19/08/2018 10:18 GMT+7

Vĩnh biệt Kofi Annan - 'người tái định nghĩa Liên Hiệp Quốc'

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Ông Kofi Annan, tổng thư ký thứ 7 của Liên Hiệp Quốc (LHQ), cũng là vị tổng thư ký LHQ đầu tiên là người da đen xuất thân từ một quốc gia vùng Hạ Sahara (châu Phi), vừa qua đời ở tuổi 80.

Vĩnh biệt Kofi Annan - người tái định nghĩa Liên Hiệp Quốc - Ảnh 1.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan trong một lần phát biểu tại Liên Hiệp Quốc năm 2004 - Ảnh: REUTERS

Ông Kofi Annan là một chính khách toàn cầu, một người theo chủ nghĩa quốc tế hết mực tận tụy đã chiến đấu suốt đời vì một thế giới công bằng và hòa bình hơn. Trong sự nghiệp và sự lãnh đạo LHQ xuất chúng của mình, ông đã là người bảo vệ nhiệt thành cho hòa bình, phát triển bền vững, nhân quyền và pháp quyền

(Trích thông cáo của Quỹ Kofi Annan và gia đình ông Annan sau khi ông tạ thế)

Tổ chức Quỹ Kofi Annan xác nhận cựu tổng thư ký LHQ người Ghana đã ra đi thanh thản sáng 18-8 tại một bệnh viện ở thành phố Bern, Thụy Sĩ sau một thời gian ngắn lâm bệnh.

Ở bên ông trong những thời khắc cuối cùng có vợ ông, bà Nane, cùng ba người con là Ama, Kojo và Nina. Sau khi nghỉ hưu tại Geneva, ông sống cùng gia đình tại một ngôi làng ở Thụy Sĩ.

Một đời vì hòa bình thế giới

Sinh năm 1938 tại vùng ngày nay là Kumasi ở Ghana, ông Annan bắt đầu công việc đầu tiên trong hệ thống cơ quan của LHQ năm 1962 trong cương vị một cán bộ ngân sách của Tổ chức Y tế thế giới.

Ông bắt đầu làm việc với văn phòng người tị nạn của LHQ năm 1980, sau đó thăng tiến dần lên các vị trí cao hơn trong giai đoạn từ những năm 1980 đến những năm 1990 và trở thành tổng thư ký thứ 7 của LHQ giai đoạn 1997-2006.

Năm 2001, cùng với LHQ, ông Kofi Annan được trao giải Nobel hòa bình "vì sự đóng góp cho một thế giới trật tự và hòa bình hơn".

Ủy ban Nobel "cũng ghi nhận sự tận tụy hết lòng của ông trong cuộc chiến ngăn chặn sự lây lan của virút HIV tại châu Phi và lập trường phản đối công khai của ông với chủ nghĩa khủng bố quốc tế".

Trong diễn từ tại Oslo năm 2001, ông Annan nói về "3 ưu tiên trọng yếu" cho tương lai của LHQ trong thế kỷ 21, đó là "xóa bỏ đói nghèo, ngăn ngừa xung đột và thúc đẩy dân chủ".

Ông Kofi Annan là người châu Phi da đen đầu tiên giữ cương vị tổng thư ký LHQ trong hai nhiệm kỳ 5 năm liên tiếp kể từ 1997. Đó cũng là thập kỷ với rất nhiều biến động thử thách với tổ chức đa phương lớn nhất thế giới, cũng là giai đoạn LHQ tái định nghĩa vị trí của tổ chức này trong một thế giới thay đổi.

Trong 10 năm ông Annan giữ cương vị tổng thư ký LHQ, nhà ngoại giao xuất sắc nhất của châu Phi (như cách gọi của Ủy ban giải thưởng Nobel) đã chứng kiến những sự kiện lớn của thế giới.

Đó là việc bức tường Berlin sụp đổ, lực lượng khủng bố Al Qaeda tấn công New York và Washington, nước Mỹ đem quân tấn công Iraq và giới lãnh đạo châu Âu chuyển từ thời kỳ chiến tranh lạnh sang giai đoạn toàn cầu hóa và chật vật ứng phó với sự nổi dậy của các nhóm vũ trang phiến quân Hồi giáo...

Sau khi rời LHQ, ông vẫn tiếp tục hoạt động không mệt mỏi vì hòa bình thế giới thông qua vai trò là chủ tịch của Quỹ Kofi Annan và năm 2013 là chủ tịch Tổ chức The Elders, một tổ chức nhân đạo độc lập gồm hàng chục nhà lãnh đạo và nhà hoạt động trên toàn thế giới do cựu tổng thống Nam Phi Nelson Mandela thành lập.

Nhà cải cách LHQ

Là người đầu tiên đi lên vị trí tổng thư ký LHQ từ vị trí một nhân viên của tổ chức, lại là một người da đen, bản thân sự nghiệp thành công của ông Kofi Annan đã là biểu trưng đáng kể cho sự đổi mới ở một tổ chức như LHQ.

Với phong thái điềm đạm nhưng thẳng thắn, khi tại nhiệm, ông đã luôn cố gắng trả lời mọi câu hỏi của các phóng viên và đại sứ với sự thẳng thắn, chân thành. Ông cũng là người đã dám công bố những báo cáo dài, chi tiết về các sai lầm của LHQ trong việc xử lý các vụ thảm sát tại thị trấn Srebrenica trong chiến tranh Balkan và ở Rwanda những năm 1990, cũng là giai đoạn ông phụ trách bộ phận gìn giữ hòa bình của LHQ.

Ông Annan được ca ngợi vì đã có công lớn trong việc hồi sinh những thể chế hoạt động của LHQ, tạo nên cái mà ông gọi là "nguyên tắc can thiệp nhân đạo mới".

Cho tới giờ, di sản quan trọng nhất của ông trên cương vị tổng thư ký LHQ chính là việc xóa bỏ quan điểm tồn tại rất lâu trước đó cho rằng LHQ không thể can thiệp vào các vấn đề nội bộ của một quốc gia thành viên.

Năm 1998, ông Annan đích thân tới Baghdad để trực tiếp thương thuyết với tổng thống Iraq, ông Saddam Hussein, về hoạt động của các thanh sát viên vũ khí của LHQ, sau đó đã đạt được một thỏa thuận tạm thời cho phép lực lượng này được trở lại Iraq.

Thời điểm đó ông đã bất chấp những chất vấn nghi ngại của phương Tây về việc ông đã bắt tay, thậm chí là hút xì gà với tổng thống Iraq, một người bị phương Tây cáo buộc là độc tài.

"LHQ có thể được cải tổ, nó không hoàn hảo nhưng nếu chuyện đó không tồn tại anh phải tạo ra nó" - ông đã nói như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn Đài BBC nhân dịp sinh nhật tuổi 80 trong tháng 4 vừa qua.

Những lời chia buồn của thế giới

Kofi Annan

Ông Kofi Annan và phu nhân - Ảnh: AFP

Tổng thư ký LHQ đương nhiệm, ông António Guterres, nói về người tiền bối Annan "là một động lực dẫn lối cho những điều tốt đẹp...

Trên nhiều phương diện, ông Kofi Annan đã là LHQ. Ông ấy đã vươn lên qua nhiều cấp bậc để lãnh đạo tổ chức bước vào một thiên niên kỷ mới với phẩm giá và sự kiên định vô song".

Ông Carl Bildt, chính trị gia Thụy Điển thuộc Hội đồng đối ngoại châu Âu, từng làm phái viên đặc biệt của Tổng thư ký LHQ Kofi Annan ở khu vực Balkan giai đoạn 1999-2001, viết trên Twitter: "Rất đau buồn trước sự ra đi của ông Kofi Annan.

Một trong những nhà lãnh đạo toàn cầu thực sự của thời đại chúng ta. Một con người dũng cảm, trí tuệ và thân thiện. Tôi vinh dự vì đã có may mắn được làm việc cho ông ấy".

Cựu thủ tướng Anh Tony Blair chia sẻ trên Twitter cho biết ông thấy sốc và đau buồn trước sự ra đi của ông Annan. "Ông ấy là người bạn tốt tôi vừa gặp vài tuần trước.

Ông Kofi Annan là một nhà ngoại giao tuyệt vời, một chính khách đích thực và một đồng nghiệp xuất sắc rất được tôn trọng và sẽ rất nhiều người nhớ ông ấy. Xin được chia sẻ nỗi buồn sâu sắc này với bà Nane và gia đình ông".

Thủ tướng Anh đương nhiệm Theresa May cũng gửi lời chia buồn tới gia đình ông Annan: "Thật buồn khi nghe tin ông Kofi Annan qua đời.

Một nhà lãnh đạo tuyệt vời và nhà cải cách của LHQ, ông đã góp phần lớn lao để giúp thế giới ông bỏ lại trở thành một nơi tốt đẹp hơn thế giới nơi ông đã sinh ra. Xin gửi lời chia buồn của tôi tới gia đình ông".

Bà Harlem Brundtland, cựu thủ tướng Na Uy và cũng là phó chủ tịch Tổ chức The Elders, cho biết bà và các đồng nghiệp rất đau buồn trước sự ra đi của ông Annan.

Bà nói: "Ông Kofi là sự hiện diện mạnh mẽ và đầy cảm hứng với tất cả chúng tôi, và Tổ chức The Elders sẽ không thể được như hôm nay nếu không có sự lãnh đạo của ông ấy.

Suốt đời mình, ông Kofi đã làm việc không ngừng nghỉ để cải thiện cuộc sống của hàng triệu người trên toàn thế giới".

Kofi Annan: 'Châu Phi tự hào' Kofi Annan: "Châu Phi tự hào"

TTO - Cựu tổng thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan đã có buổi trò chuyện với FIFA về việc châu Phi lần đầu tiên tổ chức World Cup 2010.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên