13/12/2024 05:46 GMT+7

Vụ án mạng 25 năm vẫn chưa ngã ngũ: Đình chỉ từ năm 2001 nhưng bị can không hề biết?

Năm 1999, ông Nguyễn Hồng Phước (69 tuổi, quê Kiên Giang) bị khởi tố, đến năm 2001 được đình chỉ bị can. Đáng nói bản thân ông không hề hay biết gì về sự tồn tại của quyết định đình chỉ này.

'Vụ án mạng 25 năm vẫn chưa ngã ngũ': Đình chỉ từ năm 2001 nhưng bị can không hề biết? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hồng Phước khẳng định không nhận được quyết định đình chỉ bị can - Ảnh: TUYẾT MAI

Và vì cho rằng mình vẫn là bị can nên ông Phước cứ miệt mài cầu cứu khắp các cơ quan ban ngành với mong muốn được khôi phục đầy đủ quyền của một công dân.

Đây là một trong những trường hợp đầy cay đắng mà Tuổi Trẻ nhắc tới trong tuyến bài "Những bị can bị lãng quên".

Đã có quyết định đình chỉ từ 23 năm trước

Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, liên quan quá trình ông Phước khiếu nại, ngày 8-3 vừa qua, Viện KSND tỉnh Kiên Giang đã có công văn gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh này để trả lời kết quả giải quyết khiếu nại của ông Phước.

Nội dung công văn nêu: Sau khi được TAND tỉnh Kiên Giang ký quyết định trả tự do vào ngày 11-9-2001, ông Nguyễn Hồng Phước nhiều lần làm đơn yêu cầu giải quyết vụ án để giải oan cho ông nhưng đến nay không được các cơ quan pháp luật giải quyết.

Sau khi xem xét nội dung đơn khiếu nại kêu oan của ông Nguyễn Hồng Phước, Viện KSND tỉnh Kiên Giang nhận thấy:

Khoảng 18h ngày 13-6-1999, do mâu thuẫn nên Nguyễn Thị Bích Thủy và Nguyễn Thị Mộng Tuyền đánh nhau. Nguyễn Hồng Phước và Nguyễn Thị Liên là cha mẹ Thủy đi đến thấy sự việc… 

Liên đi đến nắm tóc đánh Tuyền nên anh Trịnh Út Phương la lên, ngăn cản. Nghe tiếng la, Nguyễn Văn Thu đi ra chỗ đánh nhau thì bị Đặng Giải Phóng (chồng Thủy) đá hai cái, ông Thu về nhà. Đến 20h cùng ngày thì ông Thu bị chết trên đường đi cấp cứu do xuất huyết nội.

Trong quá trình điều tra, một số lời khai (phía bị hại) có khai: Khi ông Thu đi tới, Nguyễn Hồng Phước đá ông Thu ngã lăn xuống đất nhưng nhiều lời khai khác (phía bị can) phủ nhận và khẳng định ông Phước không đá ông Thu. Bản thân ông Phước không nhận tội.

Vì vậy chưa có cơ sở vững chắc để kết luận ông Phước đá ông Thu, mà chỉ có căn cứ kết luận ông Phước có hành vi "không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng".

Mặt khác trong vụ án này đã xét xử ông Đặng Giải Phóng về tội giết người (án đã có hiệu lực pháp luật), thời hạn điều tra đã hết đối với ông Nguyễn Hồng Phước nên Viện KSND tỉnh Kiên Giang đã đình chỉ bị can đối với ông Phước theo quyết định đình chỉ bị can số 06/KSĐT-TA ngày 26-11-2001 theo quy định tại điều 143b Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1992.

Nội dung trả lời trên trùng khớp với nội dung mà quyết định đình chỉ bị can số 06/KSĐT-TA ngày 26-11-2001 của viện trưởng Viện KSND tỉnh Kiên Giang mà Tuổi Trẻ thu thập được.

'Vụ án mạng 25 năm vẫn chưa ngã ngũ': Đình chỉ từ năm 2001 nhưng bị can không hề biết? - Ảnh 2.

Quyết định đình chỉ bị can và công văn Viện KSND tỉnh Kiên Giang gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh - Ảnh: H.ĐIỆP

"Không lẽ họ chờ tôi chết..."

"Không lẽ họ chờ tôi chết rồi mới công bố?", ông Nguyễn Hồng Phước bất ngờ khi được hỏi về quyết định đình chỉ bị can trên.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 3-12, con ông Phước cho biết cha mình đang bệnh nặng, phần do tuổi cao sức yếu nên gần như phần lớn thời gian của ông nằm trên giường bệnh.

Phần mình, ông Phước khẳng định trong hành trình 23 năm đi kêu oan của mình, chưa bao giờ ông được giải thích như nội dung công văn mà Viện KSND tỉnh Kiên Giang gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh này dù ông đã nhiều lần gửi đơn, thư cũng như lui tới hai cơ quan này. 

"Tôi không hề hay biết về quyết định đình chỉ bị can, tại sao đã đình chỉ từ 2001 nhưng không ai nói cho tôi biết, tại sao không tống đạt cho tôi? Đó là quyền công dân, đó là thân phận pháp lý của tôi, sao lại giấu tôi? Sao lại bỏ mặc tôi kêu oan suốt hai mươi mấy năm nay?", ông Phước bức xúc.

Từ trên giường bệnh, ông Phước cho biết khi sức khỏe tiến triển tốt hơn sẽ tiếp tục "gõ cửa" các cơ quan hữu quan để đòi bằng được quyết định đình chỉ của mình.

Sửng sốt khi đọc bài báo

Sau khi bài "Vụ án mạng 25 năm chưa ngã ngũ" được báo Tuổi Trẻ đăng tải, ông Bùi Đặng Dũng (đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang khóa XII, XIII, XIV) đã đọc được bài báo.

Ông Dũng cho biết với tư cách từng là đại biểu Quốc hội thuộc đoàn Kiên Giang, ông rất sửng sốt khi đọc thông tin trên.

Bởi trong suốt thời gian làm đại biểu Quốc hội thuộc đoàn Kiên Giang, ông Dũng không hề biết chút gì thông tin của vụ án này, cũng không nhận được đơn nào của ông Phước.

Với trách nhiệm của người từng làm đại biểu của tỉnh Kiên Giang, ông Dũng đã tìm hiểu và thu thập được văn bản đình chỉ bị can đối với ông Phước do Viện KSND tỉnh Kiên Giang ban hành năm 2001 và văn bản của viện này gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang (phát hành năm 2024) trả lời về vụ án.

Ông Dũng chuyển hai văn bản đó cho báo Tuổi Trẻ và ông càng bất ngờ hơn trước thông tin ông Phước không hề nhận được quyết định đình chỉ bị can cũng như thông tin liên quan đến việc đình chỉ này.

Nói với Tuổi Trẻ, ông Dũng cho rằng các cơ quan liên quan cần có cách xử lý thỏa đáng, bởi đây là thân phận pháp lý của công dân, không thể để họ mỏi mòn khiếu nại mà không có câu trả lời.

Trong khi đó ngày 12-12, ông Cao Văn Hoàng - trưởng phòng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự về trật tự xã hội, kinh tế Viện KSND tỉnh Kiên Giang - xác nhận năm 2001 Viện KSND tỉnh Kiên Giang đã có quyết định đình chỉ bị can đối với ông Nguyễn Hồng Phước. Nhưng trong hồ sơ không có biên bản giao quyết định đình chỉ này cho ông Phước.

Thân phận bị can "lơ lửng trên đầu" suốt 25 năm

Như Tuổi Trẻ đã thông tin, ngày 6-12-1999 TAND tỉnh Kiên Giang xử phạt ông Phước 16 năm tù, phạt ông Phóng 10 năm tù về tội cố ý gây thương tích.

Ông Phước kháng cáo kêu oan, cho rằng mình không tham gia vào cuộc ẩu đả vì ông Phước biết ông Thu bị xơ gan nặng, yếu ớt. Hơn nữa ông Phước bị sái khớp xương đùi, chân trái ngắn hơn chân phải (có biên bản giám định khả năng lao động của hội đồng giám định y khoa) nên không thể đá ông Thu té lăn làm ngã cột cờ như cáo buộc.

Cũng sau phiên tòa sơ thẩm, ba người ở cùng xóm đã gửi đơn đến tòa phúc thẩm cho rằng ông Phước bị oan và từng xin được ra trước tòa để làm chứng.

Ngày 21-7-2000, tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM mở phiên xử phúc thẩm, quyết định hủy một phần bản án sơ thẩm nội dung đã xét xử đối với ông Phước để điều tra lại.

Sau đó, TAND tỉnh Kiên Giang ra quyết định trả lại tự do cho ông Phước, chờ điều tra và xét xử lại. Tuy nhiên cho đến nay, phía cơ quan điều tra không có bất kỳ một động thái nào cho thấy có thể đi đến giải quyết dứt điểm vụ án.

'Vụ án mạng 25 năm vẫn chưa ngã ngũ': Đình chỉ từ năm 2001 nhưng bị can không hề biết? - Ảnh 3.Những bị can bị lãng quên - Kỳ 2: Vụ án mạng 25 năm vẫn chưa ngã ngũ

Tự do đối với nhiều người không chỉ là việc thoát khỏi lao tù, thứ mà họ khao khát là tìm lại thân phận pháp lý thực sự của mình, là kết luận của các cơ quan tiến hành tố tụng về việc họ có phạm tội hay không khi thân phận bị can kéo dài mãi.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên