30/03/2025 10:02 GMT+7

Vụ bắt cóc bí ẩn và những niềm tin mù quáng

Có những bộ phim kết thúc khi màn hình tắt. Nhưng cũng có những bộ phim vẫn mãi ám ảnh ta sau dòng credit cuối cùng. Khải Thị thuộc về nhóm thứ hai.

Vụ bắt cóc bí ẩn và những niềm tin mù quáng - Ảnh 1.

Ryu Jun Yeol từng gây ấn tượng trong phim truyền hình đình đám Reply 1988 - Ảnh: NETFLIX

Khải Thị (Revelations) không bắt đầu câu chuyện kinh dị, tâm lý tội phạm bằng zombie hay những hình ảnh máu me, ám ảnh. 

Bộ phim mới nhất của đạo diễn Yeon Sang Ho - người từng đứng sau thành công của Train to Busan (2016) - mở ra trước mắt ta một thế giới nơi mỗi con người đều đang sống trong bi kịch của chính mình. 

Ở đó ta nhìn thấy một người cha mất con, một người chị mất em gái, một con người bình thường cứ trôi dạt khỏi thực tại, mang theo những "dấu chỉ" mà chỉ họ tin rằng nó đến từ Chúa.

Và trong thế giới nhập nhằng ấy, ranh giới giữa công lý và hoang tưởng, giữa đức tin và ảo giác, giữa kẻ có tội và người trừng phạt… cũng đang trên bờ vực bị xóa mờ. 

Xem Khải Thị, khán giả không chỉ bị cuốn vào một vụ bắt cóc bí ẩn mà còn bị mắc kẹt trong một vòng xoáy của sự tổn thương, phán xét, sự im lặng chết người của những niềm tin mù quáng.

Vụ bắt cóc bí ẩn và những niềm tin mù quáng - Ảnh 2.

Khải Thị là một bộ phim có nhiều lớp ý nghĩa về niềm tin, nỗi đau và sự phán xét - Ảnh: NETFLIX

Mỗi nhân vật là mỗi bi kịch trong Khải Thị

Trái ngược với Train to Busan, một bộ phim hành động, sinh tồn, zombie với nhịp phim nhanh và kịch tính, Khải Thị là một tác phẩm chậm rãi, trầm tối, đào sâu vào tâm lý con người. 

Thay vì đẩy các nhân vật vào đường cùng, bắt họ phải chạy trốn để sống sót giữa hỗn loạn, lần này Yeon Sang Ho lại buộc các nhân vật của ông đối mặt với chính mình.

Nhân vật chính Min Chan (Ryu Jun Yeol) là một mục sư đang mất niềm tin trong cuộc sống. Vợ ngoại tình, con mất tích, anh buộc phải bám víu vào đức tin với Chúa để chống lại sự sụp đổ tinh thần.

Tuy nhiên những tổn thương và sự cô đơn khó phá vỡ này cũng chính là điều đẩy anh vào căn bệnh hoang tưởng suy diễn. 

Min Chan tin tưởng tuyệt đối vào những gì anh suy luận ra, gán cho chúng ý nghĩa chủ quan, không thực tế dù nó hoàn toàn sai lệch.

Trái ngược với Min Chan, nhân vật Yeon Hee (Shin Hyun Been) dù cũng mang trong mình vết thương chưa lành, song cô vẫn chọn giữ bình tĩnh, lắng nghe và suy ngẫm.

Nhân vật này đại diện cho tiếng nói của công lý, dù công lý không phải lúc nào cũng đến từ luật pháp. 

Yeon Hee chính là hình ảnh phản chiếu của Min Chan. Cùng trải qua đau đớn, nhưng một người được giữ lại bởi lý trí, còn một người lại buông tay cho ảo tưởng. 

Tác phẩm cho thấy rằng mất mát không phải là kết thúc mà chính cách ta chọn đối diện với nó mới định đoạt ta sẽ trở thành người như thế nào.

Vụ bắt cóc bí ẩn và những niềm tin mù quáng - Ảnh 3.

Yeon Hee nhiều tổn thương nhưng cũng mạnh mẽ và lý trí - Ảnh: NETFLIX

Yang Rae (Shin Min Jae) - tên tội phạm tình dục vừa mãn hạn tù - xuất hiện trong phim ở những ranh giới mập mờ. Gã có thật sự là kẻ giết người? Gã vô tội hay bị buộc tội? Hay gã là nạn nhân của định kiến, quá khứ tội lỗi và niềm tin áp đặt?

Việc Yang Rae chưa bao giờ đưa ra lời thừa nhận tội ác đã biến nhân vật này thành tấm gương phản chiếu nỗi sợ của xã hội: rằng bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể bị gán tội chỉ vì cảm xúc hoặc nhận định sai lầm của người khác.

Thông điệp suy ngẫm

Khải Thị không phải là một bộ phim chống tôn giáo, nhưng nó cho thấy tác hại và sự nguy hiểm của niềm tin mù quáng. Min Chan không phải là người độc ác, anh chỉ quá đau đớn để phân biệt được những điều thật giả.

Phim nói với ta rằng không phải cứ ai đau khổ, bất hạnh là có quyền trừng phạt người khác. Và không phải cứ ai im lặng đều là đang mang theo tội lỗi. Vì công lý không thuộc về riêng ai, nên không ai có quyền được nhân danh công lý để làm điều sai trái.

Vụ bắt cóc bí ẩn và những niềm tin mù quáng - Ảnh 4.

Khải Thị đánh dấu sự lột xác trong phong cách của đạo diễn Yeon Sang Ho - Ảnh: NETFLIX

Khải Thị cũng không có phản diện rõ ràng, chỉ có những con người mang trong mình những vết sẹo khó phai, đang cố đi tìm ý nghĩa cuộc sống trong môi trường hỗn loạn. 

Phim không có cao trào rực lửa, không có cú twist ngoạn mục, mà chỉ lặng lẽ dẫn ta bước vào vùng xám của đạo đức, nơi ánh sáng và bóng tối không còn ranh giới cách biệt.

Yeon Sang Ho sau những phim hành động gay cấn, náo nhiệt, chọn quay trở về với một tác phẩm lặng, lạnh và đầy khoảng trống, nhưng chính khoảng trống đó mới buộc người xem phải lấp đầy bằng những suy nghĩ của mình.

Vì bên trong mỗi chúng ta, ai cũng đều có thiên kiến xác nhận, có những nỗi đau chưa gọi thành tên.

Khải Thị chiếu trên Netflix và hiện đứng top 1 phim được xem nhiều nhất ở Việt Nam.

Khải Thị: Khi đức tin trở thành gông cùm - Ảnh 5.Ký sinh thú của đạo diễn Train to Busan có hơn bom tấn sinh tồn của Park Seo Joon?

Parasyte: The Grey (Ký sinh thú: Vùng xám) đưa ra thông điệp về sự đấu tranh của con người khi bị đẩy vào những hoàn cảnh khốn cùng và cái giá phải trả của việc đánh mất lương tâm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên