh vực đời sống.

Tuy nhiên rất ít người biết rằng các vụ rò rỉ dữ liệu mà họ nghe nói tới mới chỉ là một phần trong tổng thể thực trạng lớn hơn nhiều.

Theo trung tâm ITRC (Identity Theft Resource Center - một tổ chức phi lợi nhuận chống đánh cắp danh tính), chỉ trong 3 tháng đầu năm 2018 đã xảy ra hơn 270 vụ xâm nhập, đánh cắp dữ liệu đã được xác thực.

Với hầu hết các vụ đó, ngay cả một số vụ ảnh hưởng tới hàng triệu người dùng, các công ty cũng không bị yêu cầu phải công bố quy mô hay mức độ nghiêm trọng của vụ việc.

"Chúng tôi hiểu rằng những vụ rò rỉ dữ liệu được công khai phải đạt một tiêu chuẩn nào đó để buộc phải công bố theo luật, nhưng đó là tất cả những gì chúng ta biết", bà Eva Velasquez, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của ITRC tại San Diago nói.

"Họ thậm chí không cần nói cho bạn biết thông tin nào đã bị thao túng. Và điều đó thực sự quan trọng. Nếu thông tin số thẻ tín dụng bị thao túng, tôi sẽ hướng dẫn bạn những việc phải làm để tự bảo vệ mình khác với khi thông tin bị thao túng là số An sinh xã hội", bà Eva Velasquez nói tiếp.

Vì quy mô tiếp cận dữ liệu của Facebook là rất lớn nên theo các chuyên gia, việc công khai những lỗ hổng về quyền riêng tư của mạng xã hội này sẽ giúp mọi người hiểu rõ hơn đâu là những dữ liệu họ đã vô tình chia sẻ.

"Chúng ta đang chia sẻ quá nhiều và suy nghĩ quá ít’, bà Velasquez nhận định.

Chẳng hạn, rất nhiều người sẵn sàng tham gia một trò vui trắc nghiệm trên Facebook, hay copy và paste tin nhắn của một người bạn hối thúc bạn "hãy chia sẻ nếu bạn đã từng chịu ảnh hưởng của bệnh ung thư" hay "nếu bạn có một cô con gái bạn yêu thương", hoặc "nếu bạn biết ai đó từng bị bệnh tinh thần"…..

Theo ông Chet Wisniewski, nhà nghiên cứu tại công ty bảo vệ dữ liệu và bảo mật máy tính Sophos (Anh), tất cả những thứ này đều có thể là sản phẩm "cài cắm" của các chuyên gia "đào mỏ dữ liệu".

Họ muốn thu thập được những thông tin chi tiết về việc bạn là ai, bạn sống thế nào và bạn sẽ phản hồi với những kiểu thông tin gì.

"Với nhiều người, việc được liên lạc với bạn bè và người thân trên khắp thế giới qua Facebook thực sự là khoảnh khắc thay đổi cuộc đời. Nhưng đáng buồn là ở chỗ luật chơi là bạn phải cung cấp toàn bộ thông tin cá nhân để đổi lấy quyền sử dụng những dịch vụ này", ông Chet Wisniewski nói.

Tệ hơn nữa là một số thông tin bạn "cho đi" cũng chính là những thông tin các ngân hàng thường dùng để xác minh nhân thân của bạn, như ngày tháng năm sinh chẳng hạn.

Và rất nhiều câu hỏi trong trò chơi trắc nghiệm cũng tương ứng với các câu hỏi bảo mật mà ngân hàng hay các công ty dịch vụ tài chính thường dùng để giúp bạn lấy lại mật khẩu trong trường hợp quên như: Bạn thân nhất của bạn là ai?, Tên thú cưng đầu tiên của bạn?, Bạn lớn lên ở phố nào?....

Với việc cung cấp quá nhiều những thông tin như vậy, bạn đang trao cho kẻ xấu (vốn đầy rẫy trên mạng) chiếc chìa khóa cuối cùng để có thể "đột nhập" vào đời sống tài chính của mình.

Hành động

Mặc dù bạn không thể kiểm soát những chuyện sẽ xảy ra với các thông tin đã bị khai thác và bán, nhưng bạn có thể thực hiện các bước cần thiết để giảm bớt những tổn thất không đáng có cho mình trong các vụ đánh cắp dữ liệu có thể xảy đến trong tương lai.

Chuyên gia Chet Wisniewski khuyến cáo bạn nên xóa bỏ mọi thông tin trên Facebook mà bạn không muốn lọt vào tay kẻ xấu, trong đó có ngày tháng năm sinh.

Nếu bạn không muốn xóa bỏ thông tin này, bởi bạn yêu thích những lời chúc tụng sinh nhật, thì chí ít cũng phải chỉnh sửa lại các cài đặt quyền riêng tư.

Đừng quên xem xét kỹ các cài đặt cung cấp thông tin cho những ứng dụng bên ngoài kết nối với Facebook.

Để cài đặt chế độ bảo mật thông tin cá nhân, bạn bấm vào nút mũi tên thả xuống ở góc trên bên phải màn hình trong giao diện Facebook, bấm chọn Settings, chọn "Privacy" và tiếp tục có những lựa chọn khác liên quan tới cách chia sẻ thông tin của mình.

Sau khi cài đặt chế độ riêng tư, bạn cũng nên chuyển sang phần "Apps and Websites" để xem những ứng dụng nào đang kết nối với tài khoản Facebook rồi quyết định để/xóa cái nào theo ý bạn.

ĐỖ DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên