05/06/2018 14:04 GMT+7

Vì sao Trung Quốc đang hút nhiều nhân tài của thế giới?

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Câu nói "nhái như Trung Quốc" hay "Trung Quốc là công xưởng của thế giới" phải chăng nên được cân nhắc lại khi ngày càng nhiều nhà khoa học thế giới đổ về quốc gia này, cho ra số lượng công trình nghiên cứu nhiều hơn cả Mỹ.

Vì sao Trung Quốc đang hút nhiều nhân tài của thế giới? - Ảnh 1.

Toàn cầu hóa và sức mạnh của kết nối mạng giúp nhiều người trẻ ở Trung Quốc có cái nhìn rộng mở hơn trong khoa học và phát minh - Ảnh: REUTERS

Giống như nhiều nhà khoa học trẻ khác, José Pastor-Pareja đến Mỹ mang theo khát vọng nghiên cứu khoa học. Những phòng thí nghiệm hàng đầu của đại học Yale cung cấp một môi trường làm việc tuyệt vời cho Pastor-Pareja cùng các chuyên gia trong lĩnh vực của anh, là nền tảng cho các bài báo khoa học xuất sắc.

Nhưng sự quyến rũ của nước Mỹ nhanh chóng biến mất. Nhà di truyền học người Tây Ban Nha chật vật trong việc gia hạn thị thực, thậm chí bị giữ thẩm vấn đến 2 tiếng tại một sân bay ở bang New York sau một chuyến đi nước ngoài. 

Năm 2012, Pastor-Pareja rời bỏ công việc nghiên cứu ở một trong những trường thuộc Ivy League - nhóm các trường đại học lâu đời và có thành tích cao nhất nước Mỹ - và chuyển đến Trung Quốc.

Pastor-Pareja nghiên cứu tế bào thông qua loài ruồi giấm - một lĩnh vực nghiên cứu đang suy thoái ở Mỹ vì thiếu ngân sách. 

Nhưng tại Trung Quốc, điều đó hoàn toàn khác. Có tới 30 phòng thí nghiệm phục vụ cho lĩnh vực nghiên cứu của Pastor-Pareja tại Bắc Kinh, nhiều hơn cả Boston lẫn San Francisco của Mỹ. Các nhà khoa học làm việc trong lĩnh vực này ở Trung Quốc bắt đầu gặp nhau mỗi 2 tháng để chia sẻ những nghiên cứu và phát hiện mới nhất của họ.

"Sẽ còn nhiều, nhiều người nữa tới Trung Quốc. Điều đó là chắc chắn. Ngay lúc này, Trung Quốc là quốc gia tốt nhất trên thế giới, nơi bạn có thể tự bắt đầu một phòng thí nghiệm của chính mình" - Pastor-Pareja khẳng định đầy lạc quan với báo Washington Post của Mỹ.

Ở một khía cạnh khác, người ta nhìn thấy một xu hướng đang ngày một mạnh lên: các nhà khoa học Trung Quốc hoặc gốc Trung Quốc bắt đầu trở về nước, ôm theo giấc mộng về miền đất hứa.

Với đà này thì sớm muộn gì Trung Quốc cũng sẽ nuốt chửng Mỹ và tự chúng ta sẽ đánh mất đi lợi thế cạnh tranh - thứ đã giúp chúng ta trở thành nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới

Thượng nghị sĩ Mỹ Bill Nelson

Vì sao Trung Quốc đang hút nhiều nhân tài của thế giới? - Ảnh 3.

José Pastor-Pareja bên trong phòng thí nghiệm tại Trung Quốc - Ảnh: WP

Nhanh nhất và lớn nhất

Mỹ dành hơn 500 tỉ USD cho các nghiên cứu khoa học mỗi năm, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới. Trong suốt thời gian nước Mỹ đứng đầu thế giới, các cuộc soán ngôi bên dưới Mỹ đã lặng lẽ diễn ra và thứ hạng bây giờ là Trung Quốc xếp thứ 2, trên cả châu Âu và Nhật Bản.

Người Mỹ sẽ sớm tỉnh mộng khi bị Trung Quốc vượt mặt về ngân sách nghiên cứu khoa học vào cuối năm nay, một tốc độ nhanh hơn cả dự đoán của thượng nghị sĩ Mỹ Bill Nelson.

Trung Quốc có 202 trong tổng số 500 siêu máy tính mạnh nhất thế giới, nhiều hơn tới 60 hệ thống so với Mỹ. Kính viễn vọng lớn nhất thế giới với sứ mệnh "săn người ngoài hành tinh" và tìm kiếm các hố đen xa xôi trong vũ trụ, đang hiện diện tại tỉnh Quý Châu của Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây đã chỉ thị cho Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ nối lại các sứ mệnh đưa con người lên mặt trăng. Tuy nhiên, nói như báo Washington Post, ngay cả mặt trăng cũng sẽ sớm chật chỗ khi người Mỹ trở lại một lần nữa bởi Trung Quốc đang chuẩn bị phóng tàu thăm dò chị Hằng trong năm nay và tích cực bắt tay với châu Âu về việc xây dựng một căn cứ có người ở trên đó.

Bắc Kinh cũng bắt đầu dành nhiều hơn tiền của cho trí tuệ nhân tạo (AI), với tính toán sẽ biến nó thành một ngành công nghiệp trị giá 150 tỉ USD vào năm 2030. AI ngày càng xuất hiện nhiều tại Trung Quốc và trở thành một phần trong cuộc sống của người dân nước này, chẳng hạn người ta có thể trả tiền cho một suất ăn tại cửa hàng KFC ở thành phố Hàng Châu chỉ bằng cách nhìn vào màn hình, hoặc lên máy bay bằng cách tương tự.

Vì sao Trung Quốc đang hút nhiều nhân tài của thế giới? - Ảnh 4.

Trả tiền gà rán bằng cách nhận dạng khuôn mặt ở Trung Quốc - Ảnh: Tech Asia

Giới lãnh đạo Trung Quốc không che giấu tham vọng và tầm nhìn của họ. Những bước tiến trong lĩnh vực khoa học chỉ là một phần nhỏ trong tham vọng lớn hơn của Trung Quốc. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố sẽ vượt mặt Mỹ, trở thành cường quốc kinh tế trong 3 thập kỷ, với một đội quân số 1 thế giới vào năm 2050.

Gần đây hơn, một số nguồn tin cho biết Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường - người đưa ra kế hoạch "Made in China 2025" hồi năm 2015, đã tuyên bố tất cả các công ty và tập đoàn nước ngoài có thể được mời tham gia kế hoạch trên. 

Điều đáng ngạc nhiên là dù kế hoạch này chỉ được thông qua tại một cuộc họp của Quốc vụ viện - tức Chính phủ Trung Quốc, nó lại đang được quảng bá như một chiến lược phát triển của Đảng Cộng sản Trung Quốc và như thể đã được Quốc hội thông qua.

Có một sự thay đổi nhanh như thủy triều về cách người ta nói về nền khoa học của Trung Quốc. Ngay cả những người đã từng lên án giờ cũng phải kinh ngạc vì những gì Trung Quốc đạt được

Chuyên gia về khoa học Trung Quốc Alanna Krolikowski

Câu hỏi về chất lượng

Mặc dù quỹ đạo và đường đi của Trung Quốc là rõ ràng, một số chuyên gia Mỹ và Trung Quốc cho rằng cộng đồng khoa học của Trung Quốc vẫn phải đang vật lộn với những trở ngại đáng kể.

Trong khi Trung Quốc gần đây đã vượt Mỹ về số lượng bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế, người ta lại có xu hướng chuộng dẫn lại các công trình nghiên cứu của Mỹ hơn. 

Tại Trung Quốc, đối mặt với áp lực chỉ tiêu, một số nhà khoa học Trung Quốc đã làm bậy dẫn tới việc hơn 100 bài báo khoa học bị rút lại hồi năm ngoái vì nghi án "xào" công trình.

Văn hóa nghiên cứu của Trung Quốc cũng được xem là một trở ngại không nhỏ. Các tài năng khoa học thật sự đôi lúc bị gạt đi chỉ vì một người khác có mối quan hệ cá nhân và địa vị chính trị tốt hơn họ, theo Washington Post.

Vì sao Trung Quốc đang hút nhiều nhân tài của thế giới? - Ảnh 6.

Đã tới lúc giới lãnh đạo Mỹ thay đổi cách nhìn về Trung Quốc? - Ảnh: REUTERS

Tuy nhiên, theo ý của một số chuyên gia và nhà khoa học, đã tới lúc người Mỹ nên xem Trung Quốc như một đối tác hơn là đối thủ cạnh tranh. Trung Quốc có nhiều điều có thể chỉ Mỹ trong khoa học - lĩnh vực nghiên cứu cho thấy nỗ lực hợp tác quốc tế mạnh mẽ của con người.

Mỗi thành tựu khoa học đáng kể trong giai đoạn hiện đại, như cho ra đời trình tự một bộ gen mới hoặc xác định một hạt hạ nguyên tử, đều là công sức đến từ nhiều quốc gia.

Một thực tế đang diễn ra trong cộng đồng khoa học Mỹ. Theo số liệu từ Quỹ khoa học quốc gia, các nhà khoa học Mỹ có xu hướng hợp tác với các đồng nghiệp đến từ Trung Quốc hơn bất kỳ quốc gia nào khác.

Ông Denis Simon - một người đã dành hơn 40 năm nghiên cứu về khoa học Trung Quốc và hiện đang là hiệu phó của Đại học hữu nghị Duke Kunshan ở tỉnh Giang Tô (Trung Quốc), kêu gọi lãnh đạo Mỹ nên lấy tinh thần hợp tác của các nhà khoa học để cư xử với Trung Quốc như một người bạn hơn là mối đe dọa.

"Người Trung Quốc, lần đầu tiên, có những thứ có thể chỉ cho nước Mỹ. Cần phải tham gia với họ, bởi điều đó là cực kỳ quan trọng với lợi ích của Mỹ", ông Simon nhấn mạnh.

Trung Quốc có gì khiến thế giới e dè thực sự? Trung Quốc có gì khiến thế giới e dè thực sự? Trung Quốc đi sau nhưng sẽ về trước Mỹ trong cuộc đua không gian? Trung Quốc đi sau nhưng sẽ về trước Mỹ trong cuộc đua không gian? Giới đầu tư công nghệ Mỹ đang rét run trước Trung Quốc Giới đầu tư công nghệ Mỹ đang rét run trước Trung Quốc
BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên