Đại sứ Đặng Đình Quý - trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc - Ảnh: TTXVN
Khởi động tháng chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ngày 1-4, Đại sứ Đặng Đình Quý nêu quan ngại về tình hình bạo lực gia tăng ở Myanmar, vốn đã làm chết hàng trăm người.
Việt Nam hôm 1-4 (giờ New York) chính thức đảm nhiệm vai trò chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và đã tiến hành các hoạt động đầu tiên. Đây là kỳ chủ tịch thứ hai và cuối cùng của Việt Nam trong nhiệm kỳ ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc 2020-2021.
Tháng chủ tịch luân phiên của Việt Nam được dự đoán sẽ đầy thách thức, khi rơi vào giai đoạn toàn cầu có nhiều điểm nóng xung đột, cụ thể là tình hình chính biến và biểu tình ở Myanmar.
Tham gia hội nghị trực tuyến của Hội đồng Bảo an, Đại sứ Đặng Đình Quý, trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, đã kêu gọi tất cả các bên tìm mọi cách có thể để ngồi xuống và đối thoại với nhau về tình hình Myanmar.
Đại sứ Đặng Đình Quý khẳng định "tất cả các bên" ở Myanmar cần nhanh chóng ngồi lại nhằm tránh bất ổn và đổ máu. Ông cũng nêu quan ngại về tình hình bạo lực tại Myanmar.
Phát biểu của phía Việt Nam thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế, khi Việt Nam khởi động tháng chủ tịch luân phiên ở Hội đồng Bảo an, đồng thời cũng là nhân tố tích cực thúc đẩy hợp tác giữa Liên Hiệp Quốc, các tổ chức quốc tế với Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong việc tìm giải pháp cho xung đột.
Việt Nam, cũng như ASEAN nói chung, đều phải ưu tiên hài hòa giữa việc thể hiện vai trò đối với Myanmar - mối quan tâm của cộng đồng quốc tế, và đảm bảo nguyên tắc không can thiệp nội bộ Myanmar.
Theo tường thuật của Hãng thông tấn Adanolu (Thổ Nhĩ Kỳ), một phóng viên đã hỏi Đại sứ Đặng Đình Quý rằng liệu có chuyện hai bên bình đẳng ngồi lại đàm phán về việc chấm dứt đổ máu ở Myanmar hay không, trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh rằng "vào lúc này, chúng tôi cho cách duy nhất là phải có sự tham gia của tất cả mọi người".
Ông đáp: "Nếu chúng ta khiến bất kỳ bên nào ở Myanmar cảm thấy họ không được tham gia, hoặc cảm thấy rằng họ bị cô lập, mọi thứ sẽ có thể trở nên tồi tệ hơn. Vì vậy, câu hỏi của bạn là đúng, nhưng có cách nào khác không? Rất khó để nói về những lựa chọn thay thế lúc này".
Theo TTXVN, Đại sứ Đặng Đình Quý tại hội nghị trực tuyến trên đã nhấn mạnh vai trò của đối thoại, hòa giải, hợp tác, và xây dựng lòng tin, cho đây là những điều cần thiết trong việc tìm giải pháp cho Myanmar.
Ông Đặng Đình Quý kêu gọi các bên chấm dứt bạo lực nhằm vào dân thường, đồng thời khẳng định ưu tiên lúc này phải là đảm bảo an ninh, an toàn cho cư dân địa phương cũng như các giải pháp hỗ trợ nhân đạo cần thiết, đặc biệt đối với các nhóm dễ tổn thương.
Đại sứ Quý cũng nói rằng cộng đồng quốc tế nên tiếp tục ủng hộ Myanmar để nước này ổn định tình hình quốc nội, và tránh những hành động có thể gia tăng sự chia rẽ trong Myanmar.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận