10/04/2023 09:43 GMT+7

Vì sao tham nhũng vụ sau lớn hơn vụ trước?

"Lò" nóng, củi tươi cũng đã cháy. Người dân thêm tin tưởng khi chống tham nhũng, tiêu cực không còn vùng cấm. Nhưng cần có giải pháp gì để tránh tham nhũng vụ sau cứ lớn hơn vụ trước?

Cơ quan điều tra tống đạt quyết định khởi tố bị can với Phan Quốc Việt  - Ảnh: GIANG LONG

Cơ quan điều tra tống đạt quyết định khởi tố bị can với Phan Quốc Việt - Ảnh: GIANG LONG

Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với ông LÊ NHƯ TIẾN - nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - người nổi tiếng về những tuyên chiến mạnh mẽ với tham nhũng xung quanh cuộc chiến tham nhũng nhìn từ vụ "chuyến bay giải cứu". Ông Tiến nói:

- Cùng đại án Việt Á thì "chuyến bay giải cứu" là vụ án gây chấn động dư luận khi được các cơ quan chức năng phanh phui, xử lý.

Việc chỉ đạo kiên quyết xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm trong vụ án này thể hiện rõ thêm quyết tâm không nghỉ, không ngừng trong "chống giặc nội xâm" của Đảng, Nhà nước, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời là tiếng chuông, sự răn đe nghiêm khắc đối với những kẻ đã, đang và chuẩn bị "nhúng chàm".

Phòng chống tham nhũng không chỉ bắt cá nhân vi phạm đó chịu trách nhiệm hình sự mà rất quan trọng chính là việc thu hồi lại tài sản về cho Nhà nước và nhân dân.

Ông LÊ NHƯ TIẾN

Sai phạm có tổ chức

* Kết luận điều tra đại án "chuyến bay giải cứu" cho thấy dù đã có nhiều "củi tươi" bị "vào lò", các bị can vẫn "ăn rất dày". Tham nhũng, tiêu cực vẫn xảy ra ở nhiều cơ quan, đơn vị từ trung ương đến địa phương?

- Đúng như vậy. Theo kết luận điều tra của cơ quan an ninh điều tra đã có 54 bị can bị đề nghị truy tố, trong đó có 21 bị can bị truy tố về tội nhận hối lộ. Nhiều bị can là quan chức bộ, ngành, địa phương đã nhận hối lộ với tổng số tiền lên đến hơn 180 tỉ đồng.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 xảy ra như vậy thì những hành vi trục lợi này là rất nghiêm trọng, gây hệ lụy xấu cho xã hội, làm mất niềm tin của nhân dân vào chính sách đúng đắn, nhân văn.

Qua đây cũng cho thấy những hành vi của các bị can này rất tinh vi, có tổ chức, hệ thống chặt chẽ và diện rộng từ cơ quan Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ, các ngành, đại sứ quán ở nước ngoài rồi cả phía cảnh sát xuất nhập cảnh đến một số tỉnh, thành phố.

Họ còn có sự bố trí, cài cắm qua các khâu từ phát hiện nhu cầu của người dân, lên danh sách, trình duyệt, tổ chức từ các bộ, ngành cho đến các công ty tư nhân.

* Với vụ "chuyến bay giải cứu" hay một số vụ án khác, theo ông, đâu là nguyên nhân để các cán bộ có hành vi tham nhũng lớn như vậy?

- Ở đây có hai nguyên nhân. Trong đó, đầu tiên chính là do người cán bộ, đảng viên đã không giữ được mình, suy thoái, biến chất hay bị "lóa mắt" trước sức mạnh của đồng tiền.

Đồng thời, họ thấy kiếm tiền bất chính như vậy quá dễ, quá nhiều nên đã bất chấp, câu kết giữa cán bộ, đảng viên có chức, có quyền với doanh nghiệp, tư nhân nhằm trục lợi cho bản thân, gia đình.

Thứ hai chính là do các quy định của pháp luật của chúng ta hiện nay vẫn còn chồng chéo, bất cập, tạo kẽ hở cho những kẻ trục lợi dễ dàng "kiếm chác".

Thêm vào đó, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phối hợp giữa các cơ quan dù đã được tăng cường nhưng vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.

Do đó, trong thời gian tới, việc rất quan trọng là cần bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện các quy định của pháp luật.

Ông LÊ NHƯ TIẾN

Ông LÊ NHƯ TIẾN

Có phải tham nhũng vẫn tăng?

* Công cuộc đấu tranh, phòng chống tham nhũng thời gian qua được đánh giá rất nghiêm nhưng cũng có ý kiến đặt vấn đề thực tế là tham nhũng vẫn tăng, theo ông thế nào?

- Thực tế nhiều vị lãnh đạo, thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực cũng đã đặt câu hỏi về vấn đề này và có những câu trả lời.

Việc chống quyết liệt nhưng tham nhũng vẫn tăng có thể thấy chính là do trước đây các cơ chế, quy định của chúng ta còn lỏng lẻo, sơ hở quá nhiều, thậm chí "bịt chỗ này nó lại chảy chỗ khác". Tuy nhiên, việc xử lý còn chưa tới nơi tới chốn dẫn đến khả năng phát hiện các vụ việc còn hạn chế.

Hiện nay, với sự chỉ đạo quyết liệt của Tổng bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực thì công tác này được đẩy mạnh, làm quyết liệt, xử lý nghiêm túc nên phát hiện nhiều hơn.

Tổng bí thư đã nhiều lần khẳng định cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng sẽ không nghỉ, không ngừng mà còn phải quyết liệt hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa.

Thêm vào đó, qua việc phát hiện các vụ án tham nhũng, tiêu cực nhiều hơn cũng cho thấy tham nhũng hiện nay đã lây lan vào tất cả các cấp, các ngành, từ thấp đến cao.

Trong đó có những lĩnh vực đạo lý được coi có nhiều nhất như giáo dục nhưng cũng có vụ án liên quan Nhà xuất bản Giáo Dục, in sách giáo khoa.

Tiếp đó là trong y tế - nơi nêu cao y đức nhưng vẫn có những giám đốc, cán bộ lãnh đạo, y bác sĩ ở các bệnh viện tham nhũng, xà xẻo trên bệnh nhân.

Nguồn: Bộ Tư pháp - Dữ liệu: Thành Chung - Đồ họa: T.ĐẠT

Nguồn: Bộ Tư pháp - Dữ liệu: Thành Chung - Đồ họa: T.ĐẠT

* Theo ông, trong thời gian tới cần có những thay đổi gì để công tác phòng chống tham nhũng đạt hiệu quả cao hơn?

- Theo tôi có hai vấn đề. Thứ nhất, mấu chốt vẫn là công tác cán bộ, nói cách khác con người chính là yếu tố "cốt tử" trong phòng chống tham nhũng.

Do đó, ngoài việc tuyển chọn, đào tạo, phát triển cán bộ thì phải có cơ chế kiểm soát quyền lực. Vì khi giao quyền lực cho cán bộ mà thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực hay chưa chặt chẽ sẽ dẫn tới tình trạng lạm quyền, lộng quyền, sai phạm.

Lúc đầu có thể chúng ta lựa chọn được cán bộ có tài, đức, nhưng trong quá trình công tác, họ đã không vượt qua được những cám dỗ. Do đó, nếu không kiểm soát quyền lực thì người có quyền sẽ dễ tha hóa.

Thứ hai, phòng chống tham nhũng không chỉ bắt cá nhân vi phạm đó chịu trách nhiệm hình sự mà rất quan trọng chính là việc thu hồi lại tài sản về cho Nhà nước và nhân dân. Muốn làm tốt được vấn đề này thì quan trọng nhất là phải kiểm soát được tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức. Đây là khâu yếu của chúng ta hiện nay.

Thực tế, có thể cán bộ, lãnh đạo có 10 nhà, chung cư, đất đai nhưng họ lại chuyển dịch hết cho con cháu, anh chị em, họ hàng. Thậm chí đưa ra nước ngoài. Dòng chuyển dịch của tài sản bất minh hiện nay rất phức tạp.

Vì thế, chỉ khi nào kiểm soát được tài sản, thu nhập mới có thể trở thành giải pháp hữu hiệu phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.

Bài học trong chọn trợ lý, thư ký

Từ việc không tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, một số trợ lý, thư ký không xác định được đúng vị trí của mình rồi thao túng một số công việc, chính là cơ sở để họ tham nhũng, nhận hối lộ.

Đồng thời, qua đây cũng cần làm rõ xem các lãnh đạo có sự dung túng, bao che, dung dưỡng cho những thư ký, trợ lý này làm điều sai trái, vi phạm pháp luật hay không? Nếu có cần xem xét, xử lý trách nhiệm một cách nghiêm minh.

Việc phanh phui những hành vi nhận hối lộ của trợ lý, thư ký trong vụ "chuyến bay giải cứu" chính là tiếng chuông cảnh tỉnh, bài học cho chính các lãnh đạo từ nay phải cân nhắc thật kỹ khi chọn thư ký, trợ lý.

Đồng thời phải giáo dục, giám sát nghiêm ngặt đối với thư ký, trợ lý của mình. Quan trọng hơn cả đừng để cho hình ảnh của lãnh đạo mất đi vì thư ký, trợ lý.

Hai cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng (trái) và Vũ Hồng Nam đã nhận hối lộ nhiều tỉ đồng trong vụ “chuyến bay giải cứu” - Ảnh: T.L.

Hai cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng (trái) và Vũ Hồng Nam đã nhận hối lộ nhiều tỉ đồng trong vụ “chuyến bay giải cứu” - Ảnh: T.L.

Đại biểu Quốc hội VŨ TRỌNG KIM (nguyên ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực):

Kiểm soát tài sản: tránh trông vào "lá thăm may rủi"

Kê khai tài sản là một trong các biện pháp có ý nghĩa phòng chống tham nhũng. Tất cả cán bộ, công chức có nghĩa vụ phải kê khai tài sản và cần được xác minh, kiểm soát thường xuyên chứ không phải trông chờ vào "lá thăm may rủi".

Hơn nữa, việc bốc thăm này chỉ mang giải pháp tình thế và vô hình trung có thể tạo ra sự bất bình đẳng ngay trong đội ngũ cán bộ, công chức.

Có khi cán bộ cần phải xác minh tài sản thì không được giám sát trong khi một cán bộ, công chức dưới quyền lại vào diện phải xác minh. Điều này dễ dẫn đến "lọt lưới".

Do đó thời gian tới cần phải có giải pháp hữu hiệu hơn trong vấn đề này. Đồng thời, kê khai rồi nhưng cũng phải công khai một cách minh bạch, để người dân dễ dàng tham gia giám sát.

Cũng rất cần quan tâm đến các tố giác, phản ánh của người dân về tài sản của cán bộ, công chức để có kiểm tra, giám sát kịp thời.

Bên cạnh đó, hiện nay chúng ta đã có các quy định nhưng cần làm nghiêm túc hơn, cụ thể với những vị trí nhạy cảm, có nhiều nguy cơ liên quan đến tham nhũng, tiêu cực cần phải được xem xét, định kỳ luân chuyển.

Bên cạnh đó, các vụ án, vụ việc, nhất là các vụ án lớn, nghiêm trọng cần được giải quyết nhanh, kịp thời hơn nữa để có thể kết luận, truy tố, xét xử với những bản án thích đáng cho các bị can, bị cáo liên quan. Việc này sẽ giúp người dân yên tâm, tin tưởng hơn vào công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng của chúng ta.

Bốc thăm lựa chọn người được xác minh tài sản tại Bộ Công Thương - Ảnh: Q.LỘC

Bốc thăm lựa chọn người được xác minh tài sản tại Bộ Công Thương - Ảnh: Q.LỘC

Đại biểu PHẠM VĂN HÒA (ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội):

Thư ký vi phạm mà thủ trưởng "không biết, không rõ"?

Việc cho rằng tham nhũng sau phát hiện nghiêm trọng hơn trước cần phải hiểu đó là những vụ việc xảy ra trước đây nhưng chưa được phát hiện và hiện nay khi phát hiện đều được xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm.

Hiện nay, ở các địa phương đều đã thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh. Trung ương đã "nóng" thì địa phương cũng phải "nóng" theo. Phải xây dựng đầy đủ cơ chế, chính sách để cán bộ, đảng viên "không thể, không dám, không muốn, không cần" tham nhũng.

Với vụ "chuyến bay giải cứu" cũng đặt ra vấn đề một số thư ký của thứ trưởng, trợ lý của phó thủ tướng lại có hành vi nhận hối lộ với số tiền rất lớn.

Thực tế, với mỗi cơ quan đơn vị, dù có cơ quan giúp việc nhưng ai muốn gặp thủ trưởng, văn bản đưa lên đều phải thông qua thư ký, trợ lý sắp xếp, trình ký. Vì vậy, dù chức vụ không cao nhưng vai trò, trách nhiệm, quyền lực "rất lớn".

Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến hành vi tham ô, nhận hối lộ, vòi vĩnh. Điều này đặt ra vấn đề chính những người lãnh đạo phải nâng cao trách nhiệm trong việc chọn đúng người có tư cách, đạo đức để giúp việc cho mình, đồng thời thường xuyên nhắc nhở, giám sát họ.

Còn khi thư ký hay trợ lý vi phạm thì ngoài việc xử lý nghiêm các cá nhân đó thì chính người lãnh đạo, thủ trưởng cũng cần bị xem xét trách nhiệm, xử lý rõ ràng, còn "không biết, không rõ" là không đúng?

Ông NGUYỄN THÁI HỌC (phó trưởng Ban Nội chính Trung ương) trích phát biểu tại hội nghị giao ban trực tuyến công tác quý 1-2023 ngành Nội chính Đảng:

Bịt kín những "khoảng trống","kẽ hở"

Trên thực tế các ban chỉ đạo cấp tỉnh được thành lập, qua phản ánh cho thấy ở tỉnh nào mà bí thư tỉnh ủy, trưởng ban chỉ đạo quyết liệt, tập trung lãnh đạo chỉ đạo đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực thì tình hình ở nơi đó chuyển biến rất nhanh, tích cực.

Còn ở tỉnh nào, trưởng ban chỉ đạo còn lo lắng, băn khoăn, nể nang, né tránh, dĩ hòa vi quý thì tình hình nơi đó chưa có sự chuyển biến.

Thời gian tới cần hoàn thiện thể chế, kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những "khoảng trống", "kẽ hở" để "không thể tham nhũng, tiêu cực". Đẩy mạnh phát hiện, xử lý nghiêm.

Hoàn thiện, thực hiện nghiêm các quy định về phòng ngừa tham nhũng, kiểm soát quyền lực, đồng thời xây dựng cơ quan, đội ngũ làm công tác này phải trong sạch, liêm chính.

THÀNH CHUNG

TP.HCM xếp thứ hai cả nước về phòng chống tham nhũngTP.HCM xếp thứ hai cả nước về phòng chống tham nhũng

TP.HCM vừa ban hành văn bản chỉ đạo tăng cường thực hiện biện pháp phòng, chống tham nhũng trong bối cảnh TP được đánh giá xếp thứ hai cả nước về công tác này.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên