18/10/2019 14:51 GMT+7

Mỹ cảnh báo Trung Quốc lợi dụng COC cho mưu đồ trên Biển Đông

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - "Trong khi cam kết ngoại giao hòa bình, các lãnh đạo Trung Quốc lại xua tàu chiến, hải cảnh và dân quân biển đi bắt nạt nước khác. Mà điển hình nhất là vụ quấy rối Việt Nam ở bãi Tư Chính", trợ lý ngoại trưởng Mỹ David Stilwell lập luận.

Mỹ cảnh báo Trung Quốc lợi dụng COC cho mưu đồ trên Biển Đông - Ảnh 1.

Trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương David Stilwell (trái) trong cuộc gặp với Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi tháng 9-2019 - Ảnh: ASEAN

Tuyên bố được ông Stilwell đưa ra trong cuộc điều trần trước Tiểu ban Đông Á thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ ngày 16-10.

Quan chức Mỹ nhấn mạnh rằng "các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông không chỉ đe dọa các bên có tuyên bố chủ quyền ở khu vực, các quốc gia Đông Nam Á nói chung, mà còn là mối nguy cho tất cả quốc gia giao thương qua lại, tất cả những nước xem trọng tự do hàng hải và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình".

Trợ lý ngoại trưởng Mỹ khẳng định yêu sách "đường 9 đoạn" (tức đường lưỡi bò) của Trung Quốc ở Biển Đông vô lý và bất hợp pháp thế nhưng họ vẫn tiếp tục áp đặt ý chí lên nước khác phải thừa nhận sự phi lý đó bằng cách này hoặc cách khác.

"Chúng tôi thực sự hoài nghi Trung Quốc đang muốn xây dựng một Bộ quy tắc ứng xử trên biển (COC) vì muốn củng cố luật quốc tế. Trong khi cam kết ngoại giao hòa bình, các lãnh đạo Trung Quốc lại xua tàu chiến, hải cảnh và dân quân biển đi bắt nạt nước khác. Mà điển hình nhất là vụ quấy rối Việt Nam ở Bãi Tư Chính.

Nếu Trung Quốc sử dụng COC để hợp pháp hóa các hành vi ngang ngược và những yêu sách hàng hải vô lý của họ cũng như trốn tránh các cam kết theo luật quốc tế, COC sẽ gây hại cho khu vực và tất cả những nước đề cao tự do hàng hải", ông Stilwell đưa ra cảnh báo.

Mỹ cảnh báo Trung Quốc lợi dụng COC cho mưu đồ trên Biển Đông - Ảnh 2.

Tài liệu của phái đoàn Trung Quốc trong hội nghị các quan chức cấp cao về thực thi DOC tháng 10-2019 tại Đà Lạt (Việt Nam) - Ảnh: BẢO DUY

Trung Quốc và 10 nước ASEAN vẫn đang trong giai đoạn đàm phán COC, trong đó Bắc Kinh đặt mục tiêu sẽ hoàn tất trong vòng 3 năm. Giới học giả đã cảnh báo nếu COC không có tính ràng buộc pháp lý, nó sẽ đi vào vết xe đổ của Tuyên bố các bên về ứng xử trên Biển Đông (DOC) năm 2002.

Hồi tháng 1 năm nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức ký thông qua Đạo luật Sáng kiến trấn an châu Á (ARIA). Theo đó Mỹ sẽ liên tục đảm bảo tự do hàng hải, hàng không và các hoạt động hợp pháp khác trên biển.

"Chúng tôi đã tiến hành các chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông trong năm 2019 nhiều nhất trong vòng 25 năm qua. Đó là minh chứng cho thấy Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện quyền tự do đi lại và bay ngang qua bất kỳ nơi nào luật quốc tế cho phép", ông Stilwell lập luận.

Hôm 23-9, Tổng thống Trump và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã ký một thỏa thuận cho phép quân đội Mỹ được tiếp tục sử dụng các căn cứ không quân, hải quân và hậu cần của Singapore thêm ít nhất 15 năm nữa.

Theo ông Stilwell, thỏa thuận này cho thấy Singapore ghi nhận sự hiện diện của quân đội Mỹ đã củng cố nền hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong nhiều thập kỷ.

EU quan ngại về tình hình Biển Đông EU quan ngại về tình hình Biển Đông 'Chủ quyền biển đảo của Việt Nam ở Biển Đông đang bị thách thức nghiêm trọng' Trung Quốc cù nhầy, cưỡng ép ở Biển Đông Trung Quốc cù nhầy, cưỡng ép ở Biển Đông
BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0