Theo kế hoạch, TP.HCM sẽ tăng thêm một phó chủ tịch HĐND và 56 phó chủ tịch huyện, xã. Trong đó Nhà Bè, Hóc Môn, Cần Giờ là 3 địa phương được chọn để bổ sung một phó chủ tịch UBND huyện. Người dân thắc mắc rằng vì sao chỉ có 3/5 huyện được chọn và việc bổ sung này có ý nghĩa thế nào với tình hình các địa phương hiện tại.
UBND TP.HCM cho biết nghị quyết 98 của Quốc hội khóa XV cho phép UBND huyện thuộc TP có không quá 3 phó chủ tịch. Có nghĩa những huyện loại 2 hiện tại chưa đủ số lượng sẽ được bổ sung gồm 3 huyện nêu trên. 2 huyện còn lại gồm Củ Chi và Bình Chánh thuộc huyện loại 1, quy định được có 3 phó chủ tịch, đã đáp ứng đủ số lượng.
Việc đề xuất tăng thêm một phó chủ tịch UBND huyện đã từng được TP.HCM thực hiện tại nhiệm kỳ 2011 - 2016 theo công văn 3533 năm 2012 của Văn phòng trung ương Đảng về chủ trương tăng thêm chức danh lãnh đạo cấp ủy, chính quyền của TP.HCM.
Từ nhiệm kỳ 2016 - 2021, chủ trương đã ngừng thực hiện, nên các địa phương có dân số đông, tính chất phức tạp trong quản lý nhà nước và có tình hình đô thị hóa cao như TP.HCM đang thiếu nguồn lực cán bộ quản lý.
Theo ghi nhận từ quá trình điều hành, quản lý nhà nước tại 3 huyện, số lượng 2 phó chủ tịch chưa đảm bảo được nguồn nhân lực lãnh đạo, điều hành, tham mưu giúp việc cho chủ tịch UBND huyện.
Không chỉ vậy, TP.HCM còn là một đô thị đặc biệt, là địa phương có mật độ dân số cao nhất nước với 4.292 người/km² (tăng gần 26% so với năm 2009). Bình quân dân số trên 1 đơn vị hành chính cấp huyện của TP cao hơn so với bình quân dân số trên 1 đơn vị hành chính cấp huyện của cả nước là 239.015 người. Áp lực dân số cơ học thực tế tăng tại TP từ năm 2009 đến 2019 đã tăng hơn 1,8 triệu người, bình quân tăng 183.000 người/năm.
TP hiện có 48/312 phường, xã, thị trấn có dân số từ 50.000 người trở lên (gấp 3 lần với quy định về quy mô dân số theo tiêu chuẩn của phường là 15.000 dân trở lên của nghị quyết 1211).
Những phường, xã, thị trấn đông dân đang có tốc độ đô thị hóa cao, địa hình phức tạp cũng là áp lực tác động đến công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng, quản lý đất đai, an sinh xã hội… Do đó, việc đề xuất tăng thêm phó chủ tịch cho 3 huyện là cấp thiết, nhất là khi các huyện đang thực hiện “tiến trình” chuyển đổi huyện thành quận hoặc mô hình TP trong TP.
Theo kế hoạch của TP, hiện tại UBND các huyện đã xin ý kiến Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về thực hiện quy trình giới thiệu cán bộ ứng cử. Từ đây đến hết ngày 10-12, sẽ thực hiện chủ trương nhân sự được Ban Thường vụ Thành ủy TP thông qua và quy trình công tác cán bộ. Chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND của ba huyện giới thiệu nhân sự để HĐND của ba huyện bầu thêm một phó chủ tịch. Sau đó, HĐND TP.HCM sẽ phê chuẩn kết quả bầu.
Lấy nguồn cán bộ từ đâu để bổ sung chức danh phó chủ tịch?
Sở Nội vụ TP.HCM cho biết có thể xem xét bổ nhiệm phê chuẩn kết quả bầu cử đối với nhân sự được giới thiệu quy hoạch từ nguồn tại chỗ hoặc được điều động, luân chuyển từ cơ quan, đơn vị khác.
Ngoài ra, sở này đánh giá đây là đề án được thực hiện nhằm đảm bảo nguồn nhân lực, nhiệm vụ quản lý nhà nước tại cơ sở, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, hướng tới xây dựng nền công vụ vượt trội đảm bảo các nhiệm vụ được giao.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận