28/04/2021 07:59 GMT+7

Đưa 3 tàu chiến hiện đại nhất vào biên chế, Trung Quốc lập tức 'giương oai' trên Biển Đông

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đích thân tới căn cứ Tam Á (đảo Hải Nam) dự lễ biên chế 3 tàu chiến hiện đại nhất của Trung Quốc cho hạm đội trực chiến Biển Đông. Buổi lễ diễn ra khi tàu sân bay Liêu Ninh vẫn lướt sóng trên Biển Đông.

Đưa 3 tàu chiến hiện đại nhất vào biên chế, Trung Quốc lập tức giương oai trên Biển Đông - Ảnh 1.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trao quân kỳ cho chỉ huy tàu ngầm hạt nhân Trường Chinh 18 - Ảnh: Tân Hoa xã

Sự xuất hiện của ông Tập Cận Bình, người đang giữ chức tổng bí thư kiêm chủ tịch quân ủy trung ương, không phải là điều đặc biệt duy nhất. 

Việc Hạm đội Nam Hải được biên chế cùng lúc 3 tàu chiến lớn và khác loại (1 tàu ngầm nguyên tử, 1 khu trục hạm và 1 chiến hạm đổ bộ) được đánh giá là sự kiện chưa từng có và rõ ràng phát đi tín hiệu nhà lãnh đạo Trung Quốc đang dành sự chú tâm rất lớn cho việc nâng cao năng lực hải quân.

Hạm đội "con cưng"

Lễ biên chế tàu khu trục Đại Liên (số hiệu 105), tàu đổ bộ trực thăng Hải Nam (số hiệu 31) và tàu ngầm hạt nhân Trường Chinh 18 (số hiệu 421) được tổ chức tại một căn cứ hải quân thuộc thành phố Tam Á, đảo Hải Nam, ngày 23-4. Tuy nhiên, mãi đến ngày 24 và 25-4, truyền thông nhà nước Trung Quốc mới loan tin về sự kiện.

Những con tàu vừa gia nhập biên chế Hạm đội Nam Hải là những tàu hiện đại nhất mà Trung Quốc chế tạo được. Trong Hải quân Trung Quốc, Hạm đội Nam Hải luôn được ưu ái so với 2 hạm đội Bắc Hải và Đông Hải. 

Tàu sân bay Sơn Đông (CV-17), tàu sân bay đầu tiên Trung Quốc đóng mới trong nước, được biên chế cho Hạm đội Nam Hải trong một buổi lễ năm 2019 mà ông Tập Cận Bình cũng đã tới dự.

Theo Thời báo Hoàn Cầu, khu trục hạm Đại Liên thuộc lớp Type 055 là lớp tàu khu trục mạnh và lớn nhất của Hải quân Trung Quốc. Mặc dù được định danh là tàu khu trục, Type 055 sở hữu kích thước và sức mạnh tương đương tuần dương hạm lớp Ticonderoga của Mỹ. 

Tàu Hải Nam là tàu đầu tiên thuộc lớp Type 075. Đây cũng là lớp tàu đổ bộ trực thăng đầu tiên được Trung Quốc chế tạo nội địa. Các tàu Type 075 sở hữu kích thước và ngoại hình giống với tàu đổ bộ lớp Wasp của Mỹ.

Tàu ngầm Trường Chinh 18 thuộc lớp Type 094, là tàu ngầm hạt nhân lớn nhất của Hải quân Trung Quốc.

Biển Đông và Mỹ trong "tầm ngắm"

Việc Hạm đội Nam Hải tiếp tục được ưu ái cho thấy tham vọng của Trung Quốc trong việc kiểm soát Biển Đông và đối chọi với Hải quân Mỹ mà cụ thể là Hạm đội 7 đóng tại Nhật Bản.

Hình ảnh vệ tinh chụp vào tháng 1 cho thấy có 3 tàu Type 094 neo đậu tại căn cứ tàu ngầm Du Lâm của Hạm đội Nam Hải. 

Một cảnh quay trong lễ biên chế phát sóng ngày 24-4 cho thấy ngoài tàu Trường Chinh 18 còn có 3 tàu ngầm Type 094 khác đang neo đậu trong khu vực. Như vậy, với việc biên chế Trường Chinh 18, Hạm đội Nam Hải trực chiến Biển Đông đã có tới 4 tàu Type 094.

Song Zhongping, một chuyên gia thường xuyên xuất hiện trên Thời báo Hoàn Cầu, tỏ ra quan tâm đặc biệt đến tàu đổ bộ Type 075. Theo ông, một khi kết hợp với tàu đổ bộ lớp Type 071, tàu đổ bộ Hải Nam có thể "giải quyết các vấn đề liên quan đến hải đảo".

"Trong trường hợp cần thiết, tàu Hải Nam có thể tiến hành các hoạt động ở Nam Sa, Đông Sa, thậm chí quần đảo Bành Hồ và đảo Đài Loan" - ông Song bình luận. Nam Sa là cách Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Các tín hiệu cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của Hải quân Trung Quốc đang gây lo ngại với nhiều quốc gia trong khu vực. Những lo ngại đó xuất phát từ việc Bắc Kinh tiếp tục theo đuổi các yêu sách hàng hải đơn phương và vô lý trên Biển Đông.

Với 3 tàu chiến vừa được biên chế, Hạm đội Nam Hải giờ đây đã có được nhóm tác chiến tàu sân bay hoàn chỉnh. 

Trong tương lai gần, khó tránh khỏi nguy cơ leo thang căng thẳng trên Biển Đông, bởi như chính truyền thông nhà nước Trung Quốc đã tuyên bố, tàu sân bay của nước này sẽ "tuần tra" và tập trận thường xuyên trong khu vực.

Hải quân Trung Quốc được cho là đang có 6 tàu ngầm Type 094 trong biên chế nhưng chỉ mới công khai biên chế và đặt tên 3 tàu. Trong lễ biên chế ngày 23-4, người ta có thể thấy tàu ngầm Trường Chinh 18 đã được mở nắp để "khoe" các ống phóng tên lửa.

Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam và Nhật Bản điện đàm, bàn về Myanmar và Biển Đông Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam và Nhật Bản điện đàm, bàn về Myanmar và Biển Đông

TTO - Việt Nam và Nhật Bản ngày 27-4 cho rằng các bên liên quan ở Myanmar cần kiềm chế, chấm dứt bạo lực, người dân đổ máu.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên