30/09/2021 06:03 GMT+7

Chuyện bi hài trên những 'giới tuyến' phòng dịch

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Chỉ cách một hàng rào, thậm chí một bước chân, nhưng vì khác tỉnh mà những người ở vùng giáp ranh phải hằng tháng trời chịu cảnh xa cách như... hai quốc gia xa xôi.

Chuyện bi hài trên những giới tuyến phòng dịch - Ảnh 1.

Không thể gặp nhau, một người ở Quảng Nam phải nhờ CSGT ở chốt đưa đồ cho người nhà bên TP Đà Nẵng - Ảnh: B.D.

Quy định cách ly, phong tỏa là cần thiết để phòng chống dịch nhưng cũng tạo ra những chuyện bi hài chưa từng ai nghĩ tới.

10h sáng 27-9, chúng tôi có mặt tại trạm kiểm dịch chốt ở các ngõ ra vào TP Đà Nẵng. Đâu đâu cũng thấy cảnh ùn ứ, những ánh mắt mệt mỏi lẫn bất lực khi không thể qua khỏi barie.

Cuộc "giải cứu" trên đường ranh giới

Dựng chiếc xe máy lỉnh kỉnh đồ đạc trước trạm kiểm dịch cửa ngõ Hòa Phước ở ranh giới của Quảng Nam - Đà Nẵng, bà Từ Thị Hoa (ở trọ tại đường Mỹ An 18, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) nước mắt lưng tròng khi không thể bước qua địa phận tỉnh Quảng Nam để đưa cô con gái về quê học. 

Bà Hoa cho biết lâu nay thuê trọ tại Đà Nẵng làm việc, hai con sống cùng chồng bà tại thôn Tú Ngọc B, xã Bình Tú (huyện Thăng Bình, Quảng Nam). Từ đầu hè, hai cô con gái được cho ra Đà Nẵng thăm mẹ nhưng dịch ập đến khiến cả hai tới nay vẫn chưa thể về Quảng Nam.

Giữa cái nắng bỏng rát trưa 27-9, lực lượng CSGT đứng giữa đường lưng đẫm mồ hôi điều tiết xe, kiểm soát người qua lại. Thấy mẹ con bà Hoa ngồi bệt, vẻ mệt mỏi dưới gốc cây thì một cán bộ CSGT tới hỏi chuyện. 

"Đây là lần thứ ba tui ra chốt để tìm cách gửi con gái đầu về quê rồi. Cháu lên lớp 4 mà từ hôm khai giảng tới nay chưa học được chữ nào, ngày nào cũng quấy khóc đòi về. Nhưng cứ ra chốt lần này rồi lại lần khác, xin đủ thứ giấy mà cũng không có cách gì qua được" - bà Hoa mếu máo.

Vị CSGT bảo bà Hoa trình giấy tờ cho ông xem. Đó là một tập giấy với chi chít chữ ký, chữ viết tay xác nhận của lãnh đạo thôn, phường và dày đặc con dấu mà bà Hoa đã khốn khổ đi xin suốt một tuần qua. 

"Chị thuộc diện không được về quê, còn trường hợp con gái chị thì chúng tôi sẽ giải quyết cho cháu qua chốt để về quê theo học. Chị bốc máy gọi ngay người thân ra đón cháu đi" - cán bộ CSGT nói. 

Nghe được câu nói này, mặt bà Hoa rạng rỡ hẳn. Lôi vội vàng chiếc điện thoại ra gọi cho ai đó, bà Hoa tức tốc kêu hai đứa con xuống khỏi xe và soạn đồ đạc sẵn sàng.

Tưởng mọi chuyện đã xong, nào ngờ mươi phút sau thì bà lại Hoa quay lại, mặt mếu máo: "Chồng tôi bảo không ra được khỏi địa bàn, gọi điện lên xã để xin giấy ra Đà Nẵng đón con thì xã họ bảo nếu không ra khỏi tỉnh thì không cần giấy tờ. 

Nhưng không có giấy tờ thì làm sao mà qua được chốt? Rồi kể cả ra tới đây thì làm sao qua được các chốt đóng sát nhau ở ranh giới hai tỉnh để tới chỗ con gái tôi đang đứng?".

Dù đầm đìa mồ hôi, vị CSGT vẫn nhẫn nại quay lại nơi ba mẹ con bà Hoa đang đứng để tìm cách trợ giúp. Khi nghe giãi bày, cán bộ CSGT này hứa rằng sẽ trực tiếp đưa con gái bà qua địa phận tỉnh Quảng Nam để giao tận tay người nhà.

Chuyện bi hài trên những giới tuyến phòng dịch - Ảnh 2.

Chị Từ Thị Hoa cố thuyết phục lực lượng làm nhiệm vụ đồng ý cho đưa con gái đầu qua chốt về quê học hành - Ảnh: B.D.

Cách một bước chân mà xa như vạn dặm

11h trưa. Những hàng xe tải vẫn xếp hàng dài trên quốc lộ 1A ở cửa ngõ Hòa Phước để làm thủ tục qua chốt. Xe tải, xe biển xanh, xe cứu thương là những phương tiện lưu thông hiếm hoi được qua bên kia ranh giới hai tỉnh. 

Ở một góc khác, có những chuyến xe máy tìm cách hướng về vùng giáp ranh nhưng tất cả đều nhận một kết cục: phải quay đầu xe.

Chúng tôi gặp ông Nguyễn Tất Hạnh khi đang ngồi bệt ở gốc cây đứng đợi con gái từ bên kia quốc lộ ở hướng TP Đà Nẵng. Ông Hạnh cho biết đã tới chốt lúc 8h nhưng tới gần 11h trưa ông vẫn chưa thể trao thùng đồ thực phẩm cho cậu con trai vì con ông không đủ giấy tờ để qua mấy chốt đóng trên quốc lộ 1A. 

Ông Hạnh kể nhà ở thôn Bồ Mưng, xã Điện Thắng Bắc, thị xã Điện Bàn (Quảng Nam). Con trai ông làm thợ cơ khí ở đường Phạm Hùng (TP Đà Nẵng). Từ nơi con trai làm việc tới nhà ông Hạnh chỉ vài kilômet. Khi chưa có dịch thì người này sáng đi làm trưa về nhà ăn cơm, nhưng từ khi dịch đến cả gia đình phải "chia cách" với cậu con trai.

"Hai tháng nay thằng con tui không thể về vì khác tỉnh. Nó xin ở lại trong xưởng, tui tiếp tế đồ ăn hằng tuần, hai ba con giao nhận tại chốt trên quốc lộ" - ông Hạnh nói. 

Gần 12h trưa, chúng tôi quay lại thì vẫn thấy ông Hạnh ngồi ở vị trí cũ, bên cạnh là một bịch bao buộc tụm cùng thùng xốp đựng thực phẩm tươi đang rỉ nước. 

"Thằng con trai tui vẫn chưa qua được mấy chốt chú ơi, nó phải chạy về xin giấy ở xưởng rồi xác nhận ở tổ dân phố, lên phường... Sáng giờ làm đi làm lại mãi vẫn chưa xong" - ông Hạnh nói.

Rất nhiều người dân từ hai tỉnh thành gần như đã không thể qua lại dù trong họ mỗi hành trình tìm qua bên kia ranh giới là việc bất đắc dĩ. Người thì về đám tang người thân, người thì tìm cách qua chốt để đưa mẹ già ra thành phố đi khám bệnh, người thì khăn đùm khăn gói hướng ra thành phố để làm xây dựng... 

Dịch đã làm những cuộc di chuyển tưởng chừng như rất bình thường lâu nay lại trở thành những hành trình gian nan, khó khăn.

Những lần đứng ở chốt ranh giới các tỉnh, chúng tôi còn chứng kiến những câu chuyện đặc biệt hơn. Có những người dù cách bên kia tỉnh chẳng xa nhưng "nín đau" để đợi ngày hết dịch ra thành phố khám bệnh. Chịu đau mãi mà dịch không hết nên họ làm giấy đi đường để xin qua, nhưng việc này cũng chẳng dễ.

Có những người dù đã có đầy đủ giấy tờ cả nơi ở lẫn nơi đến, nhưng khi qua chốt thì không thể quay lại bởi các lý do khác nhau: chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin, người trong diện không có lý do chính đáng để qua bên kia tỉnh... Rồi họ lại phải quay đầu xe trong sự mệt mỏi, bất lực.

Thời dịch giã thì quy định phòng dịch là trên hết.

Bán nhà trên "giới tuyến"

gg1 4(read-only)

Không thể qua làm thủ tục vì khác tỉnh, những người này phải hẹn nhau ở chốt ranh giới Quảng Nam - Đà Nẵng để hoàn thiện thủ tục mua bán đất - Ảnh B.D.

Những ngày đứng ở chốt kiểm soát dịch Quảng Nam - Đà Nẵng, chúng tôi còn chứng kiến nhiều cảnh bi hài hơn của chuyện cách ly trong dịch. Không thể qua lại bên kia, rất nhiều công việc làm ăn, sinh hoạt thường ngày đều phải tổ chức ngay tại ranh giới hai tỉnh.

Một chủ đất ở Đà Nẵng sở hữu lô đất rộng 381m2 tại thị trấn Nam Phước (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) và bán được cho người mua tại Quảng Nam. Hai bên cọc tiền từ trước dịch, hẹn 1 tháng sẽ ra làm giấy tờ, nhưng hết thời hạn mà dịch vẫn chia cách đôi bờ.

Không còn lựa chọn, cả bên mua lẫn bên bán đành hẹn nhau ở chốt kiểm dịch, mời theo cả công chứng viên. Họ dựng yên xe máy thay bàn làm việc, lấy bóng cây làm "văn phòng" và ký tá, hoàn thiện thủ tục mua bán trong sự cảm thông lẫn nhau.

Mẹ, con nhìn nhau qua barie cho đỡ nhớ

Chị Huỳnh Thị Kim Anh - nữ điều dưỡng 26 tuổi tại Bệnh viện Đà Nẵng - nói rằng suốt hai tháng nay chị đã không thể về quê dù nhà chị cách Đà Nẵng chỉ chưa tới 1 kilômet. Mọi liên lạc với gia đình đều qua điện thoại, hoặc lúc mẹ con nhớ nhau quá thì ra chốt "đứng bên này nhìn về bên nớ". Nhà ba mẹ chị Anh ở khối phố Ngân Hà, phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) - sát rạt bên "nách" địa phận Đà Nẵng. Sáng 27-9, chị Anh hẹn mẹ ra chốt Hòa Phước, hai mẹ con trao cho nhau một ít đồ rồi ai về "nhà" người nấy. Chị Anh bảo dù chẳng đi qua bên kia tỉnh nhưng để gặp nhau tại chốt ngăn cách như thế cũng đã là khó, cả hai phải xin đủ thứ giấy tờ, thủ tục xác nhận...

COVID-19 đè nặng vùng biên COVID-19 đè nặng vùng biên

TTO - Ca bệnh 1440 vừa ghi nhận ở Vĩnh Long sau khi nhập cảnh trái phép khiến cả nước lo ngại nguy cơ một lần nữa COVID-19 lây lan trong cộng đồng. Mấy ngày qua, công tác chống dịch dọc các tuyến biên giới lại 'nóng' hơn bao giờ hết.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên