Gia đình nhỏ của anh Tài - chị An trong xóm trọ nghèo ở quận 4, TP.HCM - Ảnh: Bảo Châu |
Trong truyện ngắn Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân, anh Tràng, vốn thân phận nghèo khó, giữa nạn đói thê thảm năm 1945 đã dắt về nhà một cô gái cũng nghèo không kém, gọi cô là “vợ” và cứ thế một mái ấm thành hình. Và chuyện của anh Tràng không chỉ có trong văn chương....
Đến thăm gia đình nhỏ của anh Tài - chị An ở một xóm nghèo tại Q.4, TP.HCM, chúng tôi càng nhận ra rằng hạnh phúc sẽ đến với ai biết nắm bắt và trân trọng nó.
Giữa phút giây chông chênh ấy...
Anh Nguyễn Văn Tài (29 tuổi) gặp chị Nguyễn Thị Thúy An (28 tuổi) trong những ngày giáp tết vừa rồi, khi chị An vừa rời khỏi nhà trọ, một thân một mình với đứa con chỉ mới hơn 2 tuổi sống bơ vơ trên đường phố.
Hôm đó, anh Tài tranh thủ thời gian rảnh đi dạo chợ hoa tết ở quận 4 thì gặp chị An đang chơi với con trong chợ. Hỏi han qua lại làm quen, hôm sau, đêm giao thừa, anh Tài đến chợ hoa tiếp tục thấy chị An ẵm con đi lang thang, hỏi ra mới biết chị An và đứa bé không có nhà để về, chỉ có tấm bạt và cái mùng rách ngủ ngoài đường.
“Thấy Thúy An ở ngoài đường, mà tôi biết khu này sắp giải tỏa, tối rất vắng vẻ nguy hiểm nên tôi nói em về nhà tôi ngủ. Tôi ngủ riêng, An ngủ riêng, nếu An thấy không được thì đi chứ không có gì hết!” - anh Tài kể.
Vậy là anh đưa chị An về phòng trọ nhỏ xíu của mình ngay trong đêm giao thừa, không chút đắn đo về gia thế, hoàn cảnh của người phụ nữ trẻ ấy.
Hỏi chị An có thấy lo lắng không khi đồng ý đi theo một người đàn ông lạ như vậy, chị An bẽn lẽn: “Có chứ, bản thân mình cũng từng một lần bị lừa mới lỡ làng có con như thế này. Nhưng nghĩ giờ không về nhà anh Tài thì cũng ngủ ngoài đường, bị người xấu lợi dụng còn sợ hơn. Với lại tôi thấy trong nhà còn có mẹ, có em của anh Tài nên yên tâm”.
Về nhà, anh Tài giới thiệu rất ngắn gọn về chị An với mẹ, chị gái và em trai. “Mẹ tôi nghe xong không phản đối gì, chỉ hỏi An bao nhiêu tuổi, vậy mà tôi cũng không biết, nói luôn là 22 tuổi, sau này mới biết là 28 tuổi rồi” - anh Tài cười, kể lại về những phút đầu tiên chị An về nhà anh.
Chị An ở lại nhà anh Tài một tuần trong dịp tết, anh mua đồ chơi cho bé Khang - con chị, rồi chở hai mẹ con đi chơi. Sau đó một tháng, anh ngỏ lời yêu chị. Trái tim người phụ nữ cút côi này cảm động với tấm lòng nhân hậu của người đàn ông xa lạ, chị gật đầu về ở hẳn với anh. Chị An nói: “Tết năm nay chắc là cái tết vui nhất trong đời tôi. Đêm giao thừa nằm ngủ, ngước lên thấy có cái nóc nhà che lại, chứ không phải sao trăng trên trời”.
Không vui sao được khi cái tết nào đối với chị An cũng đầy rẫy nỗi lo lắng trong nghèo khó. Cha mất, mẹ bỏ đi, chị ở chung với dì, rồi dì cũng đi lấy chồng, chị bơ vơ bước ra đời và lỡ làng với một người đàn ông cùng làm chung quán ăn.
“Tôi cứ nghĩ có thai thì níu kéo được người ta, ai ngờ người đó không thèm đếm xỉa đến. Vậy là tôi một mình đi sinh con. Lúc nằm trong bệnh viện, thấy chồng người ta chăm, cũng tủi lắm nhưng biết làm sao, con đã rứt ruột đẻ ra thì phải nuôi chứ!” - chị An bùi ngùi.
Sinh con xong, chị bươn bả đi làm kiếm tiền nuôi con, “cũng may nhờ hàng xóm láng giềng chỗ trọ thương tình, người cho bộ quần áo, người cho mấy ký gạo nên tôi cũng xoay xở được”. Tình hình chỉ trở nên bế tắc khi chủ nhà trọ quyết định tăng tiền nhà, gần tết không có chỗ nào thuê mướn, không có tiền trả tiền nhà, chị An buộc phải ẵm con ra đường. Và điều kỳ diệu đã đến khi chị gặp anh Tài ngay trong phút giây chông chênh, lo sợ đó...
“Lung linh hai tiếng gia đình”
Đưa thêm một phụ nữ về nhà, lại có thêm một đứa trẻ, đó là điều không hề dễ dàng với bất kỳ người đàn ông độc thân nào.
Vậy mà anh Tài nói về “gánh nặng” này rất nhẹ nhàng: “Tôi là đàn ông trai tráng, không lẽ không nuôi được An với con. Với lại trước đây tối nào về nhà cũng chỉ nằm coi tivi, buồn lắm, giờ có đứa nhỏ chạy ra chạy vô vui thêm chứ có gì đâu”.
Nói là nói vậy, nhưng những ngày đầu khi mới về chị An thất nghiệp, với số lương ít ỏi chỉ 4 triệu đồng/tháng, anh Tài phải co kéo đủ đường mới có đủ tiền mua sữa cho con, mua cơm cho vợ, rồi tiền thuốc thang mỗi khi bé bệnh.
“Đợt thằng nhỏ bị bệnh sởi phải nhập viện, tối nó đi làm về là vô ngủ luôn với vợ con trong Bệnh viện Nhi Đồng 2, thức phụ vợ canh thằng nhỏ, sáng ra là đi làm luôn, còn tui ở nhà nấu cơm cho hai vợ chồng nó” - bà Phan Thị Duyên (57 tuổi, mẹ anh Tài) kể lại. Có lẽ vì hiểu được tình cảm của anh Tài, bé Khang rất quấn quýt với anh, ba đi đâu cũng đòi đi theo, đòi ba cõng đi chơi, ai hỏi “Ba của con là ai?”, bé cũng chỉ vào anh Tài bập bẹ: “Ba Tài giữ xe”.
Giờ chị An đã tìm được công việc buôn bán trong một công trình xây dựng, mỗi buổi sáng anh Tài chở chị đi làm, rồi chở bé Khang sang bãi giữ xe, anh vừa trông xe vừa trông con, đến chiều lại đón vợ về nhà. Tối nào cũng vậy, cơm nước xong xuôi, anh chở cả hai mẹ con đi dạo phố, cậu nhỏ ngồi phía trước hát nghêu ngao đủ bài hát học được trong xóm trọ nghèo, từ Cả nhà thương nhau đến Bắc kim thang...
Mẹ anh Tài cũng rất tác thành chuyện vợ chồng của con. “Hai đứa nó tới với nhau là phải duyên phải phận, tôi không phiền hà gì, chỉ tội là nghèo quá không có đám cưới gì hết. Mà từ ngày có vợ, thằng Tài cũng ít đi nhậu hẳn, chí thú làm ăn lắm. Bởi vậy tôi còn thấy yên tâm hơn” - bà cười móm mém. Bản thân bà suốt gần năm nay, trước khi bị đau khớp chân, cũng nhận luôn vai trò “bảo mẫu”, trông con cho hai vợ chồng cả ngày.
Ôm con trong lòng, anh Tài bộc bạch: “Gặp được An, tôi thương An thật lòng nên cực khổ cỡ nào tôi cũng muốn che chở cho hai mẹ con em hạnh phúc”. Đây hình như cũng là lý do cho bài nhạc chuông điện thoại của anh ấm áp với những câu hát: “Gia đình, gia đình. Bên nhau mỗi khi đớn đau. Bên nhau đến suốt cuộc đời”...
Chuyện tình của anh Tài và chị An xuất hiện trên trang fanpage nổi tiếng Humans of New York khi nhiếp ảnh gia Brandon Stanton - người sáng lập fanpage này - đến Việt Nam và chụp hình hai anh chị đưa lên mạng, kèm theo chú thích ngắn gọn về câu chuyện của hai người. Ngay lập tức, câu chuyện đã nhận được hàng chục ngàn bình luận cảm động và hàng ngàn lượt chia sẻ. Chị An Hạ, nhân viên văn phòng chỗ anh Tài giữ xe, cho biết: “Anh Tài tốt lắm, phụ nữ văn phòng dắt xe khó nên lúc nào anh cũng dắt giúp, xếp xe ngay ngắn, trời mưa thì úp mũ bảo hiểm cho khỏi ướt. Lúc biết anh đùm bọc cho chị An, tôi rất bất ngờ và vui nữa, chỉ cầu mong hai vợ chồng sống hạnh phúc với nhau cả đời”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận