03/04/2024 16:16 GMT+7

Việt Nam đang thả nổi, thiếu tiêu chuẩn về chất lượng trước khi xuất khẩu sầu riêng?

CHÍ TUỆ
và 1 tác giả khác

Sầu riêng Việt Nam tại thị trường Trung Quốc không được đánh giá cao bằng sầu riêng Thái Lan, do thiếu tiêu chuẩn trước khi xuất khẩu.

Sầu riêng được trưng bày bên lề sự kiện - Ảnh: C.TUỆ

Sầu riêng được trưng bày bên lề sự kiện - Ảnh: C.TUỆ

Ông Nông Ngọc Trung - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Cánh Đồng Vàng (Lạng Sơn) - chia sẻ như vậy tại chương trình "Kỷ niệm 1 năm hợp tác chiến lược giữa Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp và TikTok Việt Nam", diễn ra sáng 3-4.

Là doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc, ông Trung cho biết sầu riêng Việt Nam đang thua cả về chất và lượng so với sầu riêng Thái Lan. Nguyên nhân do Thái Lan có những chính sách, luật áp dụng vào ngành hàng này.

Theo ông Trung, Thái Lan đưa ra quy định sầu riêng muốn xuất khẩu phải đạt tối thiểu tiêu chuẩn của nước nhập khẩu.

Thậm chí họ đã làm khắt khe hơn tiêu chuẩn của nước nhập khẩu như tự động đưa tiêu chuẩn về chất khô trong trái sầu riêng lên đến 32% (bình thường chất khô sẽ chiếm 28-29%).

Các doanh nghiệp muốn xuất khẩu sầu riêng phải đạt độ khô 32%, khi đó cơ quan quản lý nhà nước của Thái Lan mới cho phép doanh nghiệp mở tờ khai để xuất khẩu lô hàng đó. Việc này mang lại giá trị cao cho ngành hàng tỉ đô của họ.

Điều này cho thấy Thái Lan rất quan tâm, chú trọng chất lượng sầu riêng trước khi xuất khẩu. Trong khi đó, chúng ta đang thả nổi chất lượng, để các doanh nghiệp làm một cách đối phó, gần như không theo một quy định nào về chất lượng trước khi xuất khẩu.

Ông Trung dẫn chứng sầu riêng Việt Nam hàm lượng chất khô chỉ đạt 28-29%, hơn nữa chúng ta đang làm theo một cách thức rất thủ công trong quá trình đóng gói sầu riêng.

"Khoảng 90% doanh nghiệp Việt Nam làm thuê cho Trung Quốc trong công đoạn gia công và họ bị áp lực về sản lượng, thời gian giao hàng. Điều này khiến họ không có đủ thời gian để gia công cho quả sầu riêng đủ khô để xuất sang thị trường Trung Quốc.

Việc này dẫn tới quả sầu riêng độ ẩm không đồng đều, không đạt độ khô thì sẽ bị mốc, hư hỏng. Khi hải quan Trung Quốc kiểm tra mà không đạt tiêu chuẩn như bị ẩm mốc, có vi khuẩn thì phải đưa vào hun trùng.

Trong khi đó, chi phí vô trùng cho một lô hàng mất rất nhiều và thời gian từ 5-7 ngày, làm thất thoát giá trị của quả sầu riêng.

Khi lô hàng của doanh nghiệp không đạt tiêu chuẩn như vậy thì Trung Quốc sẽ cảnh báo, có thể họ cho phép hun trùng một hai lô đầu tiên, sang lô thứ ba sẽ tạm dừng, cấm xuất khẩu sang Trung Quốc" - ông Trung chia sẻ.

Ông Nông Ngọc Trung - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Cánh Đồng Vàng - Ảnh: C.TUỆ

Ông Nông Ngọc Trung - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Cánh Đồng Vàng - Ảnh: C.TUỆ

Đề xuất giải pháp về công nghệ xanh trong quy trình chế biến, xử lý sầu riêng, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, ông Trung cho biết doanh nghiệp của ông đang ứng dụng công nghệ để hàm lượng chất khô trong trái sầu riêng đạt 35% trước khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc (khô hơn Thái Lan 3%).

Việc làm trái sầu riêng khô đạt 35% thì chất lượng sẽ ngon hơn, giá trị bán cao hơn bình thường, thời gian bảo quản lên tới 30 ngày (thủ công chỉ khoảng 12-13 ngày).

"Điều này được hải quan Trung Quốc và khách hàng bán buôn, bán lẻ, người tiêu dùng Trung Quốc khẳng định rằng sầu riêng Việt Nam được xử lý bằng công nghệ của chúng tôi ngon hơn hàng Thái Lan" - ông Trung nói, và mong muốn cơ quan quản lý nhà nước có những chính sách, quy định, tiêu chuẩn trước khi xuất khẩu để ngành hàng sầu riêng nói riêng, nông sản nói chung có chất lượng và chỗ đứng ở các thị trường xuất khẩu.

Thu 100 tỉ đồng từ "chợ phiên OCOP"

Ông Nguyễn Minh Tiến - giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Agritrade) - cho biết sau một năm phối hợp cùng TikTok Việt Nam triển khai, chợ phiên OCOP đã thu về nhiều hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ giá trị chương trình OCOP cho người dùng mạng xã hội như: hashtag #OCOP đạt 1,4 tỉ lượt xem.

Hơn 800 phiên livestream chợ phiên OCOP được tổ chức với doanh số của chương trình đạt hơn 100 tỉ đồng.

Đồng thời hỗ trợ cho hơn 3.000 chủ thể OCOP trên cả nước làm quen với kinh doanh trực tuyến.

Ông Tiến cũng cho biết trong năm 2024 tiếp tục mở rộng các phiên chợ OCOP vào thứ bảy hằng tuần ở các địa phương; tạo môi trường thuận lợi để vườn ươm hạt giống OCOP phát triển.

Đặc biệt, hai bên sẽ không dừng ở việc quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP tại thị trường trong nước, mà lựa chọn những sản phẩm OCOP tiêu biểu để giới thiệu với các thị trường ngoài nước trên khuôn khổ hợp tác khu vực từ TikTok Singapore, TikTok ASEAN và từng bước thâm nhập thị trường Trung Quốc.

Đưa nông sản OCOP lên mạng xã hội TikTokĐưa nông sản OCOP lên mạng xã hội TikTok

TikTok Việt Nam sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã trong việc số hóa các hoạt động xúc tiến thương mại thuộc chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên