Tại hội thảo "Hướng tới triển khai thành công quy định EPR tại Việt Nam" diễn ra tại TP.HCM ngày 26-10, các diễn giả đến từ các tổ chức, doanh nghiệp đầu ngành đã nêu các giải pháp bổ sung, hoàn thiện cơ chế EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất).
EPR là bước tiến lớn nhưng còn nhiều bất cập
Phát biểu tại sự kiện, ông Phạm Phú Ngọc Trai - chủ tịch Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) - chia sẻ Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên tại Đông Nam Á áp dụng công cụ EPR.
Ông Ngọc Trai đánh giá đây là một bước tiến dài, nỗ lực đáng kể của quốc gia trong việc giữ gìn nguồn tài nguyên cho thế hệ mai sau. "Việc triển khai EPR hiệu quả sẽ giúp chúng ta đạt được các kỳ vọng về môi trường tốt đẹp hơn", ông Trai nhấn mạnh.
"Tuy các nhà sản xuất sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức khi EPR chính thức đi vào thực thi nhưng với sự nỗ lực của các bên liên quan, đặc biệt sự tham gia tích cực của các tổ chức phi chính phủ như PRO, EPR tại Việt Nam nhất định được triển khai hiệu quả", ông Trai nói.
Cần sự tham gia tích cực từ tất cả các bên
Ông Nguyễn Hữu Tiến - chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) - lấy bài học ví dụ từ Đài Loan khi nơi này đã tái chế gần 70% rác thải và triển khai thành công EPR.
Theo ông Tiến, EPR tại Đài Loan dựa vào bốn trụ cột chính hoạt động gồm: chính quyền, cư dân, quỹ tái chế, nhà tái chế.
Tại Việt Nam, hoạt động tái chế còn dựa chủ yếu vào lực lượng phi chính thức như đồng nát, ve chai, làng nghề tái chế...
"Từ thu gom tới tái chế cần một quy trình theo tiêu chuẩn. Chúng ta đang thiếu nghiêm trọng cơ sở hạ tầng tái chế đạt tiêu chuẩn EPR. Đặc biệt những nhà máy đủ khả năng tái chế các loại rác", ông Tiến nhấn mạnh.
"Để giảm định mức tái chế cũng như thực hiện thành công EPR, các trụ cột, lực lượng cần cùng kết hợp chặt chẽ, liên kết, cùng thúc đẩy nhau tiến lên", ông Tiến nói.
Cần nhìn nhận đúng vai trò của lực lượng ve chai, đồng nát và có chính sách phù hợp
Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Hoài Linh - giám đốc quốc gia Tổ chức hành động vì môi trường và phát triển (ENDA) tại Việt Nam.
Theo bà Linh, hiện nay lực lượng thu gom rác thải chính là các lực lượng phi chính thức (đồng nát, ve chai...). Lực lượng này phải làm việc trong môi trường độc hại, không được bảo vệ lẫn phúc lợi xã hội.
Theo bà Linh, dưới tác động của công cụ chính sách EPR, phế thải có thể bán với giá cao hơn. Bên cạnh đó, lực lượng không chính thức cũng có cơ hội nhận được hỗ trợ từ quỹ bảo vệ môi trường từ công cụ EPR để cải thiện cuộc sống.
Tuy nhiên, bà Linh nhận định EPR sẽ thúc đẩy việc thành lập các công ty tái chế chuyên nghiệp cạnh tranh trực tiếp với các cơ sở tái chế và các làng nghề. Hơn nữa, các quy định EPR sẽ yêu cầu các cơ sở tái chế đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe theo quy định của pháp luật.
Để lực lượng phi chính thức đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn khắt khe trên vô cùng khó. Chính vì vậy, bà Linh cho hay cần được quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn lực lượng này trong thời gian tới.
Trong khuôn khổ hội thảo "Hướng tới triển khai thành công quy định EPR tại Việt Nam", PRO Việt Nam cũng sẽ ký kết biên bản ghi nhớ với Câu lạc bộ báo chí phát triển xanh (Green Media Hub) cam kết cùng nhau phát triển các chiến lược truyền thông hiệu quả trong dài hạn, góp phần thực thi EPR hiệu quả.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận