Mỗi cặp vợ chồng nên tìm cách giữ gìn hạnh phúc gia đình trong đại dịch - Ảnh minh họa: MAI THƯƠNG
Mấy tháng qua, dịch bệnh bùng phát mạnh tại TP.HCM. Khó khăn về cuộc sống, tiền bạc, lại phải ở nhà suốt khiến hôn nhân của nhiều cặp trở nên căng thẳng, mâu thuẫn gay gắt. Vợ chồng anh Đỗ Thanh Hưng (ngụ quận Bình Thạnh) là một trong số đó.
Mâu thuẫn vì tiền
Anh Hưng làm phục vụ quán ăn, còn vợ anh - chị Nguyễn Thị Yến Nhi - là công nhân xưởng may tại quận Gò Vấp. Đầu tháng 7, dịch bệnh căng thẳng, chị Nhi bị mất việc sau thời gian bị giảm giờ làm, còn anh Hưng đã nghỉ từ cuối tháng 5 khi quán xá bắt đầu đóng cửa.
Tiền tích cóp vốn đã không nhiều, rồi cạn dần từ ngày hai vợ chồng mất việc, con gái hai tuổi lại hay ốm đau. Trong căn trọ chừng 15m2 nóng bức, chật chội và đầu hẻm giăng dây khắp lối, người ta thường nghe những tiếng cãi nhau dữ dội của đôi vợ chồng trẻ, lâu lâu xen cả tiếng loảng xoảng của đồ đạc.
Mâu thuẫn của vợ chồng chị thường đến từ tiền bạc. Chị Nhi kể: "Mấy tháng nay mất việc không đi làm được, tiền dành dụm hết. Rồi ở nhà suốt ngày trong phòng trọ nhìn mặt nhau nên cả hai luôn khó chịu, không khí gia đình thêm ngột ngạt. Đôi khi bình thường đó là chuyện nhỏ, nhưng bây giờ lại cãi thành chuyện lớn" - chị nói và cho biết căng thẳng nhất là những ngày thực phẩm được tiếp tế sắp cạn, con đau bệnh, quấy khóc.
"Tôi gọi người quen cho vay một ít để mua thuốc, tã, sữa cho con, trong khi anh ấy là trụ cột mà không kiếm được đồng nào lo cho vợ con" - chị Nhi cho hay.
Ngày thường, hai vợ chồng còn có đồng ra đồng vào, cuộc sống dễ thở nên nếu "cơm không lành, canh không ngọt" còn có thể ngồi xuống làm hòa. Nhưng khi tiền bạc hết, lại cả ngày ngồi nhìn nhau trong căn trọ nhỏ, nghĩ đến những khó khăn sắp tới, họ khó lòng giữ được bình tĩnh khi xung đột.
Áp lực kinh tế, lo lắng dịch bệnh kéo dài đè lên vai người chồng 27 tuổi, anh Hưng trở nên cáu gắt hơn, nói chuyện vài câu là quát vợ. Đỉnh điểm cách đây vài hôm khi đang tranh cãi với vợ chuyện bớt sữa hộp của con xuống vì nhà đã cạn tiền, trong lúc không kiềm chế được, anh Hưng đã đập vỡ một cái ly và đòi không ăn cơm cùng vợ.
Thở dài, chị Nhi cho biết chồng hay so sánh chị với "vợ người ta" khiến chị rất giận. "Khi cãi nhau xong, anh ấy cũng ít chủ động làm hòa. Con bệnh cũng nói tôi nuôi không khéo, không biết làm mẹ" - người vợ 24 tuổi nói và cho hay nhiều lần muốn ly thân, nhưng nghĩ đến con thơ cần có cha mẹ săn sóc, nhất là trong mùa dịch bệnh nên lại cố hàn gắn cùng chồng.
Một tuần đòi ly hôn 5 lần
Hà Nội mùa dịch, trên căn gác cũ trong khu tập thể Thành Công (quận Ba Đình) vang lên tiếng ném nồi niêu loảng xoảng lúc chập tối. Đấy là lần thứ hai trong ngày anh Bá Cường và chị Như cãi nhau.
Chuyện không có gì to tát, đang ăn cơm, bé Lan Anh (6 tuổi) khóc lóc, không chịu ăn cơm mà không có thịt. Nhìn bữa cơm với hai quả trứng rán, đĩa rau muống xào tỏi với nước luộc rau làm canh, chị Như bực bội: "Con nhà lính đừng tính nhà quan thế, bảo bố kiếm được nhiều tiền đi rồi mẹ mua thịt cho mà ăn".
Nghe câu đó, anh Cường nghĩ vợ khinh chồng không kiếm được nhiều tiền trong mùa dịch, anh Cường quay ra mắng vợ. Lời qua tiếng lại, mâm cơm gia đình bỗng chốc tan tành.
Tình hình dịch bệnh khiến thu nhập của gia đình giảm mạnh. Anh Cường làm kỹ thuật tại một nhà máy sản xuất bao bì, còn chị Như là nhân công may mặc tự do cho các cửa hàng quần áo trên phố cổ.
Trước đây, thu nhập ổn định, đôi vợ chồng trẻ có đồng ra đồng vào, cuộc sống êm đềm qua ngày. Nhưng từ khi Hà Nội bùng dịch, nhà máy gặp khó khăn, anh Cường bị nợ lương mất 3 tháng, mọi chi tiêu trong nhà đều do chị Như choàng gánh. Thất nghiệp, chồng đi ra thở dài, đi vào than vãn, đầu chị Như phát điên. Căng thẳng gia đình leo thang tỉ lệ thuận với số ngày giãn cách.
"Khi chưa có dịch, thu nhập của tôi khoảng 15 triệu đồng/tháng, cũng đưa cho vợ giữ 10 triệu để tiết kiệm và chi tiêu trong gia đình. Bây giờ công ty nợ lương, cô ấy suốt ngày dằn vặt tôi là trụ cột gia đình mà không xoay xở được.
Tôi nói vợ chồng có lúc phải thông cảm cho nhau, nhưng lúc nào cô ấy cũng kiếm cớ động tới chuyện kinh tế. Làm vợ mà không hiểu lòng tự trọng của đàn ông trong gia đình" - anh Cường nói trong bức xúc.
Gia đình anh Tiến Dũng - chị Lan Hương (phường Nghi Tàm, quận Tây Hồ) cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Trong một tuần, chị Hương chìa ra tờ đơn ly hôn đến 5 lần, dù trước đó chị chưa bao giờ nghĩ đến chuyện gia đình phải chia rẽ.
"Dịch bệnh căng thẳng nhưng chồng tôi cứ bình chân như vại, chả thấy lo lắng gì. Tôi ngày nào cũng gọi điện, hỏi han săn sóc hai bên nội ngoại, lo lắng an toàn cho mọi người trong gia đình.
Còn anh ấy chỉ lo chơi với con, ngồi chỉnh ảnh, chỉnh video để đăng lên mạng. Tôi cảm giác như mình có thêm một đứa con trai lớn trong nhà" - chị Lan Hương phân trần.
Những việc tích cực như trồng cây hoa để dịu bớt căng thẳng mùa dịch - Ảnh: QUỐC MINH
Giữ lửa hôn nhân trong đại dịch
Nhắc tới mâu thuẫn với vợ, anh Dũng xuề xòa: "Vợ tôi có cái tính hay lo nghĩ. Có hôm chẳng có chuyện gì cũng ngồi khóc và hoảng hồn, hỏi ra mới biết cô ấy sợ chẳng may thành viên nào trong gia đình bị dính COVID-19 rồi không chạy chữa được. Lúc nào cũng trong trạng thái lo âu, làm thế chỉ mệt mỏi chứ không cải thiện được điều gì".
Biết dịch bệnh vẫn còn phức tạp, anh Tiến Dũng họp gia đình để nói chuyện một lần cho dứt khoát. Ba bố con anh Dũng đều nhận xét vấn đề của chị Hương là xem tin tức trên điện thoại quá nhiều.
"Đang ngủ cũng thình lình trở mình rồi vớ ngay điện thoại đọc thông tin về người tử vong trong đại dịch, xem video mai táng các nạn nhân xấu số, hình ảnh bệnh viện quá tải…
Dịch giã đã mệt mà cô ấy còn làm bản thân thêm căng thẳng" - anh Dũng nói về vợ và cho biết đã gợi ý chị Hương nên tham gia các trò chơi cùng con cái, dạy con làm bánh hoặc trồng rau ở bancông, vừa giết thời gian mà vừa gắn kết các thành viên trong gia đình lại bền chặt.
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành - Co-founder đường dây nóng Ngày mai, để giữ lửa hôn nhân trong thời điểm này, các cặp vợ chồng phải bình tâm để nhìn nhận ra vấn đề của cả hai và tìm cách tháo gỡ.
"Mỗi người đều tiềm tàng khả năng để khắc chế bản thân như cố gắng không hơn thua, không mưu cầu quá cao để tránh dẫn đến việc căng thẳng leo thang trong gia đình.
Cũng đừng lo lắng quá nhiều về dịch bệnh, chưa ai có câu trả lời cuối cùng cho việc khi nào dịch bệnh kết thúc, vậy nên chúng ta có thể học cách thích nghi và tìm thấy sự bình yên tự bên trong mình" - chuyên gia cho hay.
Chỉ vì ai rửa chén, lau nhà?
Mấy tháng qua, vợ chồng anh Nguyễn Văn Quang và chị Trần Thu Hà ở quận Bình Tân, TP.HCM cũng nhiều lần làm gia đình hoảng hốt. 12 giờ đêm, chị Hà gọi điện khóc bù lu bù loa nói về nhà với cha mẹ, không thể nào ở với chồng "một giây nào nữa". Nhưng đang giãn cách xã hội nghiêm ngặt, làm sao có thể ra đường lúc nửa đêm.
Cha mẹ chị Hà phải gọi điện thoại nóng máy cho cả con gái lẫn con rể để hỏi han tình hình và tìm cách an ủi. Hóa ra chuyện rất nhỏ nhặt, lâu nay đôi vợ chồng trẻ này hoàn toàn dựa vào osin lo chuyện nhà cho họ đi làm. Dịch giã, osin không qua được nữa, thế là rối beng, vợ chồng "gấu ó" với nhau chỉ vì ai nấu cơm, lau nhà, rửa chén.
Mẹ chị Hà khuyên giải mãi, rồi gửi luôn osin đang ở nhà mình qua giúp vợ chồng con gái mới dịu được hai cái đầu nóng.
Nguyên nhân bất hòa
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành, sự bất hòa trong các gia đình bắt đầu gia tăng nhiều hơn từ khi thành phố phải thực hiện giãn cách do COVID-19.
"Trước đây, ngoài gia đình, mọi người có thể chia thời gian của mình dành cho những mối quan tâm khác như công việc, bạn bè, đồng nghiệp, các hoạt động diễn ra bên ngoài căn nhà.
Nhưng giờ đây, vì đại dịch, các thành viên trong gia đình có nhiều thời gian hơn trong một ngày chung đụng với nhau. Các vấn đề trong gia đình từ đó phát sinh thêm như là sự phân chia việc nhà không hợp lý, các thành viên không điều phối được cảm xúc của mình.
Hơn nữa, việc tiếp cận quá nhiều thông tin mang tính tiêu cực trên mạng xã hội khiến bầu không khí trong gia đình bị lây lan sự căng thẳng và lo lắng" - chuyên gia Thành nhận định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận