06/09/2021 05:32 GMT+7

Vì sao số ca F0 trẻ em ở TP.HCM tăng cao?

THÙY DƯƠNG
THÙY DƯƠNG

TTO - Số trẻ em dưới 16 tuổi tại TP.HCM mắc COVID-19 (F0) đang được điều trị đã tăng nhanh, đến 6h ngày 5-9 là 3.106 trẻ. Đây là thực tế phải tính đến nếu triển khai cho người tiêm 2 mũi được đi lại.

Vì sao số ca F0 trẻ em ở TP.HCM tăng cao? - Ảnh 1.

Trẻ em và người lớn bị mắc COVID-19 được đưa đi cách ly - Ảnh: TỰ TRUNG

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cách đó 3 ngày, ngày 2-9, số trẻ em điều trị tại cơ sở y tế là 2.522 trẻ trong khi ngày 19-8 chỉ là 1.937 trẻ.

Nhiều trẻ bị lây từ người nhà, người chăm sóc

Theo ông Nguyễn Minh Tiến, phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP, số trẻ em dưới 16 tuổi mắc COVID-19 gia tăng. Những ngày gần đây số trẻ mắc COVID-19 nhập viện Bệnh viện Nhi đồng TP cũng có xu hướng gia tăng.

Có ngày số trẻ mắc COVID-19 điều trị tại bệnh viện này lên đến 320 trẻ, đó là chưa kể có nhiều trẻ mắc COVID-19 nhẹ được bệnh viện khuyến khích cho điều trị tại nhà.

Vì môi trường bệnh viện có nguy cơ bội nhiễm, lây nhiễm chéo trong bệnh viện sẽ làm bệnh COVID-19 nặng thêm nên chỉ trường hợp nào cần thiết các bác sĩ mới quyết định cho nhập viện.

Theo bác sĩ Minh Tiến, trẻ mắc COVID-19 dưới 12 tháng tuổi, trẻ bị dư cân, trẻ mắc các bệnh nền (như bệnh tim mạch, hen suyễn, bệnh đái tháo đường, cao huyết áp, bệnh lý huyết học...), trẻ vừa mắc COVID-19 vừa mắc các bệnh khác (như sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm ruột thừa...), trẻ bình thường mắc COVID-19 khi có dấu hiệu chuyển nặng (như thở nhanh, co lõm lồng ngực, SpO2 dưới 93%) đều phải nhập viện điều trị.

Trẻ dưới 12 tháng tuổi mắc COVID-19 có nguy cơ trở nặng cao, ngoài ra trẻ ở lứa tuổi này chưa diễn đạt được triệu chứng nên có nguy cơ dễ bị bỏ sót.

Trong khoảng 300 trẻ mắc COVID-19 nằm điều trị mỗi ngày tại Bệnh viện Nhi đồng TP, có khoảng 30% số trẻ dưới 12 tháng tuổi.

Nguồn lây bệnh COVID-19 cho trẻ dưới 12 tháng tuổi, theo bác sĩ Minh Tiến, thường là những người trực tiếp chăm sóc trẻ bị nhiễm bệnh, còn với những trẻ lớn hơn sẽ bị lây từ một trong các thành viên trong gia đình vì trẻ em trong những ngày giãn cách này chỉ ở trong nhà.

Theo bác sĩ Minh Tiến, cũng có trường hợp một người giúp việc đi giúp việc cho 15 gia đình, sau đó người giúp việc này mắc COVID-19 và đã lây cho cả 15 gia đình này, trong đó có những trẻ em.

Cứu sống trẻ 135kg mắc COVID-19

Bác sĩ Minh Tiến cũng cho biết gần đây Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM đã cứu sống nhiều trẻ em mắc bệnh COVID-19 nặng.

Bác sĩ cho biết trường hợp cháu trai L.T.Q., 15 tuổi rưỡi, ngụ ở Q.8, TP.HCM. Cháu được chuyển từ Bệnh viện Bình Chánh lên Bệnh viện Nhi đồng TP với chẩn đoán COVID-19 nặng hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển.

Tại Bệnh viện Nhi đồng TP, các bác sĩ ghi nhận bệnh nhi thở mệt, co kéo cơ liên sườn, phập phồng cánh mũi, thở phì phò nặng nhọc do trẻ béo phì cân nặng 135kg, tím môi trên thở oxy, SpO2 78% (bình thường 96 - 98%), nhịp tim nhanh, được chẩn đoán COVID-19 nặng nguy kịch, được điều trị hỗ trợ hô hấp thở áp lực dương liên tục.

Bệnh nhi đã được truyền thuốc kháng sinh, kháng viêm, kháng đông. Thế nhưng, tình trạng hô hấp diễn tiến xấu hơn, bệnh nhi thở mệt co kéo, SpO2 80 - 82%, được chuyển thở máy không xâm nhập, vẫn không cải thiện, hình ảnh X-quang phổi cho thấy bệnh nhi bị tổn thương phổi nặng lan tỏa hai bên, biểu hiện hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển nên được hội chẩn xem xét thở oxy lưu dòng cao (HFNC) trước, nếu thất bại sẽ đặt nội khí quản thở máy.

May mắn, bệnh nhi đã đáp ứng với thở HFNC. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy bệnh nhi có biểu hiện phản ứng viêm tăng mạnh nên được hội chẩn điều trị truyền tĩnh mạch thuốc kháng viêm liều cao, dùng chống đông, kháng sinh phổ rộng.

Bệnh nhi cũng được điều trị hỗ trợ, điều chỉnh nước điện giải, toan kiềm, hạ sốt, dinh dưỡng, xoay trở tư thế để trẻ dễ thở và chống loét. Kết quả sau hơn hai tuần điều trị, tình trạng bệnh nhi cải thiện dần.

Trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn tiến phức tạp, số trường hợp mắc gia tăng, số mắc ở trẻ em cũng gia tăng theo (chiếm 10 - 15% tổng số trường hợp COVID-19 khẳng định bằng xét nghiệm PCR dương tính), bác sĩ Minh Tiến khuyên các bậc phụ huynh khi thấy trẻ bị sốt ho, đau rát họng, khó chịu... nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế có chuyên khoa để được các bác sĩ thăm khám, làm xét nghiệm sàng lọc tầm soát COVID-19, điều trị thích hợp.

Các bậc phụ huynh lưu ý nên nuôi trẻ theo chế độ dinh dưỡng thích hợp, tránh dinh dưỡng quá mức gây tình trạng dư cân, béo phì ở trẻ, dễ phát sinh các bệnh lý liên quan như cao huyết áp, đái tháo đường, nguy cơ suy hô hấp cao khi mắc bệnh COVID-19.

Làm gì để hạn chế lây cho trẻ em?

Theo bác sĩ Minh Tiến, để hạn chế thấp nhất nguy cơ trẻ bị nhiễm bệnh COVID-19, điều quan trọng nhất là phải phủ được vắc xin phòng COVID-19 cho người dân.

Cụ thể, số người lớn được tiêm cả 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 đạt được 70 - 80%. Trẻ trên 12 tuổi cũng cần được tiêm vắc xin phòng COVID-19. Ngoài ra, người dân vẫn cần phải tuân thủ 5K, 5T. Hạn chế đi ra đường trong thời điểm này.

Người lớn tiêm ngừa vẫn lây COVID-19 cho trẻ Người lớn tiêm ngừa vẫn lây COVID-19 cho trẻ

TTO - Khi mở cửa trở lại, giao tiếp của người lớn đã khiến trẻ em - chưa được bảo vệ bằng vắc xin - trở thành nhóm dễ tổn thương hơn cả. Các em bị lây bệnh từ chính những người thân của mình, kể cả người đã chích ngừa.

THÙY DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên