Nhiều cửa hàng để xe và bảng hiệu lấn chiếm hết vỉa hè trên đường Võ Văn Tần, Q.3 (TP.HCM) khiến người dân phải đi xuống lòng đường rất nguy hiểm - Ảnh: HỮU KHOA |
Câu chuyện thật ra không mới này dù TP.HCM có nhiều tuyến đường mới xây xong, được cho là thông thoáng, xanh - sạch - đẹp nên người dân thường đi bộ tập thể dục buổi sáng, hóng mát buổi tối, ví dụ như đường Phạm Văn Đồng. Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau, hình ảnh đó không còn nữa do vỉa hè bị chiếm dụng để buôn bán, đậu xe, mở quán...
Tình trạng vỉa hè bị chiếm dụng đã là thực trạng từ lâu ở TP.HCM nhưng chính quyền chưa giải quyết được. Nếu tình trạng này kéo dài thì chắc chắn sẽ làm vấn nạn kẹt xe của thành phố trầm trọng hơn bởi vỉa hè bị chiếm dụng trái phép làm mất đi thói quen đi bộ của người dân và gây khó cho họ khi sử dụng xe buýt, buộc lòng họ phải đi xe cá nhân.
Tôi từng có thói quen đi bộ vài trăm mét khi đến đâu đó, nhưng rồi nhiều lần phải đi dưới lòng đường do vỉa hè bị chiếm dụng.
Có lần, xe máy phía sau vì lách né tôi (đang đi dưới lòng đường) nên va chạm với xe cùng chiều và té ngã, may là người lái xe chỉ trầy xước nhẹ. Lỗi là do tôi vì lòng đường không dành cho người đi bộ. Từ đó, mỗi khi đi đâu dù gần, tôi lại sử dụng xe máy. Tôi nghĩ chắc có nhiều người cũng giống như tôi, phải từ bỏ thói quen đi bộ, đi gần cũng dùng xe máy, góp phần làm tăng kẹt xe cho thành phố.
Tình trạng chiếm dụng vỉa hè cũng là nguyên nhân làm người dân ngại đi xe buýt mặc dù phương tiện công cộng này đang được khuyến khích sử dụng. Rất ít nhà dân ở ngay cạnh trạm xe buýt, nên từ nhà đi đến trạm xe buýt nếu gần cũng phải đi trăm mét, xa thì đi cả cây số. Nhưng vỉa hè có lúc đi được, có lúc phải đi xuống lòng đường rất nguy hiểm nên nhiều người lại đành chọn đi xe cá nhân.
Nhiều người hi vọng khi TP.HCM hoàn thành các tuyến metro sẽ vận tải hành khách với khối lượng lớn, giúp giải quyết nhu cầu vận chuyển công cộng, giảm bớt lượng xe cá nhân. Lo là mỗi tuyến metro đưa vào sử dụng phải được kết nối giao thông, lúc đó lại không có vỉa hè phục vụ cho người đi bộ từ nhà hoặc từ nơi gửi phương tiện cá nhân để đến trạm metro (và ngược lại).
Thiết nghĩ, bởi nhiều nguyên nhân mà nạn chiếm dụng vỉa hè dù được lãnh đạo thành phố chỉ đạo quyết liệt, địa phương cũng triển khai lực lượng nhưng đến nay chưa giải quyết được. Trong đó có công tác quản lý.
Thử nghĩ trên các tuyến phố, cấp này quản lý đường, cấp kia quản lý vỉa hè, nhiều cơ quan cấp phép hoạt động cho các tổ chức và cá nhân, khi lực lượng địa phương kiểm tra chiếm dụng vỉa hè thì bên này bị xua đuổi và xử phạt nhưng bên kia vẫn hoạt động bình thường do thuộc địa bàn khác... thì làm sao dẹp được lấn chiếm?
Tuy nhiên, nếu muốn giải quyết nhanh tình trạng kẹt xe đã đến mức trầm trọng, TP.HCM không thể không giải quyết nhanh và dứt điểm nạn chiếm dụng vỉa hè. Hãy bắt đầu làm ngay từ bây giờ một cách cương quyết, đồng loạt, chứ đừng làm theo kiểu “10 quận hứa dẹp lấn chiếm vỉa hè, chỉ 1 quận làm”.
Ông VƯƠNG NGỌC DŨNG (Q.3, TP.HCM): Nhà tôi ở đường Võ Thị Sáu mấy chục năm nay, tôi thấy con đường này thường xuyên bị chiếm vỉa hè, lòng đường thành chỗ đậu xe. Đường này vỉa hè chật hẹp, ôtô đậu là coi như hết chỗ đi bộ. Vào buổi trưa và buổi tối, xe đậu đầy trên vỉa hè, thậm chí cả trên lòng đường, nhiều tài xế taxi đậu xe rồi ngủ luôn trong đó. Nhiều lần tôi thấy người đi bộ đang đi trên vỉa hè, gặp phải ôtô đậu lại phải vòng xuống lòng đường đông đúc xe trông rất nguy hiểm. Còn người đi xe máy thì vướng ôtô đang đậu dưới lòng đường nên phải đi sang làn ôtô. Trên đường Trần Quốc Toản còn kinh khủng hơn, đặc biệt là cuối giờ chiều, buôn bán kín cả vỉa hè, xe cộ cũng đậu tràn cả vỉa hè và xuống lòng đường, chỉ khổ cho những người đi bộ chẳng còn lối đi.
Ông PHẠM VIỆT THÁI BÌNH (Q.1, TP.HCM): Những người buôn bán hàng rong bán tràn lan trên vỉa hè, thậm chí tràn xuống lòng đường, gây kẹt xe và gây khó khăn cho việc đi lại. Có lần tôi đang chạy xe trên đường va quẹt phải quang gánh bán hủ tiếu, thế là phải đền tiền nồi nước dùng vì đã đổ hết. Việc lấn chiếm lòng lề đường, người dân và các cơ quan báo chí đã phản ánh rất nhiều. Tôi thấy rằng ai cũng bức xúc nhưng có vẻ như nói mà không có người lắng nghe, còn nếu có lắng nghe thì chính quyền cũng làm rầm rộ dẹp lấn chiếm một thời gian rồi sau đó lại thôi, vỉa hè vẫn bị chiếm như cũ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận