20/11/2016 10:48 GMT+7

Voi Tây nguyên kêu cứu - Kỳ cuối: Ở lại với Bản Đôn

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Từ đầu năm đến nay, du khách và người đến Bản Đôn thường tìm đường tới trạm cứu hộ voi nằm bên cánh rừng dầu sát con đường xuyên qua Vườn quốc gia (VQG) Yok Đôn.

Chú voi Gold đang được nuôi dưỡng ở Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk - Ảnh: B.D.
Chú voi Gold đang được nuôi dưỡng ở Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk - Ảnh: B.D.

Ở đấy, các nhân viên suốt ngày bận bịu với chú voi con đang còn bú sữa vừa được đưa về từ rừng già. Chú voi con mới 5 tháng tuổi ấy được đặt tên là Gold - nghĩa là “vàng”.

Các tình nguyện viên nuôi dạy Gold nói rằng vàng bây giờ có thể mua được nhưng sinh mệnh những con voi như Gold thì có tiền cũng không thể sở hữu.

Việc Gold sống sót là minh chứng sống động về sự nguy cấp của đàn voi Tây nguyên và cũng là nỗ lực vô bờ bến của tình yêu voi của đội ngũ y bác sĩ, tình nguyện viên tại Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk.

Chú voi con ở Bản Đôn

Y Thiện - cán bộ Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk - dẫn chúng tôi ra chuồng nơi nhốt voi Gold. Chuồng được đóng bằng những cây gỗ cỡ cổ tay, mỏng manh nhưng voi Gold không đoái hoài đến việc phá cửa mà mê mẩn với mấy món đồ chơi được các tình nguyện viên tự tạo.

Y Thiện vừa gỡ tấm lưới ngăn ở lối vào chuồng gỗ, ngay lập tức Gold nhảy cẫng, tót ra khỏi chuồng và chui thẳng vào dãy nhà nơi các y bác sĩ đang ở tạm rồi dùng vòi lục tung đồ đạc.

Gold được phát hiện và cứu hộ ngày 23-8-2016 khi đang kêu la thảm thiết dưới một hố nước đào của người dân ở rừng Chư Ma Lanh (huyện Ea Súp, Đắk Lắk).

Để đưa được Gold lên, cán bộ cứu hộ cùng hàng chục người dân phải luồn dây thòng lọng xuống bụng cậu ta để kéo lên. Sau đó, trung tâm đã chở Gold vào rừng để tiếp cận với đàn voi mẹ.

Sau nhiều ngày đêm chờ voi mẹ tới nhưng mọi nỗ lực đều là con số không. Đàn voi rừng không cho Gold nhập đàn. Nhờ vậy, Gold mới được đưa về nuôi nhốt tại trạm cứu hộ voi. Từ đây, cùng với con voi Jun được cứu hộ năm ngoái, Gold sẽ ở lại với Bản Đôn, ở lại với con người.

Các y bác sĩ tại Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk cho biết dù nặng tới nửa tấn nhưng Gold vẫn đang là một đứa trẻ. Chưa ăn được cỏ, lá cây nên mỗi ngày Gold uống tới ba hộp sữa bột loại lớn. Phải xa mẹ khi còn quá nhỏ, tâm tính Gold cũng khác thường, hay giật mình và la rống giữa đêm.

Trong trạm cứu hộ, lịch ăn uống, thực đơn của Gold được lên một công thức sẵn, rất chặt chẽ về giờ giấc: 6g uống sữa, 6g30 ăn cùi dừa, 8g uống nước gạo, 9g ăn chuối chín, từ 8g-10g cho ra ngoài đi dạo, 10g về uống sữa, 11g uống nước gạo...

Mỗi ngày riêng tiền sữa cho Gold đã mất ngót nghét 1 triệu đồng, rồi tiền hoa quả, tiền đồ chơi... Từ ngày có Gold, anh em trong trạm phải thay nhau làm cha làm mẹ bất đắc dĩ, đêm cũng thay phiên nhau thức bởi mỗi đêm Gold thức dậy đòi ăn tới mấy lần.

Thắp lên hi vọng

Sự suy kiệt, sút giảm của loài voi rừng lẫn voi nhà tại Tây nguyên được đẩy lên kịch điểm những năm 2009 - 2013, khi có nhiều voi rừng lẫn voi nhà bị chết. Việc thành lập một trung tâm cứu hộ - bảo tồn voi được đặt ra cấp thiết.

Cuối năm 2011 dự án bảo tồn voi được UBND tỉnh Đắk Lắk thông qua, mang lại hi vọng sống cho những con voi già yếu cuối cùng ở Tây nguyên. Đến năm 2013, Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk chính thức đi vào hoạt động.

Thoạt đầu mới nghe đến cái tên “Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk” - trực thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Đắk Lắk, nhiều người nghĩ ắt hẳn nơi ấy phải bề thế và chuyên nghiệp lắm nhưng thật khó hình dung, đến cuối năm nay chỗ làm việc của trung tâm này vẫn phải đi thuê.

Các nhân viên ở đây bận bịu với đủ thứ thông tin liên quan đến voi, liên lạc với các tổ chức động vật hoang dã nước ngoài để hỗ trợ chuyên môn; lên kế hoạch lấy máu, khám sức khỏe cho 44 con voi nhà trên toàn tỉnh; thực hiện chiến dịch tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ loài voi; tham gia cứu hộ các cá thể voi hoang dã dính bẫy...

Giám đốc Huỳnh Trung Luân cho biết sau 3 lần cứu hộ thành công các cá thể voi rừng gặp nạn và chữa trị cho đàn voi nhà 44 con, các cán bộ y bác sĩ ở Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk lại không có một ai... có chuyên ngành về voi thật sự.

“Ở nước ta hiện nay chưa có ngạch đào tạo chuyên sâu này. Anh em chúng tôi đều là dân “tay ngang” được phiên qua từ các đơn vị khác.

Người thì kiểm lâm, người thì cán bộ lâm nghiệp, có người đang là bác sĩ thú y, chuyên đi khám trị cho heo gà, trâu bò... bỗng chuyển qua làm bác sĩ... voi. Trong điều kiện như thế phải nói thật là vô cùng khó, chỉ có những người yêu voi, tâm huyết thật sự mới làm nổi” - ông Luân nói.

Anh Y Thiện - bác sĩ tại trạm cứu hộ voi hoang dã - nói rằng chính anh cũng hoàn toàn bỡ ngỡ khi được điều từ huyện Ea Kar về Trung tâm Bảo tồn voi, làm nhiệm vụ theo dõi điều trị sức khỏe cho voi nhà. Trước khi đến với voi, anh là bác sĩ thú y.

“Lúc mới tiếp xúc với voi cũng bỡ ngỡ lắm, mình cũng có được tập huấn, có kinh nghiệm trong lĩnh vực thú y rồi nhưng việc cứu hộ chăm sóc cho voi là cả một vấn đề rất phức tạp”.

Vì vậy, để cứu được voi và thành thục công việc huấn luyện voi, phải nhờ sự hỗ trợ rất lớn của các tình nguyện viên và chuyên gia nước ngoài.

“Chúng tôi có mối thân tình rất lớn với các giáo sư, y bác sĩ nổi tiếng về động vật hoang dã ở các nước Mỹ, Anh, Đức...

Mỗi khi có việc cần hỗ trợ, các chuyên gia ấy sẵn sàng lên đường chỉ trong một vài ngày. Họ đến với voi Tây nguyên bằng tất cả tâm huyết bởi họ hiểu loài voi ở Việt Nam đang trong tình trạng nguy cấp” - ông Luân nói.

Ông Luân cũng cho biết hiện nay câu chuyện bảo tồn voi rừng lẫn voi nhà đã được đặt đúng trọng tâm.

Đầu tháng 10 vừa qua, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đã phê duyệt để rót hơn 20 tỉ đồng đầu tư dãy nhà làm việc, nhà công vụ cho Trung tâm Bảo tồn voi ở Bản Đôn.

Có chỗ ở, nơi ấy sẽ là nơi gặp gỡ của những người yêu voi, từ khách du lịch cho đến các chuyên gia voi. Dự kiến một bệnh viện... voi cũng sẽ được thành lập để cứu chữa cho voi một cách bài bản, khoa học. 44 con voi nhà sẽ được trung tâm hỗ trợ, cứu chữa hoàn toàn miễn phí.

Các y bác sĩ Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk tiến hành lấy mẫu máu để khám sức khoẻ định kì, nghiên cứu cho voi nhà sinh sản.

Làm cho voi “sống hạnh phúc”

Các tình nguyện viên quốc tế thường vào thăm các chủ voi nhà và tuyên truyền để họ không đánh đập voi, cho voi ăn uống đầy đủ.

Đàn voi nhà lẫn voi hoang dã phải được coi là một thành viên như con người trong Bản Đôn, phải được chăm sóc và yêu thương. Voi được khám sức khỏe, lấy máu định kỳ, được hỗ trợ tiền để mua thức ăn.

“Những liệu pháp kết hợp này sẽ thắp lên hi vọng đàn voi sẽ được sống trong môi trường an lành, thể chất được cải thiện, từ đó hi vọng voi sẽ sinh sản, nhân giống và sống “hạnh phúc” trong môi trường nuôi nhốt tại Bản Đôn” - ông Luân nói.

Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk cũng vừa khánh thành và đưa vào sử dụng khu hàng rào xung điện bằng thép (dùng điện năng lượng mặt trời) rộng khoảng 6.000m2, dài 1.320m, gồm 121 trụ sắt, mỗi trụ cao 1,5m.

Hàng rào điện này là “chuồng” nuôi nhốt mà không gây nguy hiểm cho voi, nhằm quản lý voi theo hướng tích cực, voi được sống trong môi trường bán hoang dã mà không cần phải xích, được tự do vận động và thể hiện các hành vi như trong môi trường tự nhiên.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên