UBND quận Thanh Khê đã tổ chức cuộc họp gấp với 200 cơ sở mầm non trên địa bàn sau vụ bạo hành - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG
Chiều 23-5, UBND quận Thanh Khê đã có cuộc làm việc gấp với gần 200 cơ sở mầm non trên địa bàn sau vụ bạo hành trẻ tại cơ sở Mẹ Mười.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương - phó trưởng phòng GD-ĐT quận Thanh Khê, cho biết tổng số trẻ trên địa bàn quận năm học 2017-2018 là hơn 9.818 trẻ. Bà Hương kiến nghị UBND quận chỉ đạo UBND các phường cần cân nhắc trong quá trình xét duyệt hồ sơ và cho phép hoạt động đối với cơ sở mới xin thành lập.
Thực tế hiện nay hầu hết các nhóm lớp đều đi thuê phòng học trong nhà dân, sân vườn không có, phòng học nhỏ. Trình độ giáo viên, chủ các nhóm lớp độc lập tư thục chưa được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, chủ yếu là mới bồi dưỡng qua các lớp chuyên môn nghiệp vụ nên còn hạn chế.
"Cần xem xét đến việc đề nghị chủ nhóm lớp phải có chuyên môn mầm non ít nhất từ 3 năm trở lên và có chứng chỉ quản lý mầm non; diện tích mở trường, nhóm lớp phải đảm bảo…", bà Hương đề xuất.
Bà Hương cũng đề nghị tăng cường kiểm tra các nhóm lớp độc lập tư thục, xử lý nghiêm, rút giấy phép đối với các cơ sở vi phạm bạo hành trẻ, cắt xén khẩu phần ăn…
Ông Ngô Chính Công - phó chủ tịch UBND phường Chính Gián, nơi cơ sở Mẹ Mười hoạt động, nói: "Trách nhiệm địa phương chúng tôi không chối cãi. Nhưng toàn diện phải thấy lỗi là của cả xã hội, có cả một hệ thống: chương trình đào tạo của Bộ GD-ĐT như thế nào.
Vì hiện nay có nhiều giáo viên tốt nghiệp mầm non lý thuyết đầy đủ nhưng kỹ năng thực hành yếu, cách đút ăn, cách dỗ dành như thế nào, kiềm chế không được là đánh thôi.
Ngoài ra còn có lỗi của gia đình, lúc nào cũng kỳ vọng con vào trường phải ăn nhiều, ngủ nhiều, một tháng lên bao nhiêu ký. Như bà Hồng (chủ cơ sở nhóm trẻ Mẹ Mười) đã nói: phụ huynh nhờ bà ép cho con ăn giùm".
"Nói kiểm tra bao nhiêu thì đủ, một tháng 1 lần, một ngày 1 lần cũng không đủ. Kiểm tra 5-7 phút mình đi qua, còn họ giữ trẻ từ sáng tới chiều, lúc bộc phát đánh thì sao?", ông Công thêm.
Ông Ngô Chính Công - phó chủ tịch UBND phường Chính Gián, cầm tờ giấy cam kết không bạo hành mà các cơ sở mầm non đều đã ký chiều 23-5 - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG
Ông Công cũng cho biết: "Phường mời 11 nhóm trẻ trên địa bàn tới làm việc, nhiều cô khóc nói: Nghề chúng tôi làm như vậy nhiều khi ăn cám trả vàng. Tôi trao đổi rằng làm giáo dục phải có tâm, mà đặc biệt là giáo dục mầm non phải có tâm hơn. Phải đủ yêu nghề, yêu trẻ thì mới làm được.
Mà yêu trẻ, mến trẻ thì tôi tin chắc khi mình nóng một chút cũng kiềm chế được. Còn nếu không yêu trẻ thôi chuyển nghề đi. Chính các cô là người rất đau lòng, một con sâu làm rầu nồi canh, đi ra không dám nói chúng em giữ trẻ".
Ông Nguyễn Văn Tĩnh - chủ tịch UBND quận Thanh Khê cho rằng: "Phải yêu nghề, yêu trẻ và có kỹ năng mới tránh xảy ra những hành vi tương tự, những hành vi mà xã hội lên án. Liệu ngoài Mẹ Mười còn cơ sở nào khác nữa không? Quan trọng vẫn là cái tâm của giáo viên, nếu không có tâm thì kiểm tra, giám sát kiểu trời chi cũng xảy ra bạo hành".
Ông Tĩnh yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra thường xuyên trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ giáo viên, các cơ sở phải lắp đặt camera giám sát trước ngày 24-6. Phường nào để xảy ra bạo hành như vụ Mẹ Mười, chủ tịch phường phải chịu trách nhiệm trước chủ tịch quận.
Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online, hiện chủ tịch UBND quận Thanh Khê đã giao Phòng nội vụ tham mưu biện pháp xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan việc để xảy ra bạo hành trẻ em tại cơ sở Mẹ Mười.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận