08/06/2019 09:23 GMT+7

Việt Nam trúng cử Hội đồng Bảo an: vinh dự lớn, trách nhiệm nặng nề

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Tư cách ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) mang lại trách nhiệm to lớn hơn cho Việt Nam, đi kèm những lợi ích tiềm tàng về ngoại giao trong tương lai.

Việt Nam trúng cử Hội đồng Bảo an: vinh dự lớn, trách nhiệm nặng nề - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hoài Trung phát biểu sau khi Việt Nam trúng cử ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 - Ảnh chụp màn hình United Nations

Theo kết quả bầu chọn tại khóa họp thứ 73 Đại hội đồng LHQ công bố tối 7-6, Việt Nam nhận 192/193 phiếu, tức gần tuyệt đối. 

Điều này đồng nghĩa Việt Nam nhận sự ủng hộ vượt xa mốc tối thiểu 129/193, và chính thức trúng cử vào ghế ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021.

“Việt Nam trở thành thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc là một vinh dự lớn lao, khẳng định đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, song cũng là trách nhiệm hết sức nặng nề, đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực hết mình để hoàn thành trọng trách mà cộng đồng quốc tế giao phó.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng

Thành quả xứng đáng

HĐBA LHQ là cơ quan chính trị quan trọng nhất của LHQ, gồm 15 thành viên. Cơ quan này có 5 thành viên thường trực gồm: Anh, Pháp, Mỹ, Nga và Trung Quốc.

Trong khi số thành viên thường trực này cố định, 10 thành viên không thường trực còn lại sẽ được bầu luân phiên và có nhiệm kỳ 2 năm.

Tại cuộc họp năm nay, Đại hội đồng bầu lại 5 ủy viên không thường trực. Kết quả: Niger và Tunisia sẽ thay thế vị trí của Bờ Biển Ngà và Guinea Xích Đạo tại khu vực châu Phi, Việt Nam thay Kuwait tại châu Á, Grenadines thay Peru tại Mỹ Latin và Estonia/Romania sẽ thay Ba Lan ở Đông Âu.

Việt Nam và các nước nêu trên dự kiến bắt đầu nhiệm kỳ từ ngày 1-1-2020. Đây là lần thứ hai Việt Nam đảm nhiệm vị trí ủy viên không thường trực HĐBA LHQ, sau khi đã trúng cử nhiệm kỳ 2008-2009.

Kết quả này phản ánh sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam, và ngược lại cũng là thành quả xứng đáng của Việt Nam sau quá trình dài vận động và đóng góp vào hòa bình, an ninh thế giới - những nhiệm vụ cốt lõi của HĐBA. 

Kể cả khi kết thúc nhiệm kỳ 2008-2009, Việt Nam cũng tiếp tục cống hiến không ngừng nghỉ với các vai trò như thành viên Hội đồng nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016, Hội đồng kinh tế và xã hội LHQ (2015-2019) và Hội đồng chấp hành UNESCO (2017-2021).

Dấu ấn rõ nét gần nhất của Việt Nam trong công tác thúc đẩy giải pháp hòa bình là việc tổ chức thành công Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội, một sự kiện cầu nối để Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đối thoại và tiến gần hơn tới các vấn đề xung quanh tình hình hạt nhân Triều Tiên.

Đón thử thách, nhận thời cơ

Các ủy viên mới bầu sẽ tiếp tục lãnh trọng trách góp phần xây dựng chương trình nghị sự, tham gia định hình chính sách của LHQ. 

Khối lượng công việc của các thành viên mới bao gồm Việt Nam được nhận xét rất nặng nề. Thế giới hiện nay còn nhiều điểm nóng xung đột như Ukraine, Venezuela, Trung Đông, khủng bố... bên cạnh các thách thức phi truyền thống.

Đơn cử, hai đại diện Niger và Tunisia cũng như thành viên đương nhiệm Nam Phi sẽ đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do châu Phi (African Continental Free Trade Agreement) đã có hiệu lực từ ngày 30-5-2019. 

Các nước này gần như chắc chắn sẽ thúc đẩy hợp tác kinh tế với Liên minh châu Âu (EU).

Tương tự, Việt Nam sẽ đón nhận nhiệm vụ mới tại HĐBA trong bối cảnh châu Á vừa là tâm điểm phát triển kinh tế, vừa là điểm nóng cạnh tranh ảnh hưởng của các nước lớn. 

Lượng công việc của Việt Nam thậm chí còn nhiều hơn khi đồng thời sắp bước vào nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào đúng năm 2020.

Nhưng ngược lại, quá trình cống hiến và những vai trò quan trọng Việt Nam sắp nắm giữ cũng mang lại lợi ích đáng kể. 

Việc thực hiện nhiệm vụ ủy viên không thường trực HĐBA và chủ tịch luân phiên ASEAN cũng phù hợp với cách tiếp cận tích cực của Việt Nam trong tiến trình đa phương. Vốn dĩ Việt Nam đã thúc đẩy đa phương thông qua chỉ thị 25.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 7-6, tiến sĩ Alexey Muraviev - phó giáo sư Viện Nghiên cứu chiến lược an ninh quốc gia Đại học Curtin (Úc), một nhà nghiên cứu về khu vực - nhận định: "Việc được bầu làm ủy viên không thường trực HĐBA LHQ sẽ tiếp tục nâng cao tiếng nói, sức nặng của Việt Nam xét về địa chính trị, như một nhân tố quan trọng và có tầm ảnh hưởng tại khu vực đang phát triển như Đông Nam Á cũng như xa hơn".

Hơn 300 quân nhân sẵn sàng tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình

lhq

Những giây phút khó quên khi Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc - Ảnh: United Nations Peacekeeping

"Đội công binh Việt Nam gồm 290 cán bộ, sĩ quan, chiến sĩ đã cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị về tổ chức biên chế, trang thiết bị, trình độ ngoại ngữ, năng lực chuyên môn và sẵn sàng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc từ năm 2020".

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cho biết như vậy tại Hội nghị sơ kết 5 năm Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc, ngày 7-6.

Ngoài ra, hàng chục bác sĩ, y tá trong biên chế bệnh viện dã chiến cấp 2 (số 2) cũng đã sẵn sàng để thay thế 63 cán bộ, sĩ quan Việt Nam trong đội hình bệnh viện dã chiến cấp 2 (số 1) đang thực hiện nhiệm vụ ở Nam Sudan.

ĐỨC BÌNH

Chờ giây phút... Việt Nam trúng cử Hội đồng Bảo an Chờ giây phút... Việt Nam trúng cử Hội đồng Bảo an

TTO - Dự kiến tối 7-6 (giờ Việt Nam), Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc sẽ tổ chức bầu 5 ủy viên không thường trực mới của Hội đồng Bảo an tại trụ sở ở thành phố New York (Mỹ).

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên