Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) khám một trẻ bị yếu liệt cả người, không thể tự đi đứng được - Ảnh: BÌNH NGHI
Trước thắc mắc này của một số phụ huynh, bác sĩ Lê Nguyễn Thanh Nhàn (Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM) cho hay bệnh bại liệt là một căn bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút bại liệt gây ra, lây truyền theo đường tiêu hóa. Khi bị nhiễm vào cơ thể, vi rút sẽ tấn công vào hệ thần kinh trung ương, làm yếu các cơ, phần mềm cấp tính và gây ra chứng bại liệt.
Nhờ việc triển khai vắc xin bại liệt trong chương trình tiêm chủng mở rộng, trong đó trên 95% trẻ em được uống vắc xin bại liệt 3 type (OPV), Việt Nam đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận thanh trừ bệnh bại liệt trên toàn quốc vào năm 2000 và kết quả này tiếp tục được duy trì cho đến nay.
Hiện trên thế giới, vi rút bại liệt hoang dại vẫn còn lưu hành ở một số quốc gia, nên nguy cơ lây truyền bệnh bại liệt vào Việt Nam là hiện hữu khi sự giao lưu quốc tế ngày càng lớn.
WHO khuyến cáo, việc duy trì tiêm chủng để tạo miễn dịch bảo vệ phòng bệnh bại liệt là rất cần thiết cho đến khi bệnh bại liệt được thanh toán hoàn toàn trên quy mô toàn cầu.
Năm 2016, WHO đã công bố thanh trừ vi rút bại liệt hoang dại type 2 trên toàn cầu, vì vậy thành phần type 2 trong vắc xin không thực sự còn cần thiết nữa và cũng là để giảm thiểu nguy cơ gây liệt dù rất thấp của bại liệt type 2 có trong vắc xin.
WHO đề nghị các quốc gia thành viên thay thế vắc xin bại liệt uống ba type bằng vắc xin bại liệt uống hai type đã loại bỏ thành phần type 2.
Theo chương trình tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam, vắc xin bại liệt dạng uống gồm ba type (1, 2, 3) được đổi sang vắc xin uống hai type (1, 3) nhằm giảm thiểu nguy cơ gây liệt của bại liệt type 2, có trong thành phần vắc xin theo đề nghị của WHO.
Lịch uống vắc xin phòng bại liệt hai type tương tự như dạng ba type, với ba lần uống vắc xin bại liệt vào thời điểm trẻ được 2, 3, 4 tháng tuổi. Hiệu quả phòng bệnh của vắc xin bại liệt hai type với ba type tương tự nhau.
Bạn đọc có những thắc mắc về sức khỏe người lớn và trẻ em, dinh dưỡng, tiêm ngừa, chấn thương... mời gửi email đến hộp thư suckhoe@tuoitre.com.vn (để chính xác nội dung, bạn đọc vui lòng gõ tiếng Việt có dấu). Chuyên mục Hỏi đáp cùng thầy thuốc sẽ chọn lọc và giúp bạn giải đáp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận