17/11/2016 11:08 GMT+7

Voi Tây nguyên kêu cứu - Kỳ 2: Cứu hộ voi Jun

THÁI BÁ DŨNG, DUNGTB@TUOITRE.COM.VN
THÁI BÁ DŨNG, DUNGTB@TUOITRE.COM.VN

TTO - Chú voi được trung tâm cứu hộ đặt tên là “Jun” (June - tháng 6) với ý nghĩa voi sẽ luôn gặp may mắn, sinh sôi nảy nở trong thời gian đẹp nhất trong năm của loài voi.

*** Error ***
Chú voi được cứu


Mùng 4 Tết Ất Mùi (năm 2015), điện thoại của giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk rung lên. Phía bên kia đầu dây, một cán bộ kiểm lâm Vườn quốc gia (VQG) Yok Đôn nói trong lo lắng:

“Anh Luân ơi! Một người dân vừa gọi báo có thấy một con voi rừng khoảng 3 tuổi, bàn chân đi cà nhắc, vòi gần bị đứt lìa do bẫy kẹp đang lẽo đẽo theo sau voi nhà đòi ăn”.

Mẩu thông tin quý giá ấy đã đánh động đội cứu hộ voi hoang dã. Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk gọi điện khẩn cấp cho y bác sĩ, các nài voi, các ca trực tại trạm cứu hộ voi tức tốc mang đồ nghề, thuốc men lên đường.

“Chàng trai tháng 6”

Các kiểm lâm viên ở VQG Yok Đôn cho rằng việc một con voi rừng 3 tuổi, ra tận nơi đàn voi nhà để kiếm ăn và có biểu hiện mất cảnh giác là điều rất hiếm thấy.

“Hễ có người tìm cách tiếp cận, ở khoảng cách rất xa là voi rừng con lao nhanh vào rừng, anh em không thể thấy được” - một kiểm lâm viên nhớ lại.

Phan Phú - người phụ trách huấn luyện voi hoang dã tại trạm cứu hộ voi Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk - cho biết trung tâm liền lên kế hoạch bắt sống bằng được voi con này. Mùng 4 Tết, tại xã Krông Na, hai voi nhà đã được huy động, thả vào rừng làm “mồi nhử”.

Chỉ vài chục phút sau, chú voi con đã lò dò bước ra. Phú là người được tin tưởng giao nhiệm vụ tiếp cận với voi. Dò thấy hơi người, chú voi rừng hoảng loạn lao vụt vào rừng nhưng ngay lập tức bị hai nài voi lao lên tiếp cận.

Cuộc truy đuổi diễn ra khá chóng vánh bởi qua nhiều ngày bị tách đàn, đói ăn, khát sữa cùng với vết thương quá nặng ở bàn chân và vòi, chú voi đã bị kẹp chặt giữa hai con voi nhà, chúng nhanh chóng dìu chú về trung tâm VQG Yok Đôn.

Từ những kết quả chẩn đoán ban đầu, các thành viên trong đội cứu hộ nhận định con voi đực này là một thành viên trong đàn voi rừng thường xuyên xuất hiện ở VQG nhiều năm nay. Do bị thương vì dính bẫy, voi kiệt sức, không thể di chuyển theo bầy đàn và bị bỏ lại phía sau.

Thời điểm bị bỏ lại, chú voi này chưa biết ăn, nhiều ngày lả đi giữa rừng, quá đói nên chú buộc lòng lân la gần những con voi nhà thả rông ở bìa rừng để tìm sữa. Chú voi được trung tâm cứu hộ đặt tên là “Jun” (June - tháng 6) với ý nghĩa voi sẽ luôn gặp may mắn, sinh sôi nảy nở trong thời gian đẹp nhất trong năm của loài voi.

Gian nan tìm máy X-quang

Các cán bộ ở trạm cứu hộ voi Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk đưa cho chúng tôi một loạt hình ảnh cận cảnh vết thương của Jun lúc đưa về từ rừng.

Trong những hình ảnh ấy, có một bức ảnh khiến người xem rùng mình: một sợi cáp thép dài tới 20cm đã hoen gỉ, ở giữa sợi cáp này có những đoạn được thắt nút bằng gai nhọn sắc lẹm. Trong những ngày đau đớn giữa rừng, sợi thép vốn bị đứt ra từ một cái bẫy thú ấy đã buộc chặt và nằm sâu trong lõi bàn chân của Jun. Jun còn bị đứt 1/3 vòi, vết thương cũng đang hoại tử.

Phan Phú nói lúc được đưa về từ rừng sức khỏe của Jun rất yếu, phần lưng nổi xương, gầy guộc. Jun hoảng loạn. Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk mới thành lập, trang thiết bị cũng như đội ngũ y bác sĩ hầu hết đều “tay ngang” chuyển về từ các trạm thú y nên việc cứu chữa cho một cá thể voi bị thương nặng hết sức gian nan.

*** Error ***
Chăm sóc vết thương cho voi

 

Từ thông tin này, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực chăm sóc huấn luyện voi từ Tổ chức Phúc lợi hoang dã đã bay từ Hà Lan, Mỹ... về Bản Đôn, tìm liệu pháp tâm lý, can thiệp phẫu thuật cho voi Jun.

Khi Jun đã bình tĩnh trở lại và quen dần với sự tiếp xúc của con người, các y bác sĩ đã bắt đầu ca phẫu thuật vá lành vết thương ở bàn chân, vòi cho voi Jun. Tuy nhiên khi vết thương ở chân tưởng như đã lành lặn thì phần phẫu thuật xuất hiện mủ và sưng tấy.

“Jun vẫn ăn uống được bình thường nhưng chân vẫn đi cà nhắc, chúng tôi đã liên hệ chuyên gia để hỗ trợ. Vài tháng sau, ngay khi được nghe kể về tình trạng của Jun, bác sĩ Willem Schaftenaar - một chuyên gia về voi của Hà Lan - đã tức tốc lên đường, tìm tới Bản Đôn để thực hiện ca phẫu thuật” - ông Luân kể.

Khi thăm khám, bác sĩ Willem chẩn đoán có thể phía sâu trong bàn chân bị thương của voi Jun còn sót kim loại gỉ sét. Do thiếu dụng cụ, Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk phải dùng máy dò kim loại - loại cầm tay thường dùng để quét kim loại ở khu vực kiểm soát an ninh hàng không để tìm sắt trong cơ thể voi Jun. Nhưng rà đi rà lại khắp nơi trên cơ thể chú voi, chỗ nào máy dò này cũng... báo tín hiệu. Bất lực, các chuyên gia phải tính tới phương án đưa Jun... đi chụp X-quang.

Nhưng làm sao có thể đưa một chú voi nặng 5-6 tạ đến bệnh viện để chụp X-quang? Tính đi tính lại, phương án dùng máy X-quang di động là lựa chọn cuối cùng để tìm ra vấn đề cho Jun. Những ngày ấy, phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk Nguyễn Công Chung phải chạy vạy khắp các bệnh viện tại tỉnh Đắk Lắk để mượn máy nhưng tất cả đều chỉ nhận được những cái lắc đầu.

Ông Chung phải vào TP.HCM, cầu viện Phòng khám đa khoa Hòa Hảo TP.HCM để mượn máy và được họ cho hẳn hai kỹ thuật viên lên trực tiếp hỗ trợ cứu voi.

Có máy, cả trung tâm mừng như cứu được voi. Chú voi Jun sau một thời gian được các huấn luyện viên dạy dỗ, khi máy X-quang được đem tới bàn mổ, Jun nhấc chân lên để chụp một cách thuần thục.

Qua hình ảnh soi chiếu, nhiều người rùng mình khi thấy phía sâu trong lõi chân cách phần da 4cm, một sợi dây thép dài tới 20cm đang gỉ mục, quấn quanh xương chân của Jun. Ngay ngày hôm sau, các y bác sĩ đã tiến hành gây mê, bắt đầu phẫu thuật.

Ca mổ kéo dài hàng giờ trong nỗi lo âu, hồi hộp của cả người mổ lẫn người xem. Viết trên trang web của mình, một bác sĩ không giấu nổi sự vui mừng:

“Sau khi Jun được gây mê sâu bằng ketamin và xylazine, bác sĩ Willem bắt đầu phẫu thuật và sau khoảng 20 phút thì tìm thấy cọng dây sắt. Chúng tôi không thể diễn tả được chúng tôi đã vui như thế nào khi nhìn thấy bác sĩ Willem lấy cọng dây sắt ra. Cọng dây sắt này đã gây ra nhiều đau đớn và khó chịu cho Jun”.

Giữa năm 2013, một con voi hoang dã khác bị dính bẫy trong lúc kiếm ăn cũng đã được giải cứu thành công. Con voi rừng này tuổi trưởng thành, nặng khoảng 5 tạ, đã bị một bẫy kẹp hình răng cưa kẹp chặt vào vòi hàng tháng trời. Cho tới khi phần vòi bị hoại tử, bẫy kẹp này mới chịu rơi ra. Ngay khi phát hiện, VQG Yok Đôn đã huy động kiểm lâm lần theo dấu vết voi suốt 7 ngày để bắt chú voi này đưa về cứu hộ. Các chuyên gia giỏi nhất về voi đã được mời đến chữa trị. Chú voi này được điều trị chu đáo và thả về tự nhiên.

THÁI BÁ DŨNG, DUNGTB@TUOITRE.COM.VN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên