Nhiều nguyên nhân dẫn đến rụng tóc
BS CKI Lâm Nguyễn Thùy An - khoa nội y học cổ truyền, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cơ sở 3 - cho biết rụng tóc là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm của cơ thể.
Trong dòng đời sinh trưởng bình thường của sợi tóc, tóc mọc lên sau đó phát triển dài ra rồi theo thời gian sẽ già yếu và rụng đi. Sau khi tóc rụng đi thì lớp tóc mới được sinh ra để thay thế cho lớp tóc cũ.
Trung bình mỗi ngày có 30 - 100 sợi tóc sẽ bị rụng đi và cũng có khoảng chừng đó tóc được mọc thêm. Do đó, chẳng có gì đáng lo ngại nếu thấy tóc rụng vài chục sợi mỗi ngày.
Nếu số lượng tóc rụng mỗi ngày trên 100 sợi hoặc số lượng tóc rụng chiếm nhiều hơn mức thông thường, khả năng mọc lại thấp và để lộ rõ những vùng da đầu nhất định thì có thể là dấu hiệu của tình trạng rụng tóc quá nhiều.
Rụng tóc bất thường có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như:
- Do mức độ tăng giảm bất thường của hormone có thể khiến cho tóc rụng không kiểm soát.
- Gene di truyền: Trong gia đình có bố hoặc mẹ mắc chứng rụng tóc nhiều hoặc hói có thể khiến thế hệ sau cũng gặp tình trạng này.
- Căng thẳng kéo dài, mắc bệnh và phụ nữ sau sinh: Đây là những yếu tố tác động gây ra rụng tóc tạm thời. Bị nấm ngoài da do nhiễm trùng cũng có thể gây rụng tóc.
- Sử dụng thuốc: Dùng phương pháp hóa trị điều trị ung thư, thuốc làm loãng máu, thuốc chẹn beta-adrenergic kiểm soát huyết áp và thuốc tránh thai đều có khả năng gây rụng tóc. Gội đầu thường xuyên, uốn ép nhuộm liên tục có thể làm hỏng chất tóc khiến cho tóc yếu và giòn.
- Bị bỏng, chấn thương: Có thể tác động khiến bạn bị rụng tóc tạm thời. Tuy nhiên trường hợp này, tóc sẽ mọc lại bình thường sau khi chấn thương lành lại, trừ khi bị sẹo.
- Mắc phải một số bệnh: Bệnh tuyến giáp, lupus, tiểu đường, thiếu máu do thiếu sắt, rối loạn tiêu hóa... có thể gây ra rụng tóc. Hầu hết nếu bạn điều trị bệnh căn thì tóc sẽ mọc trở lại như bình thường.
- Chế độ ăn thiếu chất: Khi bạn ăn uống ít protein hoặc ăn uống thiếu thốn trong thời gian dài gây hạn chế dinh dưỡng cũng sẽ gây ra rụng tóc.
Khi thấy rụng tóc bất thường, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để thăm khám. Dựa trên từng người bệnh cụ thể, dựa vào thăm khám và cận lâm sàng, bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán thể bệnh, từ đó đưa ra các phương pháp điều trị thích hợp.
Có nên nhổ tóc bạc không?
Bác sĩ Lê Thảo Hiền - khoa thẩm mỹ da Bệnh viện Da liễu TP.HCM - cho biết tóc bạc ở người lớn tuổi nguyên nhân chính là do lão hóa theo lứa tuổi. Sự suy yếu của chất chống oxy hóa có thể làm hỏng các hắc tố bào dẫn đến giảm sắc tố của tóc.
Bên cạnh đó, sự hình thành các gốc oxy hóa là kết quả của việc tiếp xúc tia cực tím lâu ngày, ô nhiễm hoặc căng thẳng cũng có thể gây tóc bạc.
"Tóc bạc ít thì chúng ta có thể nhổ đi. Nếu tóc bạc nhiều và nó ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống thì chúng ta có thể sử dụng các loại thuốc nhuộm an toàn hoặc đội tóc giả.
Việc nhổ quá nhiều tóc bạc sẽ khiến da đầu bị tổn thương và tạo điều kiện cho vi trùng phát triển gây viêm nhiễm da đầu", bác sĩ Hiền cho biết thêm.
Bác sĩ Hiền khuyến cáo để hạn chế tình trạng tóc bạc sớm, chúng ta nên có lối sống lành mạnh như không hút thuốc lá, thời gian làm việc, học tập và nghỉ ngơi hợp lý, chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng.
Khi ra đường cần đội mũ để tránh tiếp xúc trực tiếp với tia cực tím. Và cần khám sức khỏe định kỳ hoặc đến khám bác sĩ khi có các triệu chứng bất thường khác đi kèm.
Việc nhuộm tóc là một nhu cầu khi bị tóc bạc. Để nhuộm tóc an toàn thì chúng ta cần kiểm tra thành phần thuốc nhuộm, kiểm tra khả năng dị ứng thuốc nhuộm bằng cách bôi thử vào vùng da sau gáy và theo dõi xem có dấu hiệu bất thường gì hay không.
Bên cạnh đó, lựa chọn thợ nhuộm tóc chuyên nghiệp thạo tay nghề và hạn chế pha quá nhiều thuốc nhuộm với nhau cũng như tránh tẩy tóc nhiều lần.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận