29/04/2021 17:05 GMT+7

Việt Nam bác thông tin xuyên tạc của Trung Quốc về dân quân tự vệ biển

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 29-4 bác bỏ những thông tin không đúng từ phía Trung Quốc về lực lượng dân quân tự vệ biển Việt Nam.

Việt Nam bác thông tin xuyên tạc của Trung Quốc về dân quân tự vệ biển - Ảnh 1.

Tàu tấn công đổ bộ Type 075 của Trung Quốc mang số hiệu 31 tại cảng Tam Á - Ảnh: Global Times/CCTV

Tuần trước, tờ South China Morning Post (Hong Kong) dẫn một bài viết của tạp chí Naval and Merchant Ships khẳng định Việt Nam đang xây dựng lực lượng dân quân tự vệ biển trong bối cảnh Trung Quốc thúc đẩy các nỗ lực nhằm thống trị Biển Đông.

Trong bài báo xuất bản trung tuần tháng 4 này, tạp chí về quân sự của Trung Quốc khẳng định "lực lượng dân quân biển của Việt Nam và các hoạt động của lực lượng này gần đảo Hải Nam, quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa đã đe dọa lực lượng thực thi pháp luật hàng hải và an ninh quốc phòng của Trung Quốc".

Trả lời câu hỏi của phóng viên về vấn đề này tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 29-4, phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt khẳng định Việt Nam bác bỏ những thông tin không đúng về lực lượng dân quân tự vệ biển của Việt Nam.

"Việt Nam thực hiện chính sách quốc phòng hòa bình, tự vệ và toàn dân. Theo Luật dân quân tự vệ năm 2019, dân quân tự vệ biển là một thành phần của lực lượng dân quân tự vệ Việt Nam, có chức năng, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển và Tổ quốc, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên biển đảo.

Dân quân tự vệ biển và các lực lượng chức năng khác hoạt động trên biển tuyệt đối tuân thủ luật pháp Việt Nam, luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982", ông nói.

Tại họp báo, ông Đoàn Khắc Việt cũng nhận các câu hỏi khác liên quan tới tình hình Biển Đông, bao gồm việc Trung Quốc điều tàu sân bay Sơn Đông (CV-17) và tàu đổ bộ tấn công Hải Nam (Type 075) tới Biển Đông.

Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao tái nhấn mạnh lập trường nhất quán của Việt Nam về Biển Đông, trong đó mọi hoạt động trên biển cần được tiến hành dựa trên cơ sở của UNCLOS 1982, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia ven biển, tại các vùng biển được xác lập theo công ước.

"Việt Nam mong rằng các nước sẽ nỗ lực đóng góp, thực hiện mục tiêu, nguyện vọng chung của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế về việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, thượng tôn pháp luật ở Biển Đông", ông Đoàn Khắc Việt khẳng định.

Hôm 23-4, Trung Quốc đã biên chế 3 tàu chiến gồm tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy năng lượng hạt nhân Type 094, tàu khu trục Type 055 và tàu tấn công đổ bộ Type 075 (tức tàu Hải Nam). Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới dự và chủ trì lễ biên chế ở Tam Á, đảo Hải Nam.

Động thái trên của Trung Quốc gây chú ý trong bối cảnh tình hình Biển Đông tiếp tục chứng kiến những biểu hiện căng thẳng từ đầu năm.

Trung Quốc đã tiến hành những đợt tập trận kéo dài hàng tháng trời, cũng như gây quan ngại bằng việc công bố luật hải cảnh mới - được cho sẽ giúp lực lượng chấp pháp trên biển của nước này dễ dàng sử dụng vũ lực hơn.

Cùng thời gian này, hải quân các nước châu Âu hay khu vực Bắc Mỹ cũng điều tàu chiến đi qua Biển Đông.

Đưa 3 tàu chiến hiện đại nhất vào biên chế, Trung Quốc lập tức Đưa 3 tàu chiến hiện đại nhất vào biên chế, Trung Quốc lập tức 'giương oai' trên Biển Đông

TTO - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đích thân tới căn cứ Tam Á (đảo Hải Nam) dự lễ biên chế 3 tàu chiến hiện đại nhất của Trung Quốc cho hạm đội trực chiến Biển Đông. Buổi lễ diễn ra khi tàu sân bay Liêu Ninh vẫn lướt sóng trên Biển Đông.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên