04/11/2019 12:30 GMT+7

Việt Nam chất vấn Trung Quốc trong hội nghị ASEAN

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Các quan chức Việt Nam đã hỏi thẳng rằng đàm phán COC có thể đi tới đâu, nếu các tàu đánh cá Trung Quốc dưới sự hộ tống của dân quân biển và hải cảnh Trung Quốc cứ tiếp tục xâm phạm vùng biển Việt Nam.

Việt Nam chất vấn Trung Quốc trong hội nghị ASEAN - Ảnh 1.

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng tại Hội nghị Quan chức cấp cao ASEAN chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35 ngày 1-11 tại Thái Lan - Ảnh: ASEAN

Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35 khép lại ngày làm việc hôm qua 3-11 bằng việc ra Tuyên bố chủ tịch ASEAN. Theo lịch trình, hội nghị sẽ chính thức bế mạc vào tối nay 4-11 với nghi thức chuyển giao quyền chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2020 từ Thái Lan sang Việt Nam.

Trong Tuyên bố chủ tịch ASEAN được phát đi lúc 19h ngày 3-11, các lãnh đạo ASEAN cho biết đã thảo luận về các vấn đề liên quan đến Biển Đông, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.

"Chúng tôi tái khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng niềm tin, tự kiềm chế và tránh các hoạt động làm phức tạp thêm tình hình, theo đuổi các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp theo luật quốc tế", tuyên bố nêu rõ.

Hãng thông tấn AP dẫn các nguồn tin riêng tiết lộ Việt Nam muốn đưa cụm từ "các sự cố nghiêm trọng gần đây" vào Tuyên bố chủ tịch ASEAN song nỗ lực này đã bị Campuchia phản đối.

Thoạt đầu cụm này xuất hiện trong dự thảo tuyên bố, song đến khi chủ nhà Thái Lan - nước giữ cương vị chủ tịch luân phiên ASEAN, phát đi tuyên bố chính thức, nó đã bị lược bỏ.

"Chúng tôi lưu ý và quan ngại về việc bồi đắp đất và các hoạt động trong khu vực, cho rằng điều này đã làm xói mòn niềm tin và sự tự tin, tăng căng thẳng và có thể làm suy yếu hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực", đoạn về Biển Đông trong tuyên bố chính thức viết.

Bộ Ngoại giao Campuchia chưa đưa ra phản hồi trước thông tin của hãng thông tấn Mỹ.

Việt Nam chất vấn Trung Quốc trong hội nghị ASEAN - Ảnh 2.

Đoàn Campuchia tại hội nghị SOM-DOC lần thứ 18 ở Đà Lạt - Ảnh: DUY LINH

Trong hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc ngày 3-11, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tiếp tục hối thúc ASEAN hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) trong thời gian 3 năm. Ông Lý nhấn mạnh hòa bình và ổn định ở khu vực có sự đóng góp của Bắc Kinh.

Hai nhà ngoại giao ASEAN giấu tên liền sau đó tiết lộ với AP về một cuộc họp căng thẳng gần đây giữa ASEAN và Trung Quốc ở Việt Nam.

Theo đó, các quan chức Việt Nam đã chất vấn thẳng trong cuộc họp rằng liệu đàm phán COC có thể đi tới đâu nếu các tàu đánh cá Trung Quốc dưới sự hộ tống của dân quân biển và hải cảnh Trung Quốc tiếp tục xâm phạm vùng biển Việt Nam.

Trưởng đoàn Trung Quốc sau đó đã đáp trả và úp mở nói rằng ASEAN "không nên để một nước cướp quyền điều khiển tiến trình đàm phán COC", hai nhà ngoại giao kể lại với AP nhưng không nói rõ thời gian diễn ra sự việc.

Việt Nam chất vấn Trung Quốc trong hội nghị ASEAN - Ảnh 3.

Trường đoàn Trung Quốc Hồng Lượng (phải) gặp riêng trưởng đoàn Thái Lan tại hội nghị SOM-DOC lần thứ 18 ở Đà Lạt tháng 10-2019 - Ảnh: DUY LINH

Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, trong Hội nghị quan chức cao cấp ASEAN -Trung Quốc về thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (SOM-DOC) lần thứ 18 ngày 15-10 tại Đà Lạt, trước sự có mặt của đoàn Trung Quốc và 9 đoàn ASEAN còn lại, đoàn Việt Nam đã nhấn mạnh các hành vi vi phạm luật quốc tế của Trung Quốc đã và đang ảnh hưởng tiêu cực tới hòa bình và an ninh ở khu vực, không tạo bối cảnh thuận lợi cho tiến trình đàm phán COC.

"Trung Quốc vẫn tiếp tục quấy phá các hoạt động của Việt Nam, Malaysia và Philippines. Điều đó cho thấy họ sẽ không thỏa hiệp và chấp nhận đàm phán COC một cách thực chất", ông Greg Poling, giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á, nhận định với AP.

Hội Luật quốc tế Việt Nam đấu luật với Trung Quốc về Biển Đông Hội Luật quốc tế Việt Nam đấu luật với Trung Quốc về Biển Đông

TTO - Chủ tịch Hội Luật quốc tế Việt Nam (VSIL) đã gửi thư trả lời chủ tịch Hội Luật quốc tế Trung Quốc (CSIL), trao đổi lại về những vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam của nhóm tàu Hải Dương địa chất 8.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên