21/01/2022 08:15 GMT+7

Vinh danh nghiên cứu khoa học vì nhân loại

THANH HÀ
THANH HÀ

TTO - Đây là những thành tựu khoa học xuất chúng, có khả năng tạo ra ảnh hưởng tích cực và rộng rãi nhất đến cuộc sống của hàng tỉ người trên khắp thế giới trong hiện tại và tương lai.

Vinh danh nghiên cứu khoa học vì nhân loại - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao giải thưởng chính cho ba nhà khoa học: Katalin Kariko (bìa phải), Pieter Rutter Cullis (bìa trái) và Drew Weissman - Ảnh: NAM TRẦN

Việc thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là chủ trương lớn để thể hiện trách nhiệm của Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Công nghệ gốc vắc xin mRNA; Vật liệu khung cơ - kim (MOFs); Vật liệu điện tử hữu cơ có tính năng như da người và công trình nghiên cứu giúp ngăn nguy cơ lây nhiễm HIV và giảm gánh nặng bệnh AIDS đã được vinh danh tại lễ trao giải VinFuture lần thứ nhất.

Truyền cảm hứng nghiên cứu khoa học

Giải thưởng chính trị giá 3 triệu đôla Mỹ đã được trao cho ba nhà khoa học Katalin Kariko, Drew Weissman (Mỹ) và Pieter Cullis (Canada) với công nghệ mRNA, mở đường tạo ra các loại vắc xin ngăn ngừa COVID-19. 

Theo đó, công nghệ sử dụng mRNA đã được sửa đổi, bao bọc trong các hạt nano lipid giúp ngăn hệ thống miễn dịch phản ứng với mRNA khi được đưa vào cơ thể và không gây ra các phản ứng cytokine, không gây độc tính hoặc tác dụng phụ. 

Dựa trên khám phá của Kariko và Weissman cùng với việc tạo ra hạt nano lipid của Cullis, các công ty dược phẩm như Pfizer-BioNTech, Moderna đã sản xuất được các loại vắc xin phòng chống COVID-19 hữu hiệu trong thời gian kỷ lục.

Cùng với giải thưởng chính là 3 giải đặc biệt, mỗi giải trị giá 500.000 đôla Mỹ dành cho các nhà khoa học nghiên cứu trong các lĩnh vực mới; nhà khoa học nữ và nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển.

Hạng mục giải đặc biệt dành cho "Nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới" được trao cho giáo sư Omar Yaghi (Mỹ) với công trình tiên phong khám phá ra vật liệu MOFs. 

MOFs là một loại vật liệu mới bao gồm các liên kết hữu cơ tích điện và các ion kim loại, có độ xốp vĩnh viễn, sự ổn định ấn tượng trên diện tích bề mặt lớn. Với kích thước lỗ xốp có thể điều chỉnh tạo thành mạng lưới 3D, cho phép hấp thụ và lưu trữ các phân tử khí và nước, MOFs tạo ra giải pháp thu nhận, lưu trữ, phân tách và kiểm soát thành phần hóa học của nhiều loại khí và phân tử, có khả năng làm sạch môi trường, mang lại bầu không khí, nguồn năng lượng và nguồn nước sạch hơn.

Giải đặc biệt thứ 2 dành cho "Nhà khoa học nữ" đã được trao cho giáo sư Zhenan Bao (Mỹ) với công trình nghiên cứu các vật liệu điện tử hữu cơ có đặc tính của da người. Đây là một loại vật liệu hữu cơ cho phép biến các thiết bị điện tử thành một phần trên cơ thể người với khả năng co giãn, tự chữa lành và tự phân hủy sinh học. 

Những chức năng trên rất hữu ích trong chẩn đoán và điều trị chăm sóc sức khỏe thông minh, đồng thời có thể được ứng dụng vào các thiết bị điện tử để đeo và cấy ghép, mang lại trải nghiệm sống trọn vẹn hơn cho hàng triệu người khiếm khuyết các bộ phận cơ thể trên khắp thế giới hiện tại, cũng như tạo ra các đột phá về y tế trong tương lai.

Giải đặc biệt dành cho "Nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển" thuộc về vợ chồng hai nhà khoa học đến từ Nam Phi, giáo sư Salim Abdool Karim và giáo sư Quarraisha Abdool Karim, với công trình nghiên cứu giúp ngăn nguy cơ lây nhiễm HIV và giảm gánh nặng bệnh AIDS. Nghiên cứu của vợ chồng giáo sư Karim đã được UNAIDS và WHO công nhận là đột phá khoa học quan trọng, có tác động to lớn đến nỗ lực ngăn ngừa đại dịch thế kỷ tại châu Phi và trên toàn thế giới.

Đại diện cho những người đoạt giải, giáo sư Katalin Kariko chia sẻ: "Chúng tôi rất vinh dự được lựa chọn là chủ nhân của giải thưởng chính VinFuture. Là những nhà khoa học, chúng tôi ngày ngày thực hiện các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và mong rằng một ngày nào đó trong cuộc đời mình, những thành tựu nghiên cứu của mình sẽ mang lại lợi ích chung cho nhiều người... Chúng tôi hy vọng rằng cuộc phiêu lưu khoa học của mình sẽ truyền cảm hứng cho thế hệ các nhà nghiên cứu tiếp theo, để những đóng góp của họ sẽ nâng cao các kiến thức khoa học của nhân loại, chăm sóc và cải thiện cuộc sống của con người".

Vinh danh nghiên cứu khoa học vì nhân loại - Ảnh 3.

Vợ chồng ông Phạm Nhật Vượng, Phạm Thu Hương tặng hoa cho hội đồng giải thưởng - Ảnh: N.TR

Hàng triệu triệu người hưởng lợi

Phát biểu tại lễ trao giải thưởng diễn ra tối 20-1 ở Nhà hát lớn Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Hôm nay chúng ta tôn vinh những công trình đoạt giải thưởng là tôn vinh những giá trị khoa học đóng góp cho nhân loại, tôn vinh những nhà khoa học đã ngày đêm nghiên cứu bằng trí tuệ vượt trội, trái tim nhiệt huyết và khát vọng cống hiến cho loài người. Và hôm nay chúng ta cũng ghi nhận, đánh giá cao những doanh nhân với khát vọng hội tụ các nhà khoa học là được cống hiến những giá trị tốt đẹp nhất cho nhân loại... 

Ở đây tôi muốn nhấn mạnh nhờ có ý tưởng và tâm huyết của doanh nhân mà chúng ta đã tổ chức được chương trình này...

Sứ mệnh của Giải VinFuture chính là cổ vũ và tôn vinh những nhà khoa học có công trình nghiên cứu xuất sắc mang tính ứng dụng cao, kiến tạo môi trường sống bền vững cho các thế hệ tương lai. Hàng triệu triệu người trên thế giới có thể sẽ được hưởng lợi từ những công trình khoa học được xướng tên ngày hôm nay. Và, tinh thần phụng sự nhân loại không biên giới của khoa học công nghệ sẽ cổ vũ cho hàng triệu nhà nghiên cứu trên trái đất của chúng ta".

Thủ tướng đánh giá cao và ghi nhận Tập đoàn Vingroup đã có những đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội trong thời gian qua; hoan nghênh những nỗ lực của Quỹ VinFuture - quỹ hoạt động phi lợi nhuận được sáng lập bởi chủ tịch Tập đoàn Vingroup và phu nhân nhằm tôn vinh giá trị của khoa học công nghệ trên phạm vi toàn cầu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định tại Việt Nam, phát triển khoa học công nghệ được xác định là quốc sách hàng đầu, là một đột phá chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội. Nhà nước đang đẩy mạnh thiết kế cơ chế, chính sách nhằm cụ thể hóa đường lối của Đảng, thúc đẩy huy động nguồn lực đổi mới sáng tạo để doanh nghiệp, xã hội và nhân dân vào cuộc, đưa khoa học công nghệ thực sự trở thành mục tiêu, động lực quan trọng cho sự phát triển của đất nước. Mỗi người dân là chủ thể, là người thực hiện và thụ hưởng chính sách đổi mới sáng tạo.

Vinh danh nghiên cứu khoa học vì nhân loại - Ảnh 4.

Nhiều hoạt động trong khuôn khổ Tuần lễ khoa học VinFuture thu hút sự chú ý của các nhà khoa học Việt Nam. Trong ảnh: giao lưu cùng hội đồng giải thưởng, hội đồng sơ khảo VinFuture - Ảnh: N.TR.

Một trong những giải thưởng có giá trị trên thế giới

Quỹ VinFuture là quỹ hoạt động phi lợi nhuận được sáng lập bởi chủ tịch Tập đoàn Vingroup - ông Phạm Nhật Vượng và phu nhân - bà Phạm Thu Hương.

Quỹ cam kết có sứ mệnh tôn vinh và hỗ trợ các nghiên cứu khoa học, các sáng chế công nghệ đột phá, đã đóng góp hoặc có tiềm năng đóng góp cho cuộc sống của hàng triệu người trên trái đất trở nên tốt đẹp hơn, đồng thời kiến tạo môi trường sống bền vững cho thế hệ tương lai.

Ngay từ mùa giải đầu tiên, VinFuture đã thu hút được sự quan tâm mạnh mẽ của cộng đồng các nhà khoa học thế giới với hơn 1.200 đăng ký đến từ 654 trường đại học hàng đầu, 51 viện nghiên cứu nổi tiếng và 42 viện hàn lâm khoa học quốc gia uy tín toàn cầu. Giải thưởng đã tiếp nhận 599 dự án tranh giải, trong đó có gần 100 dự án đến từ các nhà khoa học nằm trong top 2% các nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất thế giới. Các nhà khoa học nữ cũng có sự góp mặt ấn tượng với tỉ lệ 34,3% trong tổng số ứng viên.

Động lực cho các nhà khoa học Việt Nam

* PGS.TS Lê Thị Kim Phụng (giám đốc Trung tâm nghiên cứu công nghệ lọc hóa dầu Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM):

VinFuture là giải thưởng khoa học mang tầm quốc tế, tạo uy tín, tiếng tăm cho Việt Nam. Một doanh nghiệp Việt tổ chức được giải thưởng này ít nhất cũng cho thấy sự quan tâm tới khoa học, phát triển khoa học ở tầm thế giới. VinFuture cũng có đến Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) để giới thiệu giải thưởng này nhưng bản thân tôi thấy mình chưa đủ tầm, vì đây là giải thưởng của thế giới. Xem qua tiêu chí giải thưởng tôi thấy các nhà khoa học lớn trên thế giới xứng đáng được trao giải hơn. Trong khi các nhà khoa học trong nước biết được những tiêu chí đó để hướng đến cũng là điều hay. Tuy nhiên, nếu được, Giải thưởng VinFuture nên có thêm nhiều hạng mục với tiêu chí khác nhau để các nhà khoa học trong nước có thể đáp ứng được.

* PGS.TS Nguyễn Thị Hiệp (trưởng khoa kỹ thuật y sinh Trường ĐH Quốc tế - ĐH Quốc gia TP.HCM):

Theo tôi, một doanh nghiệp Việt Nam đứng ra tổ chức giải thưởng khoa học tầm cỡ thế giới như VinFuture sẽ thu hút sự chú ý của giới hàn lâm thế giới về Việt Nam. Tuy nhiên, tầm giải thưởng quá lớn, không trở thành "sân chơi" của các nhà khoa học trong nước. Nếu có nhà khoa học trong nước nào được trao giải thưởng là điều hết sức tuyệt vời. Bản thân tôi có nộp hồ sơ tham gia giải thưởng nhưng bị rớt. Tôi nghĩ VinFuture nên có giải thưởng phụ dành riêng cho các nhà khoa học trong nước, có thể giá trị giải thưởng nhỏ thôi cũng được, hoặc xét tài trợ kinh phí cho công trình nghiên cứu cụ thể nào đó nhưng đó sẽ là động lực lớn cho giới nghiên cứu nước nhà.

* Sinh viên Lê Bảo Long (Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, giải nhất cuộc thi Eureka 2021):

Thông thường các giải thưởng trong khoa học, kỹ thuật sẽ góp phần thôi thúc niềm đam mê của những bạn trẻ, đặc biệt là các sinh viên yêu thích nghiên cứu. Đôi lúc các bạn trẻ sẽ nhìn vào những công trình đoạt giải cao của những nhà khoa học trong các giải thưởng lớn để tham khảo hướng phát triển của mình trong tương lai. Do vậy, tôi nghĩ các giải thưởng lớn nên khuyến khích và đề cao những công trình có tính sáng tạo, tính đóng góp. Bởi vì như đã nói ở trên, các giải thưởng lớn thường sẽ có tính lan tỏa và sẽ được nhiều bạn trẻ theo dõi, học hỏi.

TRẦN HUỲNH - TRỌNG NHÂN ghi

Truyền thông quốc tế nói gì?

Đưa tin về giải thưởng VinFuture, báo Taiwan News của Đài Loan chạy dòng tít: "Tuần lễ trao giải VinFuture - nơi hội tụ tinh hoa khoa học toàn cầu".

Trong khi đó, trang Tech Times ở Mỹ viết rằng Quỹ VinFuture - được lập ra để trao giải thưởng khoa học, công nghệ thường niên toàn cầu VinFuture - "tôn vinh những bộ óc vượt trội trong khoa học để tạo ra những thay đổi có ý nghĩa tại Việt Nam". Trang TechBullion ở Anh viết: "Quỹ VinFuture truyền cảm hứng và nuôi dưỡng các nhà khoa học tương lai của Việt Nam".

Kênh Euronews ở Pháp cũng đưa tin về sự kiện này với dòng tít: "Xem trực tiếp: Giải thưởng VinFuture vạch ra tầm nhìn cho một tương lai tươi sáng hơn". Euronews cho biết tầm nhìn của giải thưởng VinFuture là thúc đẩy sự thay đổi có ý nghĩa trong cuộc sống hằng ngày của mọi người và hỗ trợ các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc.

"Giải thưởng này nhằm khuyến khích các phát kiến về công nghệ, trao giải chính 3 triệu USD cho các phát kiến công nghệ và nghiên cứu mang tính đột phá giúp cải thiện tích cực chất lượng cuộc sống của con người và tạo ra một thế giới công bằng cũng như bền vững hơn cho các thế hệ tương lai" - Euro News viết.

Nhiều trang như News Direct, Yahoo Finance, Taiwan News, ET Net... cũng đăng dòng tít: "Sứ mệnh của VinFuture đã chạm đến trái tim con người".

BÌNH AN

Ba nhà khoa học với công nghệ vắc xin mRNA nhận giải thưởng VinFuture 3 triệu đô Ba nhà khoa học với công nghệ vắc xin mRNA nhận giải thưởng VinFuture 3 triệu đô

TTO - Thủ tướng Phạm Minh Chính trao giải thưởng chính 3 triệu USD cho ba nhà khoa học: Katalin Kariko, Drew Weissman và Pieter Rutter Cullis với công nghệ nghiên cứu vắc xin mRNA cứu sống hàng triệu người.

THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: VinFuture